Người quan sát: Chấp nhận chiến bại
(Thethaovanhoa.vn) - Hai tình huống "sang tay" của Hồ Tấn Tài và Đỗ Duy Mạnh, đội tuyển Việt Nam chịu 2 quả penalty trước chủ nhà Oman trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022... Đó là các quyết định chuẩn xác của trọng tài người Lebanon.
Bóng đá là tình huống, là tiểu xảo và là đầy đủ những chiêu trò. Công nghệ VAR có thể tố giác mọi hành vi trên sân và đó chính là tòa-án-xét-lại tại trận của đội ngũ cầm cân nảy mực, ở kỷ nguyên số. Tuy nhiên, vẻ như chúng ta chưa thể thích ứng với sự can thiệp hỗ trợ từ VAR, nên cảm giác như thường xuyên phải chịu những thiệt thòi xuyên suốt 4 trận đấu vừa qua. Chỉ là cảm giác thôi, mà một vài ý kiến đề cập đến cả thuyết âm mưu.
Bóng đá chuyên nghiệp, người ta không bàn tới công tác trọng tài, sau khi trận đấu đã kết thúc, bởi nó không thay đổi được gì cả. Ngược lại, sự cay cú, phẫn uất kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý, cũng như chiến thuật chuẩn bị bước tiếp theo.
Ấy vậy mà ở Việt Nam, nhiều ngày trước trận đấu với Trung Quốc, chúng ta cứ mải miết lên dây cót tinh thần và còn vin vào nhiều yếu tố rất không liên quan đến khuôn khổ một trận bóng đá. Cho đến khi thua trận ở những phút cuối hiệp 2, vì sự thiếu tập trung hệt như những gì diễn ra cuối hiệp 1 với Oman, thì tất cả quay qua trách cứ trọng tài, rồi buộc tội cả HLV Park Hang Seo. Đòi hỏi, tự phụ và tự cho mình quyền phán quyết với thiên kiến, đó dường như là thuộc tính khó bỏ của 1 bộ phận không nhỏ người hâm mộ.
Các pha "gác tay" vào mặt đối thủ của Tấn Tài và Duy Mạnh, hoàn toàn không phải động tác thừa như giới ngoại đạo phán xét. Đó là các bộ tay, chân và cơ thể liên hoàn, trong một pha tranh chấp bóng, nhằm cản trở hoặc ít nhất cũng gây khó khăn cho đối thủ, trong việc tiếp cận bóng ở tình huống tiếp theo. Nó thuộc về kỹ năng chơi bóng mà bất cứ cầu thủ nào cũng phải học và thuộc. Dần dà, các kỹ năng thuần thục này trở thành phản xạ vô điều kiện. Gặp là thi triển tự nhiên vậy.
V-League có thể sản sinh ra rất nhiều cầu thủ có lối chơi rắn và rát hơn mức cần thiết, nhưng điều đó khác với các hành vi bạo lực và tiểu xảo. Trọng tài ở V-League trước khi ra quyết định, cũng phải đắn đo, chứ không nghiêm và minh như quốc tế. Cựu trọng tài Hoàng Ngọc Tuấn nói một câu rất hay, rằng các quyết định hà khắc (nếu có) của vua áo đen, qua 4 trận đấu vừa qua với đội tuyển Việt Nam, chỉ có lợi cho chúng ta, bằng với sự cầu thị, rút tỉa kinh nghiệm.
Bước ra sân chơi châu lục, ngay lúc này là vòng loại thứ 3 giành suất đi FIFA World Cup 2022, chúng ta đã không có sự chuẩn bị tốt nhất, phần vì đại dịch Covid-19 kéo dài ở Việt Nam. Ví như chiến thuật chống tình huống bóng cố định của Oman, cụ thể là các quả phạt góc, dường như ông Park chưa kịp dạy các học trò. Oman đương nhiên lợi thế hơn về hình thể và họ tận dụng triệt để điều đó, nhưng bài miếng này, chắc chắn họ đã tập luyện rất thuần thục rồi.
Bóng đá là mạnh được yếu thua. Thua là thua, chứ không bắt lỗi hay đổ tội. Trận gặp Oman, chúng ta đá khá hơn so với trận đấu trước đó gặp Trung Quốc, và cũng tiến bộ hơn các cuộc đối đầu Saudi Arabia và Australia. Sự tiến bộ qua từng trận đấu là điều phải ghi nhận, xong cũng cần phải thừa nhận luôn rằng, đẳng cấp của các đối thủ qua 4 trận vừa rồi là thấp dần đều. Họ chỉ thấp hơn khi so với nhau, còn đối với Việt Nam, vẫn là mạnh hơn, kể cả Oman.
Và, khi đội tuyển thua các đối thủ mạnh hơn, thì có gì phải bàn cãi nữa?! Thay vì lao vào những tranh luận không hồi kết, gây cản trở, thì chúng ta phải bảo vệ đội bóng. Hơn lúc nào hết, thầy trò HLV Park Hang Seo cần được bảo vệ, bởi họ đã và đang chiến đấu với hơn 100% sức lực, tại một sân chơi mà lịch sử 100 năm của nền bóng đá mới lần đầu chạm tới.
Như Thể thao & Văn hóa đã nhận định, vào được tới vòng đấu loại thứ 3 này, là một thành công vang dội. Trong nguy cũng là có cơ, những trải nghiệm tuyệt với ở các trận đấu lớn, với các đối thủ lớn, chính là cơ hội tuyệt vời để học hỏi và tiến bộ. Những đòi hỏi thái quá là rất vô cớ. Phải biết chấp nhận chiến bại, mới mong có ngày chiến thắng, có ngày thành công.
CCKM