Nguyễn Ngọc Ký - Từ 'Bàn chân kỳ diệu' tới người thầy kỳ diệu
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký là tác giả của hơn 30 đầu sách văn học các loại, phần lớn viết cho thiếu nhi. Từ kho văn liệu này, 3 bài thơ Nặn đồ chơi, Con đường làng và Em thương từng được tuyển vào sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học những năm trước năm 2000.
Cho tới hôm này bài Em thương vẫn còn trong sách Tiếng Việt 3 (tập 2) bộ hiện hành: Em thương làn gió mồ côi/ Không tìm thấy bạn vào ngồi trong cây/ Em thương sợi nắng Đông gầy/ Run run ngã giữa vườn cây cải ngồng…
Câu chuyện hiếu học
Và ở sách Tiếng Việt 4 (tập 1 trang 107) có bài Bàn chân kỳ diệu kể chuyện bé Nguyễn Ngọc Ký bị liệt 2 tay từ nhỏ, không thể cầm bút viết, nhưng thấy các bạn được cắp sách đến trường, Ký tự tìm vào lớp 1, xin học.
Cô giáo Cương không dám nhận một học sinh có khuyết tật cơ thể như thế. Nhưng rất thương! Mấy hôm sau cô Cương tới thăm Ký, nhìn thấy Ký đang ngồi trong sân nhà mình, dùng chân hí hoáy tập viết, cô giáo xúc động, nhận Ký vào lớp mình. Cô Cương và các bạn trong lớp trải cho Ký một manh chiếu cói cuối lớp để Ký ngồi học, kẹp bút vào ngón chân tập viết trên trang giấy. Ký học ngày càng giỏi, được kết nạp Đội, được Bác Hồ tặng huy hiệu Hồ Chí Minh.
Câu chuyện này, trước khi vào giáo khoa đã được anh “Bóng Nhựa” trên báo Thiếu niên Tiền phong - nhà văn Cửu Thọ, viết thành bài. Cho tới năm 1970 sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, chính Nguyễn Ngọc Ký viết thành tự truyện Những năm tháng không quên (còn có tên là Tôi đi học) in ở NXB Kim Đồng. Ở chương 3 sách này, tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Ký đã có những “phục bút”, những “thắt nút” thật hay về chuyện xin vào học.
“Cô cúi xuống hỏi lại: “Hả… em nói gì?”. “Dạ… em muốn vào học”. Cô Cương ngẩng lên, thở nhẹ, rồi cúi xuống nâng nâng đôi tay mềm nhũn của tôi lên: “Thôi nhé, em về nhà chơi, vài năm nữa cô sẽ nhận em vào lớp”. Khi cô Cương nói đến đấy không hiểu sao tôi bỗng òa lên khóc. Tôi khóc to lắm, cứ như vừa bị ai đánh vậy. Cô Cương nâng vạt áo lau nước mắt cho tôi và… dẫn tôi ra ngõ!” (tr.18).
Với câu chuyện hiếu học, câu chuyên dấn thân vượt khó từ tấm bé như thế, chuyện đời tác giả Nguyễn Ngọc Ký vào giáo khoa, trước văn chương của chính tác giả này!
Thầy dạy “viết bằng chân”
Cũng rất hiếm hoi là chuyện thầy giáo cử nhân văn chương Nguyễn Ngọc Ký ngoài việc dạy văn còn nhận dạy thêm môn… viết bằng chân. Chuyện thế này, ngày 14/6/2007, cậu bé lớp 9 Hoàng Em dưới huyện Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long) ra lò gạch của ông chủ Nguyễn Văn Linh, tiếp tục đứng máy nén gạch nhằm kiếm đủ 150.000 đồng mua lại chiếc xe đạp cũ để hết Hè đi học trường huyện - Trường THPT Măng Thít.
