Người quan sát: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Mặc dù đã bắt đầu gây được tiếng vang kể từ cuối năm 2013, đầu 2014, với lứa U19 đầu tiên của Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG ra ràng, nhưng phải đợi đến 4 năm tiếp theo sau đó, chúng ta mới bắt đầu được hái quả ngọt.
Ngày ấy, việc lấp đầy các sân bóng từ Thống Nhất ngược ra Mỹ Đình, rồi xuôi Cần Thơ, với một đội bóng trẻ là điều xưa nay hiếm. Lý là bởi, bóng đá Việt Nam đã trải qua nhiều năm thất bát kéo dài, kể từ trước và sau chức vô địch AFF Cup 2008.
Lần cuối cùng một đội tuyển dưới 23 tuổi có thể gây bão từ sân bóng ra đường phố, tìm đến mọi ngõ ngách, mọi câu chuyện trong nhà ngoài phố, đấy là Tuyển U23 Việt Nam thế hệ của Văn Quyến giành ngôi á quân SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà.
Thế hệ của Công Phượng và đồng đội, có thể chưa giành được danh hiệu chính thức nào mãi cho đến năm 2018, trước AFF Cup năm ấy, nhưng các trận đấu của họ dù ở cấp CLB lẫn các ĐTQG, đều rất thu hút khán giả, người hâm mộ.
Trong một phút ngẫu hứng, nguyên Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã từng tuyên bố, thế hệ này sẽ đưa bóng đá Việt Nam đến ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới, đấy là VCK FIFA World Cup 2018. Là ông Dũng nói vui vậy thôi, chứ đến tận ngày Hè ở Nga, thì thế hệ của Phượng người lớn nhất mới 23 tuổi.
Để có được một lứa cầu thủ tài năng đồng đều như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Minh Vương..., chúng ta hẳn chưa quên câu chuyện về bầu Đức phá hàng chục hecta cao su đang tuổi thu hoạch, bỏ ra hàng chục triệu USD khác để có được cái bắt tay của CLB Arsenal và JMG toàn cầu, trong việc hợp tác đào tạo, kể từ năm 2007. Tất nhiên, trong chuỗi thành công của bóng đá Việt Nam nói chung, và bóng đá trẻ nói riêng, từ nửa thập niên qua, không chỉ có mỗi HAGL góp công đầu.
Nó là CLB Hà Nội, với những sản phẩm ưu tú, chất lượng như Quang Hải, Văn Hậu, Thành Chung, Duy Mạnh, Đình Trọng, Hùng Dũng...; là Viettel, với Hoàng Đức, Thanh Bình, Nhâm Mạnh Dũng..., là SLNA, lò đào tạo lớn hơn mọi Học viện, là PVF...
Sòng phẳng mà nói, chúng ta phải biết ơn các CLB, các học viện hay lò đào tạo ấy, bởi họ chính là đã tạo nên hình hài và xây cả những giấc mơ cho nền bóng đá, cũng như hệ thống giải quốc gia.
Những người làm bóng đá tính rằng, nếu nền bóng đá xứ sở có thêm 2-3 trung tâm tầm cỡ như các cái tên kể trên, thì giấc mơ World Cup không phải quá xa xôi.
Cần thẳng thắn với nhau thế này, dù Việt Nam đã lọt đến Vòng đấu loại thứ 3 tranh vé trực tiếp đến FIFA World Cup 2022 và có những trận đấu ấn tượng, thì chúng ta vẫn chưa thể tiệm cận VCK World Cup, bởi chúng ta gần như không có cơ hội nào cả.
“Một mình tôi không thể đưa Việt Nam đến World Cup. So sánh từ Hàn Quốc quê hương tôi, thì chúng ta cần một chiến lược đường dài, trong đó sự hỗ trợ - tiếp sức của các Bộ, ngành và của cả Chính phủ là rất quan trọng”, HLV Park Hang Seo từng chia sẻ.
Giấc mơ World Cup được xây dựng từ những viên gạch đầu tiên ở học viện, Trung tâm bóng đá hay lò đào tạo, rồi mới tới hệ thống thi đấu quốc gia. Một số khác có thể chạy tiếp sức, với bóng đá học đường và bóng đá phong trào.
Đừng xem thường 2 môi trường vừa nhắc, bởi không hiếm nhân tài và các tuyển thủ QG được phát hiện từ sới phủi, từ trường học, mà không nhất thiết phải trải qua các khóa huấn luyện chuyên sâu ở lò đào tạo gà nòi.
Khi các nhiệm vụ của các ĐTQG vừa tạm khép lại, cũng là lúc chúng ta chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của hệ thống giải bóng đá quốc gia, trong đó có các giải chuyên nghiệp Việt Nam và thậm chí cả sân chơi phong trào.
Hôm qua (16/6), giải Ngoại hạng phủi Hà Nội HPL S8 - VPLS3, Cúp Bia Sài Gòn 2022 đã lăn bánh, kế đến là tại TP.HCM, Cần Thơ, Nha Trang, Đắc Lắc...
Một hệ sinh thái bóng đá Việt đang sẵn sàng cuồn cuộn trở lại và đó chính là điềm may, hơn 2 năm gián doạn, thấp thỏm bởi làn sóng dịch Covid-19.
CCKM