Người quan sát: Bắt đầu từ gốc
Đây có lẽ là lần hiếm hoi, giới quan sát thấy lãnh đạo TP.HCM quan tâm sát sao đến bóng đá địa phương như vậy, khi tổ chức một buổi tọa đàm với đại diện CLB TP.HCM và Sài Gòn FC, cũng như những người làm bóng đá của thành phố.
Ai cũng kêu khó, và cái khó nhất bắt đầu từ nơi ăn chốn ở, đến hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu, chất lượng đầu vào, đào tạo... Các đội bóng mong muốn một cơ chế thông thoáng từ Thành ủy và UBND TP.HCM, giải quyết trước nhất về mặt quỹ đất để phát triển bóng đá, ví như xây SVĐ sức chứa lớn, các văn phòng và sân tập..., tựa như an cư mới mong lạc nghiệp, thay vì cứ ăn nhờ ở đậu mãi.
Trong rất nhiều các nguyên nhân khách quan và chủ quan được đưa ra, khiến bóng đá TP.HCM tụt lại trong nhiều năm qua, thì việc “đi tìm lại bản sắc” là vấn đề cấp thiết. Còn bản sắc ở đâu và như thế nào, thì không ai đề cập cả. Chắc chắn nó không phải kiểu Cảng Sài Gòn, Hải Quan hay Công an TP.HCM, Sở Công nghiệp... trước đây, bởi thời thế và cơ chế đã khác nhiều rồi.
Về thực trạng, kể từ khi bóng đá TP.HCM gắn với doanh nghiệp ngoài quốc doanh suốt 2 thập niên kể từ năm 2002, đúng là đã đi xuống rất nhiều. Từ thời Thép Miền Nam, Ngân hàng Đông Á đến Navibank, Xi măng Xuân Thành..., sự lai tạp, cấy ghép và thậm chí nhập khẩu - mua suất chơi một cách vội vàng, cẩu thả trong cơ chế lên chuyên, chính là đã đánh mất bản sắc, tính vùng miền đặc trưng của mảnh đất này.
Người ta làm bóng đá theo cách của họ, rất lạ và không giống ai cả. Rất nhiều nhà đầu tư, tài trợ đến rồi đi, khi chính sách đối đãi được cho là chưa thỏa đáng. TP.HCM hiện có 2 CLB chơi ở V-League, một đội hạng Nhì và không có đại diện ở giải hạng Nhất hay hạng Ba quốc gia. Kể từ sau lần cuối cùng Cảng Sài Gòn vô địch V-League 2001-2002, đến nay, bóng đá địa phương này không có thêm danh hiệu nào cả, kể cả giải trẻ.
Bóng đá chuyên nghiệp èo uột, bởi thiếu định hướng và thiếu lực lượng kế thừa. Tìm đỏ con mắt ở cả 2 đội bóng là TP.HCM và Sài Gòn, không được mấy cầu thủ người TP.HCM. Đấy là vấn đề của đào tạo trẻ, của bóng đá học đường, với cả hệ thống các giải phong trào thiếu sự quan tâm, hỗ trợ, chứ đừng nói là đầu tư. Hạ tầng tập luyện, thi đấu giờ chuyển qua kinh doanh cả rồi.
Gốc rễ - cội nguồn của bóng đá chuyên nghiệp vẫn là nằm ở bóng đá trẻ và bóng đá phong trào. Nhưng bao năm qua, Sở VH&TT TP.HCM cũng như Liên đoàn Bóng đá TP.HCM - HFF đã có những đòn bẩy nào cho các hạng mục này, ngoài slogan “Bóng đá vì ngày mai”? Gần như không có hỗ trợ nào cho các đơn vị tổ chức hệ thống giải đấu ngoài chuyên nghiệp, các Trung tâm bóng đá cộng đồng…
Nói về đào tạo, đến ngay cả đào tạo trọng tài cũng rơi vào khủng hoảng thiếu, khi mấy năm qua, TP.HCM không có bất cứ một trọng tài V-League nào. Chua chát thay!
Trong nhiều năm và vắt qua nhiều phiên hiệu đội bóng khác nhau, người ta đã cố gắng cấy vào BHL các cựu danh thủ của bóng đá Sài Gòn trước đây, song phần lớn người làm chuyên môn lại không có được thực quyền, hoặc không được cung cấp những nguyên liệu tốt nhất để có thể “gột nên hồ”. Về điều này, Thể thao & Văn hóa đã đề cập nhiều trong các bài viết rồi.
Không phải không có giải pháp, song muốn nhanh vẫn phải từ từ, bởi làm bóng đá thì không thể đi tắt đón đầu. Trước là xử lý khủng hoảng thành tích tại CLB Sài Gòn và TP.HCM, sau vẫn phải tiến hành cải tổ song song hệ thống đào tạo trẻ, thúc đẩy - hỗ trợ phát triển các mô hình giải đấu bóng đá phong trào, bóng đá học đường, cộng đồng, năng tìm kiếm tài năng..., mới mong thành.
CCKM