Hoàng Em bỏ đất vào cối ép thì vô ý đánh rơi cây vít đồ nghề (dùng để cạy sỏi, sạn) xuống miệng cối đang chạy. Tính nhặt cây vít, Hoàng Em đưa tay trái vào miệng cối. Cối ngoạm tay trái. Bấn lên, Hoàng Em lấy tay phải tính cứu tay trái, thế là cối nghiến cả hai tay.
Biết chuyện buồn này, mấy tháng sau, chi hội từ thiện Bảo Hòa thuộc hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM phần công tôi - người viết bài này - mời thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký xuống thăm Hoàng Em để khuyến khích, động viên và truyền kinh nghiệm dùng đôi chân làm tất cả những việc đôi tay có thể làm: Đánh răng, rửa mặt, đút cơm, cầm máy điện thoại và… viết văn.
Thầy Ký tới trường THPT Măng Thít, vào tận lớp của Hoàng Em mà truyền bí kíp: “Không có tay thì cầm bút bằng chân. Khó gì! Nhưng dù cầm bút bằng tay hay chân thì vẫn phải viết bằng cái đầu. Các em hãy giúp Hoàng Em học tập để trở thành người lao động trí óc”. Nói xong thầy Ký gấp tờ giấy màu bằng chân, cầm kéo bằng chân, cắt hoa bằng chân và nhờ một nữ sinh trong lớp gắn hoa đỏ lên ngực Hoàng Em. Cậu học trò lớp 9 tập viết bằng chân năm ấy, nay đang gõ phím máy vi tính bằng chân tại Công ty Giải pháp công nghệ Na An, sau khi đã tốt nghiệp loại giỏi ở Trung tâm đào tạo lập trình viên CNC Aptech TP.HCM.
Tình thầy trò thắm thiết
Nhà văn - phóng viên báo Nhân dân Bình Nguyên Trang đã 2 kỳ đại hội đại biểu Hội Nhà văn VN, lần IX và X đều được gặp “người thầy đầu tiên” dạy mình viết văn - thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy cũng là đại biểu chính thức.
Bình Nguyên Trang kể về những ngày được thọ giáo thấy Ký: “Năm tôi 10 tuổi, đang học lớp 4 trường làng thì thi đậu vào lớp chuyên văn trường năng khiếu của huyện nhà Hải Hậu, Nam Định. Bố đưa tôi đến trường, dẫn đến gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký, người thầy tôi ngưỡng mộ, nhà thơ mà tôi đã “thuộc lòng” nhờ từng được học về thầy trong sách giáo khoa trước đó. Thầy lại là bạn học với bố tôi, ngày trước.
Những năm tháng được là học trò của thầy Nguyễn Ngọc Ký thật nhiểu kỷ niệm, nhiều kinh nghiệm viết, đến giờ còn nhớ. Phòng của thầy sát vách với lớp học, cũng là nơi ăn ngủ của bọn trẻ chúng tôi. Mỗi tối, trong ánh đèn dầu, trong tiếng dế kêu, trong tiếng lá rơi, gió thổi ngoài sân trường, trong ánh sao mờ tỏ xa xa trên bầu trời, chúng tôi ngồi nghe thầy kể chuyện và đọc thơ. Thầy đã chỉ cho tôi cái hay, cái đẹp của nhiều tác phẩm văn chương và làm cho tôi hiểu một điều cơ bản, là cuộc sống sẽ trở nên buồn tẻ và nhàm chán đến nhường nào, nếu không có văn học nghệ thuật”.
Còn thầy Ký thì trân trọng nhắc tên học trò trong tự truyện mới nhất của mình, cuốn Tâm huyết trao đời (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017) ở trang 207: “Với túi xách trên vai tôi thủng thẳng bước ra phía cổng trường định cuốc bộ về nhà. Bỗng Ngọc Ánh con gái tôi đạp xe tới với vẻ vội vàng, thông báo tin “khẩn” - ông ngoại xuống chơi, mẹ bảo đón bố về ngay… Tôi định ngồi lên xe thì Quỳnh Trang, nay là nhà văn Bình Nguyên Trang, cùng mấy em nữ lớp văn 6 từ đâu đến vây lấy tôi, đứa cầm tay, đứa níu áo: Thầy ơi! Thầy ơi! Thầy ở lại với chúng con đi! Chúng con sợ lắm”.
