Người quan sát: Cô Tấm chỉ có trong cổ tích
10 năm trước, có một lứa cầu thủ tuổi 19 mới ra ràng từng làm mê hoặc người hâm mộ và cả làng túc cầu nội, từ những người làm chuyên môn đến kẻ ngoại đạo. Chúng tôi gọi đó là "những đứa trẻ của bầu Đức", với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Văn Sơn, Hồng Duy, Đông Triều...
Thứ bóng đá mà họ chơi, cảm xúc mà họ đem lại, quả thật xưa hiếm nay mới thấy lần đầu. Những pha ban bật ở cự ly ngắn và trung bình như thêu hoa dệt gấm, di chuyển không bóng thông minh, linh hoạt, với nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận, các bàn thắng làm nức lòng khán giả.
Từ Thống Nhất ra Mỹ Đình, quay trở lại Cần Thơ, đi đến đâu "đám trẻ nhà bầu Đức" gây tiếng ồ ở đó. Các SVĐ được lèn kín, tình trạng cháy vé như cơm bữa. Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG thực sự đã sản sinh ra một lứa cầu thủ hay và thuần nhất Việt Nam trong nhiều năm. Họ chính là thiên sứ của tình yêu.
Với sự trong trẻo, thuần khiến trong lối chơi, người hâm mộ gọi Công Phượng và đồng đội là Cô Tấm ngày nay. Quả thật, ngay thời điểm mà bóng đá Việt Nam chạm đáy về nỗi thất vọng, thì "đám trẻ của bầu Đức" như một hiện thân của Cô Tấm, kéo khán giả trở lại sân, ngay cả khi họ chưa biết đến mùi danh hiệu trong nhiều năm.
Nhắc lại khoảng thời gian 2012-2014, các ĐTQG Việt Nam hết thảy thua ở các hạng mục giải đấu quan trọng khu vực như AFF Cup và SEA Games. Giải quốc nội đi xuống về chất lượng, tiêu cực ở Ninh Bình, Đồng Nai; bầu Kiên bị bắt..., hệ lụy là rất nhiều CLB bỏ giải, thậm chí tuyên bố giải thể và giải tán luôn.
Từ Hòa Phát HN (bầu Long), đến CLB Hà Nội (HN ACB của bầu Kiên), Navibank SG, XMXT SG, K.Kien Giang, HV An Giang, Đồng Nai, V.Ninh Bình..., đều đã một đi không trở lại. Bóng đá Việt Nam bị phủ một màu xám, thì chính là lúc Cô Tấm xuất hiện: "Đám trẻ nhà bầu Đức".
Và, dù không phải lúc nào cũng vào vai kép chính ở các cấp độ ĐTQG, nhưng bóng đá Việt Nam có được chu kỳ 5 năm thành công dưới thời HLV Park Hang Seo (2018-2023), Học viện Hàm Rồng mới thực là khởi thủy cho sự vươn lên ấy. Ngàn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm, bầu Đức cũng là có vai trò quan trọng trong việc đưa ông Park về Việt Nam.
Nay, Hàm Rồng vẫn ở đó, vẫn rất tích cực trong khâu đào tạo, tuyển chọn, nhưng cũng 10 năm qua, họ lại gần như không sản sinh thêm được gương mặt tài năng nào (chứ đừng nói cả lứa như Khóa 1 giai đoạn 2007-2013). Dụng Quang Nho là cái tên khả dĩ nhất, nhưng cũng chỉ ở mức trung bình và chơi được ở giải trẻ.
"Cầu thủ HAGL lúc này không đủ trình độ đá V-League", nhận xét của chuyên gia Đoàn Minh Xương. Chua xót, đau đớn, nhưng là sự thật. Tất nhiên, nhận xét này không được lòng bầu Đức và những người vốn vẫn còn yêu mến những đứa trẻ của ông. Hơn 2/3 cầu thủ khóa 1 không còn ở Pleiku và sự thật là HLV Kiatisuk đã thất bại trong công cuộc trục vớt con tàu.
Xem HAGL thi đấu, bất lực và cố gắng để níu kéo những điểm số ít ỏi trước các đối thủ yếu như Quảng Nam hay Khánh Hòa, mới thấy tội những Minh Vương, Châu Ngọc Quang, Tuấn Anh... Họ là những người Mohican cuối cùng còn ở lại, hay chính ra là bị ở lại bởi tin lời vào lời hứa.
Việc đội bóng phố Núi đã và đang có được những điểm số quan trọng, đấy là nhờ tài năng của HLV Vũ Tiến Thành và các mối quan hệ khác. Không có quan hệ, sao phố Núi lại được thêm quân?! Tương tự, vẫn là "Zico Thai" Kiatisuk Senamuang, nhưng tại sao khi cập bến CAHN lại có được ngay các chiến thắng?! Có thực mới vực được đạo là nghĩa như vậy.
Một đôi năm qua, Thanh Hóa dưới thời HLV Popov với lối chơi hiện đại, quyến rũ, đem lại sự tin yêu nơi người hâm mộ xứ Thanh. Nhưng với các bàn thua như trước HAGL và cả những trận thua khó hiểu, thì ngay cả ông Popov cũng không thể giải thích được. Cô Tấm đúng là chỉ có trong cổ tích mà thôi!
Nếu bóng đá không còn sinh ra Cô Tấm nào nữa, thì cầu chúc cho các Cô Tấm ngoài đời thực, những người phụ nữ, hạnh phúc được vẹn toàn, nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vậy.