Nguyễn Huy Thiệp: Nói chuyện một mình về nghề nghiệp
(Thethaovanhoa.vn) - Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà văn lớn Nguyễn Huy Thiệp vừa vĩnh viễn rời bỏ thế gian vào lúc 16h30' ngày 20/3/2021 tại nhà riêng ở Hà Nội. Hội Nhà văn Việt Nam sẽ phối hợp với gia đình tổ chức tang lễ cho ông.
Vô cùng thương tiếc bậc tài hoa để lại dấu ấn lớn trong nền văn học Việt Nam đương đại, xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài độc thoại của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dưới dạng phỏng vấn gần đây thể hiện cách nhìn về nghề nghiệp của ông…
***
Thường người ta xếp nhà văn cao trên ăn mày một bậc, nhà văn đứng đầu trong đám thảo dân, đứng cuối trong các phẩm trật triều đình. Giàu không ai viết văn cả (vì giàu thì hỗn, mà viết văn đòi hỏi khiêm tốn),…
Hỏi: Có nghề văn không?
Đáp: Có! Nó cũng giống như những nghề khác. Như nấu ăn, thợ xây, buôn bán v.v.. Có thành bại, vinh nhục, giầu nghèo.
Hỏi: Nghề văn khác nghề khác thế nào?
Đáp: Có lẽ bởi nó vô chiêu, không có hình tướng. Nó là sản phẩm và kết quả của hoạt động vô thức nhiều hơn ý thức. Công cụ của nó là ngôn ngữ. Nó gần với tôn giáo và chính trị. Nó đi tìm Đạo, tìm ý nghĩa cuộc sống, tìm sự giác ngộ.
Hỏi: Sao chỉ nói “nghề”, không nói “nghiệp”?
Đáp: Nghiệp đến sau, cuối đời mới biết được. Có lẽ cũng không hẳn thế. Nó đến từ trước, từ kiếp trước với ai đó. Tôi nói nghề là nói đến vật chất, tiền bạc, kiếm sống. Tôi không hiểu những người nói “viết văn không phải là nghề mà là nghiệp của anh ta (hay chị ta)”. Nói thế to tát quá, đáng sợ quá. Nghiệp văn là một nghiệp chướng rất nặng, rất kinh khủng, nhiều hệ lụy. Nó là một chương trình tâm linh từ đâu đấy không ai hiểu được. Nhà văn (rốt ráo) trước sau gì vẫn phải – và chỉ là người đi tìm Đạo mà thôi. Anh ta dại dột chạy tế lên trước để vén tấm màn vô thức lên cho mọi người cảm thấy, trông thấy rồi sau đó để họ về nhà, họ ngẫm nghĩ và ý thức để sống cuộc đời của họ sao cho có Đạo. Một tác giả có độc giả hơi giống một thứ nam châm tinh thần hoặc tình cảm thế nào đó có hào quang thực sự. Jesus Christ là hình mẫu của một nhà văn cổ điển như thế. Người ta gọi ông là Chúa. Chúa Jesus Christ là nhà văn thất bại vĩ đại nhất trên thế gian này.
Hỏi: Nhà văn thất bại, vậy thế nào là nhà văn thành công?
Đáp: Như mọi người thường vẫn quan niệm thôi: “vinh thân phì gia”, có được một giải thưởng gì đấy đáng giá.
Hỏi: Nghe có vẻ dung tục, tầm thường?
Đáp: Thường. Không phải tầm thường. Khác với tầm thường. Khó. Rất là khó!
Hỏi: Một nhà văn cần phẩm chất gì?
Đáp: Tôi không biết rõ lắm. Tôi chỉ nhắc lại lời của các cụ ngày xưa thôi. Lê Quý Đôn (1726-1784) nói: “Văn học không phải trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Lê Quý Đôn quan niệm như thế nghĩa là mặc nhiên đặt nhà văn vào vị trí một trí thức, thậm chí phải là người trí thức nhất trong cộng đồng.
Hỏi: Cổ điển quá, tuyệt đối quá!
Đáp: Đúng rồi. Rất cổ điển, tuyệt đối! Nhưng nên hướng về cổ điển và tuyệt đối. Tôi thì chưa thấy ai làm được như thế trong thế hệ mình.
Hỏi: Anh là ai?
Đáp: Tôi là một dạng ăn may, một nhà văn may mắn gặp thời. Tôi gặp được toàn những người rất tốt. Tôi ăn may…
Hỏi: Ăn may hay ăn mày?
