Người quan sát: Thử định giá ĐTQG
Thái Lan thua Bahrain 1-2, Nhật Bản giành chiến thắng 2-0 trước Paraguay và Việt Nam vượt qua Afghanistan 2-0, là những kết quả đáng chú ý ở loạt trận thuộc FIFA Days khu vực châu Á và Đông Nam Á vừa diễn ra.
Theo bảng xếp hạng mới nhất của FIFA, trước loạt trận FIFA Days vừa qua, Nhật Bản là đội có thứ hạng cao thứ 2 châu Á (hạng 23), chỉ sau Iran (21). Bóng đá Á châu góp 5 cái tên trong tốp 50 nền bóng đá mạnh nhất thế giới, khi ngoài Nhật Bản và Iran, còn có Hàn Quốc (29), Australia (42) và Saudi Arabia (49). Đây cũng là những đại diện góp mặt một cách thường xuyên tại các VCK FIFA World Cup.
Tại Đông Nam Á, ĐTQG Việt Nam ổn định ở ngôi đầu từ vài năm qua, với vị trí hiện tại là 96 (xếp trên cả Lebanon), trong khi Thái Lan là 111, còn Philippines 115.
Thái Lan ở vị trí 111 trên FIFA Ranking và họ vừa “cáp kèo” được với Bahrain (89) thế là quá hời và nó cho thấy phần nào uy tín của Liên đoàn bóng đá nước này. Dù thua ngay trên sân nhà, thì người Thái vẫn được hưởng lợi rất nhiều từ một trận giao hữu chất lượng với đối thủ mạnh hơn. Trong khi đó, đối thủ của Việt Nam là Afghanistan hiện chỉ đang xếp thứ 150/211 Liên đoàn thành viên của FIFA.
Chúng ta không nói Afghanistan quá yếu và quá lép vế trong trận đấu trên sân Thống Nhất, mà ngược lại, họ chơi khá sòng phẳng, ăn miếng trả miếng với đội chủ nhà. Chỉ là, những trận đấu với đối thủ ở khoảng cách quá xa như thế, hoàn toàn không có lợi.
Thứ nhất, ngay cả khi thắng nhàn, thì số điểm tích lũy không được cải thiện đáng kể, để tác động lên thứ hạng trên FIFA Ranking. Họa mà thua hoặc hòa, chúng ta còn bị mất kha khá điểm là đằng khác, dễ không biết chừng bị tụt lại. Nhưng điều cốt lõi chúng tôi muốn bàn ở đây là các giá trị về thương quyền, hình ảnh và uy tín của đội bóng, của nền bóng đá. Chúng ta không thể mời được đối thủ mạnh hơn?!
FIFA Days ra đời từ năm 2002 và nó đã từng gây nhiều tranh cãi về mặt quyền lợi giữa FIFA và các Liên đoàn thành viên, cũng như các CLB hùng mạnh, cùng với những giải đấu hàng đầu như UEFA Champions League hay Nations League... ĐTQG Việt Nam chỉ mới thực sự thuận theo FIFA Days cách đây không lâu (với các trận đấu được quy định vào cuối tháng 3, đầu tháng 6, đầu tháng 9, đầu tháng 10 và giữa tháng 11 hàng năm).
Rất hiếm khi ĐTQG Việt Nam được đón tiếp một đội bóng mạnh trong hoặc ngoài AFC trong các dịp FIFA Days, mà chuyện này thì có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như do uy tín của đội tuyển tạo dựng được trên trường quốc tế chưa cao, rồi quan hệ quốc tế và kế đến là hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu, hạ tầng giao thông, di chuyển. Đâu xa, chúng ta không có các SVĐ sức chứa lớn hơn 40.000 ghế ngồi.
Trận giao hữu chất lượng cuối cùng mà chúng ta từng được trải nghiệm đã cách đây 1 năm, đấy là gặp Jordan ở Shariah, UAE, ngày 31/5/2021, chứ không phải ở quê nhà. Trận này, thầy trò HLV Park Hang Seo cầm hòa đối thủ được cho là mạnh hơn và cũng xếp trên chúng ta vài bậc, với tỷ số 1-1.
Bóng đá là sự tích lũy, thậm chí là chắt chiu những cơ hội nhỏ nhất, cột mốc nhỏ nhất. Trong hơn 3 năm qua, kể từ VCK Asian Cup 2019 (lần thứ 2 trong lịch sử kể từ sau hội nhập trở lại, ĐTQG Việt Nam vào đến tứ kết), bóng đá Việt Nam đã lấy lại được vị thế chúng ta từng có như giai đoạn 2007-2008. Chúng ta dấn thêm bước dài nữa tại chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup 2022, bằng những trận đấu khá chất lượng...
Để duy trì được vị thế và uy tín, cần phải nỗ lực hơn nữa. Các thành tích hay cột mốc ở SEA Games, U23 châu Á hay thậm chí cả ASIAD vốn dành cho bóng đá trẻ, không được tính vào đây, còn AFF Cup chỉ là chuyện riêng của bóng đá Đông Nam Á vốn chả mạnh.
Tương lai ở phía trước, đương nhiên rồi. Nhưng lịch sử nền bóng đá cũng là ở phía trước, chứ không phải những cột mốc đã tạo lập được, và vì thế chúng ta hãy tiến về phía trước, thay vì mải ngoái lại mà tự hài lòng hay thỏa mãn với vài chiến tích ở quy mô vừa phải.
CCKM