Người quan sát: Đỏ chưa phải đã chín
ON SPORTS TV vừa có một thống kê rất... “bắt mắt” người xem, về thành tích đối đầu của bóng đá trẻ Việt Nam và Thái Lan, kể từ năm 2017. Theo đó, các đội tuyển trẻ Việt Nam đã đấu với Thái Lan 16 trận, từ đấu trường khu vực đến châu lục và giải giao hữu, chúng ta thắng đến 9, có 7 trận hòa và chưa thua trận nào. Thành tích có thể nói là tốt nhất trong lịch sử nền bóng đá.
Lần gần nhất, đội tuyển U17 Việt Nam đã đè bẹp U17 Thái Lan 3-0 tại Vòng loại U17 châu Á, trận đấu diễn ra trên sân Việt Trì.
Bóng đá, và đặc biệt là bóng đá trẻ Việt Nam, rất có tiềm năng, từ trong quá khứ cho đến hiện tại. Và nhiều giai đoạn khác nhau khoảng 30 năm qua, dù chúng ta thua thiệt Thái Lan về thành tích đối đầu của đầu ra (tức các ĐTQG), nhưng tiềm lực và nguồn lực là không hề kém cạnh, thậm chí còn ăn đứt họ. Khác biệt được tạo ra giữa 2 nền bóng đá, chính là phương pháp làm bóng đá chuyên nghiệp mà thôi.
Thành tích đối đầu tốt dần và cục diện có vẻ nghiêng hẳn về Việt Nam trong khoảng 5 năm qua, đấy chính là bởi nền bóng đá đã và đang gặt hái - tận thu thành quả từ khâu đào tạo trẻ, với các Học viện - Trung tâm bóng đá, ra đời từ những năm cuối của thập niên đầu thế kỷ 21. Ví như HAGL - Arsenal - JMG (2007), PVF (2009), SLNA, rồi Hà Nội và Viettel, Nam Định, Đà Nẵng, Bình Dương... Chúng ta phải cảm ơn các Học viện ấy.
Một cầu thủ trẻ khi bước vào các Học viện, mới 11-12 tuổi và phải hàng chục năm sau, mới hy vọng ra thành phẩm. Cứ 3-5 năm như thế, lại có một thế hệ cầu thủ mới. Làm bóng đá có thể đốt cháy giai đoạn, nhưng đào tạo trẻ thì không đi tắt đón đầu được. Nó thuộc về quy trình và chiến lược bài bản.
Giờ thì chúng ta trở lại vấn đề đặt ra ở tựa đề bài báo này, rằng đỏ chưa phải là đã chín. Nền bóng đá, với sự nâng cấp về biểu đồ thành tích của sản phẩm đầu ra là các ĐTQG những năm gần đây, phần lớn mới chỉ tập trung ở bóng đá trẻ. Trong đó, U20 Việt Nam từng giành vé dự VCK FIFA U20 World Cup 2017 (thông qua suất bán kết U19 châu Á 2016); U23 Việt Nam đoạt ngôi á quân giải châu Á 2018, Olympic Việt Nam vào bán kết ASIAD Indonesia 2018...
Các giải đấu trẻ cấp khu vực khác như U22, U19 Đông Nam Á, thậm chí môn bóng đá nam SEA Games mấy năm gần đây, không đáng kể, bởi nó vốn dĩ được xem là các festival, tức là ngày hội bóng đá trẻ. Các sân chơi này vốn dĩ không thuộc hệ thống thi đấu của FIFA lẫn AFC. Nó đơn thuần là những sàn đấu tập dượt, tăng số lượng trận cho cầu thủ trẻ/năm càng nhiều càng tốt, đặng giúp họ tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng.
Chúng ta đã và đang có một hệ thống đào tạo trẻ khá quy củ, nhưng nó mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Phần thân của cái cây bóng đá ấy, phải là hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia và hệ thống thi đấu quốc gia.
Và thế nên, đầu ra cao nhất là ĐTQG, kịch kim cũng chỉ là ngưỡng tứ kết AFC Asian Cup (các năm 2007 và 2019). Thành tích tốt nhất trong lịch sử nền bóng đá là vào đến Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, khu vực châu Á, nơi chúng ta đã đối đầu sòng phẳng với Nhật Bản, Saudi Arabia hay Trung Quốc, Australia... Tất nhiên, không thể mộng tưởng mà đòi hỏi chiến thắng tất cả các đối thủ này. Bóng đá Việt Nam vẫn còn ở một khoảng cách khá xa với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Vẫn là cột mốc 2017 đến nay, chúng ta dường như chưa thắng Thái Lan trận nào, ở cấp độ ĐTQG, tại các trận đấu - giải đấu chính thức. Với tiềm lực của bóng đá trẻ, có thể tương lai gần sẽ khác. Nhưng, vẫn phải nhắc, đỏ chưa phải đã chín. Vượt qua Thái Lan không phải là đích ngắm cuối cùng của chúng ta, nhưng hãy vượt qua họ đã, rồi tính chuyện mai sau, bởi chỉ sợ đêm dài lắm mộng!
CCKM