Người quan sát: Chân lý thuộc về người chiến thắng
Các chiến thắng liên tiếp giúp Hà Nội và HAGL trở lại tốp đầu sau chặng xuất phát không như ý muốn. Cùng thời điểm, Hải Phòng tiếp tục ngự trị ngôi đầu sau chiến thắng 3-1 trước Bình Định tại một trận đấu nhiều tai tiếng bên ngoài đường piste.
Thực ra, Thể thao & Văn hoá đã nhận định trước khi Night Wolf V-League 2022 trở lại sau 4 tháng nghỉ "giải lao", rằng Hải Phòng sẽ tiếp tục có kết quả tốt trong ít nhất 3-4 lượt trận nữa. Một chiếc xe công suất nhỏ thường xuất phát nhanh, và khi giải đấu nghỉ quá dài, xem như lại xuất phát từ đầu.
Hải Phòng sẽ không từ bỏ lợi thế khi còn có thể. Người ta tính rằng, trong khoảng 8-10 lượt trận, đội bóng đất Cảng sẽ không bị bật khỏi tốp 3, thậm chí nếu biết tằn tiện lợi thế sân nhà, như trận gặp Bình Định mới đây, họ sẽ vẫn giữ ngôi đầu. Ngoại trừ Hà Nội làm được, gặp Hải Phòng lúc này là một "ca khó".
V-League là một cuộc đua đường trường và lịch sử giải đấu ngoài 20 tuổi này không hiếm lần chứng kiến các đội bóng vô địch cả lượt đi vẫn không thể cán đích đầu tiên chung cuộc. Đó là các trường hợp của Đà Nẵng (2005), Thanh Hoá và cả Hải Phòng dưới thời HLV Vương Tiến Dũng...
Nhưng, Hà Nội, Viettel và HAGL lại là những câu chuyện rất khác. Đã qua lâu rồi cái thời tất cả đều được mua bằng tiền hay nhiều tiền. Cùng với SLNA, đây là 3 CLB có chiều sâu lực lượng, nhờ vào chân rết đào tạo trẻ chất lượng từ hơn chục năm qua. Họ được ví như các cỗ máy công suất lớn, sau khi B.Bình Dương đã đánh mất vị thế. Và cỗ máy công suất lớn chính là chạy đường dài vậy.
Hãy điểm lại các chiến thắng ấn tượng của HAGL và Hà Nội trên cả sân nhà và sân đối phương. Họ đã rất biết cách "gõ cửa nhà có của" như TP.HCM và Sài Gòn, để tận thu. Các đại diện của bóng đá Sài Gòn quá yếu so với phần còn lại, ngay cả với Nam Định cũng không bết bát như vậy.
Sẽ có ý cho rằng, không thể loại Bình Định khỏi cuộc đua. Chính xác là như vậy, nhưng nếu cố gắng, thì đội bóng đất Võ với cả dải ngân hà được mua về bằng rất nhiều tiền ấy, chỉ có thể được như Xuân Thành Sài Gòn hay V.Ninh Bình giai đoạn 2012-2013 mà thôi. Hơi tiếc, khi 2 cái tên vừa nhắc lại hơi đoản mệnh.
Người chiến thắng lấy đi tất cả, kẻ chiến bại đứng cạnh lẻ loi, đấy là tình cảnh của V-League lúc này. Bất kể sự giàu/nghèo đã không còn rõ rệt như 10 năm đổ về trước, thì đây là giai đoạn phản ánh trung thực nhất bản chất của nền bóng đá, với các CLB biết đầu tư đào tạo trẻ đang chiếm thế thượng phong. Và trong khoảng 5-7 năm nữa, họ sẽ không từ bỏ lợi thế này.
Trong một clip ngắn mà các phóng viên ghi lại, HLV Park Hang Seo đã chia sẻ rằng, thành công của bóng đá Việt Nam trong hơn 4 năm qua, chính là nhờ vào nguồn lực đào tạo trẻ mà thành. Lứa của Công Phượng, Quang Hải... kể từ năm 2018, với mô hình "2-3 trong 1" ấy tạo nên sự ổn định về mặt nhân sự lẫn lối chơi, giúp các ĐTQG gặt hái thành tích.
Ngay bây giờ, họ mới bắt đầu độ chín sự nghiệp, nên nếu khéo lèo lái, ĐTQG còn có thể chơi tốt thêm 3-4 năm nữa. Lứa kế cận U23 cũng không tệ, khi tại VCK U23 châu Á 2022, thầy trò ông Gong Oh Kyun đã chơi rất ấn tượng và lọt vào tới tứ kết. Tương lai chính là thuộc về người trẻ, do người trẻ định đoạt.
Vẫn còn quá sớm để điểm mặt đặt tên nhà vô địch, khi giải đấu mới qua 1/4 chặng đường, song những nhà làm bóng đá hoàn toàn có thể quy hoạch vài cái tên. Sẽ vẫn là HAGL, Hà Nội và Viettel, cùng với SLNA nữa. Sự trở lại của đội bóng xứ Nghệ là điều được dự báo từ trước, bởi ai đã ví, nhân tài bóng đá mảnh đất này dồi dào như dòng Lam xanh đấy sao?!
CCKM