Đáp: Thành công thì gọi ăn may! Hồi bé tôi rất thích truyện Trạng Lợn. Trạng Lợn đi qua một cái làng, định vào đấy nghỉ đêm, thấy ở cổng làng có dựng một cái chày đứng. Trạng Lợn thấy thế, bèn lấy bút ra viết vào tường hai chữ “đừng cháy” rồi bỏ đi. Thế nào đêm ấy làng này để củi lửa ra sao hóa ra cháy sạch! Chuyện ấy thật buồn cười, nó ám ảnh suốt cuộc đời viết văn của tôi.
Hỏi: Anh đã gặp chuyện gì tương tự thế chưa?
Đáp: Gặp nhiều chứ!
Hỏi: Ví dụ?
Đáp: Năm 2004, tôi được mời sang Pháp để ra mắt cuốn “À nos vingt ans” (Tuổi 20 yêu dấu). Hôm ấy có ông Jean Lacouture (1921-2015) một người quan trọng, là chuyên gia số 1 về Việt Nam của chính phủ Pháp. Câu đầu tiên ông ấy nói với tôi là: “Khi tôi đến Việt Nam thì anh vẫn còn chưa đẻ!” Tôi chẳng biết nói sao. Trước đấy người ta hỏi tôi: “Anh nghĩ thế nào về việc nhà văn được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh?”. Tôi hỏi: “Huân chương có tiền không?” Họ bảo: “Không!” Tôi bảo: “Vậy đấy là huân chương cho người yoga!” Họ bảo họ không hiểu. Tôi bèn lấy giấy vẽ một người cởi trần đóng khố, gày trơ xương đang đứng, còn bên cạnh có một người đội mũ phớt, mặc com-plet, miệng tươi cười, một tay cầm búa, một tay cầm cái đinh sắt dài 20 phân đóng vào ngực anh ta. Tôi bảo: “Đây là huân chương cho người yoga”. Họ cười hỏi: “Nếu được tặng huân chương ông có nhận không?” Tôi lắc đầu. Sau này tôi được nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh (Hiệp sĩ về Văn học và Nghệ thuật) ở Hà Nội, lúc ấy tôi mới biết hóa ra tôi đã được ngài Bộ trưởng Bộ văn hóa Pháp Jean-Jacques Aillagon ký cho tôi nhận huân chương ấy từ ba năm trước rồi.
- Thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: 'Khỏe dần dần, cứ yếu mãi cũng nguy'
- ‘Tuổi 20 yêu dấu’ của Nguyễn Huy Thiệp chính thức ra mắt ở Việt Nam
- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi chỉ là người 'độc hành kỳ đạo'
Hỏi: Được nhận huân chương anh thấy sao?
Đáp: Vinh dự vô cùng! Tôi rất hãnh diện. Cả nhà tôi cảm động. Từ khi được nhận huân chương tôi không còn được “tự do” nữa (ý tôi muốn nói là “bừa bãi” nữa).
Hỏi: Anh nói ăn may. Thế ăn mày?
Đáp: Thường người ta xếp nhà văn cao trên ăn mày một bậc, nhà văn đứng đầu trong đám thảo dân, đứng cuối trong các phẩm trật triều đình. Giàu không ai viết văn cả (vì giàu thì hỗn, mà viết văn đòi hỏi khiêm tốn), ở đây trừ vài “người điên thiên tài” thực sự như Tào Tuyết Cần, Bồ Tùng Linh, Lev Tolstoy… là những trường hợp đặc biệt từ người giầu có do viết văn họ lại hóa ra nghèo. Nghèo thì cũng không ai đi viết văn cả. Nhà văn là người biết sống trung dung, phong lưu, tri túc, “cầm kỳ thi họa đủ mùi ca ngâm”. Không dễ gì tổ chức được một cuộc đời như thế. Rất khó, khó nhất không phải chỉ là tiền bạc, cũng khó nhất không phải chỉ là tri thức – mà khó nhất lại là đạo đức! Các cụ ngày xưa nói “có đức không đủ sức mà ăn” là vô cùng sâu sắc, vô cùng tế nhị.
Hỏi: Đạo là con đường, đúng không?
Đáp: Đúng! Là con đường, con đường có nhiều chặng. Đích đến là Đức vậy. Nhà văn dùng ngôn ngữ văn học để hướng người đọc về “cái đang là” với đích đến là đạo đức. Ta sẽ lại còn nói tiếp về nó…
NGUYỄN HUY THIỆP