Các bạn của Trang sợ là vì bạn Son ở nội trú cùng phòng, chẳng may chết đuối hôm trước. Cái giường của Son còn để trống trong phòng nội trú! Cái giường như một khung cửa đen đầy ma mị nếu tắt đèn. Thầy Ký đành thất lễ với nhạc gia nhà mình, ở lại trường, ngồi trên cái giường trống hoắc của Son, đọc thơ, kể cổ tích mình sáng tác, dùng văn chương lấp đầy không gian tưởng tượng ma mị của lũ trò nhút nhát! “Cứ thế, tôi đưa các em từ từ chìm vào giấc ngủ bình an lúc nào không hay. Còn tôi cứ nằm im đấy nhưng mắt cứ thức chong chong. Trong ánh đèn dầu chập chờn, ngắm các “thiên thần” say giấc… lòng lâng lâng khó tả”.
Yêu…
Nguyễn Ngọc Ký là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1966 - 1970, là bạn học cùng lớp với các nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Quang Trang, Bế Kiến Quốc, Đỗ Nam Cao, Lê Thành Nghị, Nguyên Kim Cúc, Cao Xuân Phách, Vũ Ân Thi, Nguyễn Bích Vân, Trần Bảo Hưng, Lê Huy Hòa, Nguyễn Hữu Hùng (Hùng Râu), Mai Hương, Nguyễn Hiếu, Thế Khoa… Có nhiều bạn văn, nhiều chuyện văn, năm 2018 Nguyễn Ngọc Ký ấn hành hồi ký Tôi học đại học (NXB Tổng hợp TP.HCM) nhìn lại một thời các sinh viên văn khoa, học trên rừng, học dưới hầm, học trong bom đạn. Đọc Tôi học đại học, nhà văn Lê Quang Trang, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, nhận ra, từ 300 trang sách “sự phong phú của tâm hồn, sự tinh tế trong ứng xử và khát vọng mãnh liệt vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao”.
- Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 31): Từ 'nhịp hải hà' đến 'Cô giáo lớp em'
- Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 30): Vũ Duy Chu - Nhà văn thân thiết của các em
Học văn thì cũng phải tính chuyện ăn chứ! Và chuyên yêu nữa. Đọc hồi ký Tâm huyết trao đời của thầy giáo Ký, mới biết khi còn là một thanh niên, chàng Nguyễn Ngọc Ký cũng đường đường một tay yêu có hạng. Nếu thi sĩ Xuân Diệu, có bài thơ “Em ngồi ríu rít ở sau xe/ Em nói lòng anh mải lắng nghe” thì Nguyễn Ngọc Ký, cũng có cách “rối rít” của mình, bằng văn xuôi.
Ông viết ở trang 96 sách này dưới dạng nhật ký, ngày 25/8/1970: “… em đạp xe định về, thế rồi chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào em lại rẽ xuống đây. N cười, nói như thanh minh với giọng e ấp thật hồn nhiên. Bố mẹ đi làm cả, mình rủ N đi chơi Hải Nam chỗ chị Bình. Suốt đoạn đường ngược chiều gió heo may, giữa một sáng Thu êm mát, chất ngất màu xanh, của lúa, của trời, lần đầu tiên ngồi sau xe một người con gái, mình thật sự hồi hộp, vui vui, ngường ngượng”.
“Em có sợ người ta trêu khi đèo anh không?”, “Thế anh có ngượng khi bị em đèo không?”… Cứ ríu rít như thế, trên đường xanh chất ngất, chỉ mấy tháng sau, họ đi tới hôn lễ vào ngày 16/12/1970.
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn