Người mẫu 'gầy xác ve' bị các thương hiệu thời trang danh tiếng 'cấm cửa'
(Thethaovanhoa.vn) - Một loạt các thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp từ Christian Dior tới Saint Laurent đã cam kết "cấm cửa" các người mẫu siêu gày xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo và trên sàn catwalk sau khi liên tục xảy ra các vụ bê bối do bệnh biếng ăn và tình trạng ngược đãi trong làng thời trang.
- Đằng sau việc người mẫu bị 'cấm cửa'
- Người mẫu Playboy gây choáng khi diện váy đô - la, catwalk trên sân ga
- Cảnh sát đặt nghi vấn vụ người mẫu Anh bị rao bán làm nô lệ tình dục
Các công ty LVMH và Kering, hiện đang sở hữu hàng chục thương hiệu hàng đầu, đã đưa ra điều lệ nhằm "đảm bảo sự an toàn cho các người mẫu, trong đó còn quy định cấm thuê các cô gái dưới 16 tuổi mặc trang phục người lớn tại các buổi chụp hình hoặc sự kiện.
Hồi tháng 5, Pháp đã ban hành luật yêu cầu các người mẫu phải có giấy chứng nhận sức khỏe của bác sĩ, qua đó cố gắng giải quyết thực trạng hiện nay trong ngành thời trang khi vẫn có nhiều người vẫn cho rằng gày là đẹp và chạy theo những quan niệm không thể đạt được về cái đẹp.
Trước khi diễn ra Tuần lễ Thời trang New York, hai thương hiệu Christian Dior tới Saint Laurent tuyên bố họ sẽ cấm các nhà thiết kế của mình sử dụng "size" 32 (theo hệ thống đo kích cỡ của Pháp) hoặc "size" XXS, zero (theo hệ thống đo của Mỹ) và của Anh là 4. Như vậy, các nhà thiết kế của những thương hiệu này chỉ được phép dựa vào số đo của những người phụ nữ có "size" 34 hoặc hơn. Còn nam giới nhất thiết phải có "size" 44 hoặc hơn.
"Tôn trọng phẩm giá của tất cả phụ nữ luôn là mối quan tâm của cá nhân tôi và tập đoàn Kering" - Francois-Henri Pinault, Chủ tịch công ty Kering, khẳng định. "Chúng tôi hy vọng toàn bộ nền công nghiệp thời trang sẽ làm theo cách này, qua đó tạo sự khác biệt thực sự trong các điều kiện làm việc của người mẫu thời trang".
Ngoài quy định về tuổi tác và "size", điều lệ này còn đề ra các biện pháp về sức khỏe và an toàn khác, như cấm phục vụ rượu cho những người mẫu dưới 18 tuổi và họ buộc phải có người bảo trợ hoặc người chăm sóc ở mọi thời điểm.
Điều lệ này được ban hành một phần do xảy ra vụ scandal trong Tuần lễ Thời trang Paris diễn ra hồi tháng 2. Cụ thể, giám đốc của hai công ty chuyên "săn lùng" người mẫu cho các thương hiệu hàng đầu đã bị "tố" bắt buộc ít nhất 150 phụ nữ phải đợi nhiều giờ tại một cầu thang tối với cố gắng tìm được một "chân" trong màn trình diễn do thương hiệu Balenciaga của công ty Kering tổ chức.
James Scully, giám đốc casting Mỹ, tố cáo các đối thủ của mình là những "kẻ lạm dụng hàng loạt" và cách đối xử của họ với người mẫu là "tàn bạo và độc ác".
Từ lâu, nền công nghiệp thời trang đã bị chỉ trích vì quảng bá hình ảnh những thân hình phụ nữ không có sức sống và lờ đi những rắc rối sức khỏe mà nhiều người mẫu đã gặp phải.
Hồi năm ngoái, cựu siêu mẫu Pháp Victoire Dauxerre đã xuất bản cuốn sách kể hết những áp lực để có được thân hình mặc vừa những bộ trang phục có kích cỡ 32-24. Cô đã phải thực hiện chế độ ăn kiêng, chỉ 3 quả táo/ngày và uống thuốc nhuận tràng.
Một người mẫu Pháp khác, Isabelle Caro đã gây sốc nhiều người khi cô xuất hiện với thân hình khỏa thân, chỉ nặng 32kg với chiều cao 1m65, trong chiến dịch "không biếng ăn" trong Tuần lễ Thời trang Milan hồi năm 2007. Sau đó một tuần, Caro đã qua đời ở tuổi 28. Cô bị chứng biếng ăn tâm thần nghiêm trọng kể từ năm 13 tuổi.
Antoine Arnault, nhà điều hành của LVMH, tuyên bố công ty này sẽ không thuê những người tuổi vị thành niên dưới 16 tuổi, một thực trạng tồn tại đã lâu trong ngành thời trang.
LVMH hiện đang sở hữu các thương hiệu thời trang Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy và nhiều tên tuổi nổi danh khác của Âu như Fendi và Marc Jacobs.
Trong khi đó, Kering đang sở hữu Gucci, Bottega Veneta, Alexander McQueen, Saint Laurent...
Tuấn Vĩ
Theo AFP