Người quan sát: Hiện tượng và bản chất
(Thethaovanhoa.vn) - Thật kỳ lạ, trong một năm mà hệ thống các giải bóng đá quốc gia, từ futsal, đến bóng đá nữ, cũng như V-League, giải hạng Nhất và phần lớn các giải đấu trẻ..., gần như bị tê liệt bởi đại dịch Covid-19, thì các ĐTQG lại gặt hái thành công.
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa giành vé dự VCK FIFA World Cup 2023, đấy là kỳ tích xưa nay. Trước đó, ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo cũng xuất sắc vượt qua "tam kiệt" Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia và Indonesia, để cùng UAE phân định ngôi thứ bảng G, đi đến Vòng đấu loại thứ 3 FIFA World Cup 2022. Đây cũng là cột mốc trăm năm mới có. Đội tuyển futsal Việt Nam lần thứ 2 dự VCK World Cup một lần nữa lọt vào vòng 16 đội mạnh nhất, sau những trận đấu ấn tượng tại vòng bảng gồm toàn những đối thủ mạnh.
Bóng đá là sự tích lũy, cộng dồn và nâng cấp qua thời gian, bằng với nỗ lực không ngừng. Hai năm qua, không chỉ bóng đá Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 toàn cầu, mà cả Đông Nam Á, châu Á và toàn thế giới cũng chung bối cảnh. Thế nên, bình tâm mà luận, thì thành tích của các ĐTQG được cho là hiện tượng, là "trong nguy có cơ", chứ không phải bản chất.
Vận vào ngôn ngữ hình ảnh thì thế này. Nếu chúng ta ví đầu ra các ĐTQG là phần ngọn của một cái cây, thì phần gốc rễ chính là hệ thống đào tạo trẻ, bóng đá học đường và bóng đá phong trào nói chung; phần thân là hệ thống các giải bóng đá quốc gia, với quan trọng nhất là giải VĐQG như đã nhắc ở đầu bài viết.
V-League và giải hạng Nhất thuộc hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng chưa phát triển đúng với năng lực và nguồn lực đầu tư, với chất lượng chuyên môn không cao, đến từ việc chất lượng đội hình của các đội không đều. Chỉ vài ba CLB có tham vọng thực sự, số còn lại chỉ lo trụ hạng và thậm chí trong năm qua, Than Quảng Ninh đã bố cáo giải thể.
Ngó qua giải vô địch bóng đá nữ quốc gia và giải futsal VĐQG, trong nhiều năm gầy dựng, vẫn chưa thể thành hình các giải chuyên nghiệp. Futsal là sự thống trị tuyệt đối của CLB Thái Sơn Nam, còn bóng đá nữ xoay qua xoay lại vẫn chỉ là TP.HCM và Hà Nội.
Hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu và nguồn lực đầu tư là yếu tố cốt lõi có thể tiến lên chuyên nghiệp, nhưng đồng thời cũng là điểm yếu chí tử với bóng đá nữ và futsal. Về nguồn lực với bóng đá nữ, nếu chúng ta chịu khó gầy dựng từ các địa phương, thì nguồn tiền (từ FIFA) đổ vào rất lớn. Đây có thể nói là vùng trắng mà bóng đá nữ Việt Nam chưa tận dụng được. Trách nhiệm này thuộc về VFF trong việc định hướng và hỗ trợ địa phương.
Việt Nam chưa có những Học viện bóng đá quy mô lớn, những phân xưởng đào tạo cỡ lớn, chưa thể xuất khẩu hay thậm chí chỉ là gởi gắm cầu thủ ra nước ngoài thi đấu..., thế nên, nguồn nội lực chính vẫn là quyết định thành bại. Song có cảm giác như chúng ta chỉ đang "hớt váng" một đôi lứa cầu thủ tốt, với cả sự cổ vũ của thời thế và sự nỗ lực của vài chục tuyển thủ ở cả ba cấp độ đội tuyển: Futsal, bóng đá nữ và ĐTQG nam.
Bóng đá cũng như bao địa hạt khác của xã hội, có thịnh ắt có suy, có cao trào ắt có thoái trào, nếu chúng ta không sẵn các phương án, không thay đổi để thích nghi với thời cuộc. Nâng cấp và chuyên nghiệp hóa hệ thống các giải bóng đá VĐQG là điều cần thiết nhất vào lúc này, thay vì chỉ ngồi rung đùi đếm những cột mốc gọi là lịch sử khiêm tốn mà các ĐTQG đạt được.
Người viết bài này tin rằng, nếu không nỗ lực cải thiện, sẽ không có thêm cột mốc lịch sử nào nữa cho nền bóng đá trong khoảng 10 năm tới, ở tất cả các ĐTQG. Nếu tinh ý, không khó để nhìn thấy lỗ hổng ngay cả khi chúng ta ở đỉnh vinh quang, mà thất bại của thầy trò ông Park ở AFF Suzuki Cup 2020 vừa rồi chính là hồi chuông cảnh tỉnh.
CCKM