Người khuyết tật sống đẹp và hữu ích
(TT&VH) - Nói đến người khuyết tật, nhiều người thường nghĩ đây là đối tượng chính của công tác từ thiện, nhân đạo, cụ thể là phải giúp đỡ họ về mặt đời sống để họ có cái ăn, cái mặc hàng ngày. Nhiều người nghĩ với người khuyết tật, cộng đồng phải cưu mang, gia đình phải vất vả để có đủ một số điều kiện giúp họ sống. Nhiều người có con em bị khuyết tật rất lo lắng và thường tâm sự rằng, nếu không may mình chết đi thì đứa con không lành lặn kia sẽ sống ra sao?
Nhiều người hình dung người khuyết tật là đối tượng ít được học hành, hoặc không thể học hành tốt được, do đó chỉ nên nuôi họ, để họ làm những việc chẳng cần đến chữ nghĩa, không cần phải trang bị cho họ một học vấn cao. Vì xã hội xếp người khuyết tật vào nhóm yếu thế nên không ít người coi họ là đối tượng cần trợ giúp, không nghĩ họ là người lao động.
1. Đứng ngoài “cộng đồng” người khuyết tật, ta thường nghĩ những người này hòa nhập với xã hội hiện đại sao được? Ngày trước, tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng nay thì tôi nghĩ khác. Tôi cho rằng, người khuyết tật là một bộ phận lao động, là thành viên bình đẳng trong xã hội nếu như chúng ta có một nền giáo dục hiện đại và có chính sách thật công bằng với họ. Trừ những người khuyết tật nặng chưa tìm được giải pháp phục hồi chức năng lao động, mọi người khuyết tật đều có thể hòa nhập xã hội, trở thành người hữu ích. Dù khiếm khuyết về chức năng, nhưng hầu hết họ đều sống đẹp, biết yêu thương con người, chăm chỉ học hành và lao động, biết tôn trọng luật pháp, biết ứng xử đúng mức.
Một cảnh quay trong chương trình Sống đẹp
Có lần tôi ghé thăm xưởng mộc của một thanh niên khuyết tật, sản phẩm mỹ nghệ do anh làm ra cầu kỳ và đẹp mắt. Nghe tiếng cưa soàn soạt, tiếng đục đôm đốp, tôi không thể nghĩ đây là một lao động có đôi chân khuyết tật. Nghề mộc vốn đòi hỏi sức lao động tốt. Đó là biểu hiện ý chí, là nghị lực sống bền bỉ không ngừng của những con người khiếm khuyết?
Tôi làm cố vấn cho một nhóm chuyên gia làm nhiệm vụ chuyển đổi sách giáo khoa phổ thông sang sách chữ nổi (chữ Braille) dùng cho người khiếm thị. Nhiều người khiếm thị trước đây không theo học được đến bậc trung học. Nay có sách chữ nổi, họ ghi chép bài giảng, các thông tin và đọc bằng ngón tay. Người khiếm thị đọc sách chữ nổi nhanh như ta đọc sách thường. Tất nhiên, người khiếm thị vẫn có điều thua thiệt, đó là họ không biết thế giới màu sắc tươi đẹp của thế giới kỳ diệu bên ngoài.
Một lần, tôi hỏi một sinh viên khiếm thị: “Cháu nhận thức màu sắc như thế nào?”. Cháu nói, ở thế giới tâm hồn riêng của cháu, các màu như nhau. Nhưng cháu hiểu rằng, thế giới bên ngoài kia có cầu vồng 7 sắc, mà màu da cam chính là do màu đỏ và vàng làm nên, màu xanh lá cây là kết quả pha hai màu xanh nước biển với màu vàng. Còn màu xám, màu nhạt hay màu xám đậm là do ta pha vào màu đen một lượng nhất định màu trắng... Nếu vẽ phong cảnh, cháu vẽ đúng được màu của thế giới.
2. Người khuyết tật cần nhiều đến sự giúp đỡ, nhưng đa số biết phải tự khẳng định, tự xác định chỗ đứng của mình trong xã hội. Đại đa số trong họ là những người làm ăn lương thiện, hiền lành, hầu như họ đứng ngoài những vụ việc tiêu cực trong xã hội. Đó là điều đáng quí trong khi ở xóm ngõ, khu phố, nhà ga, bến xe, rạp hát... luôn có những hiện tượng như mất trật tự, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút... diễn ra, nhưng đối tượng không phải là người khuyết tật.
Cộng đồng người khuyết tật có đời sống đẹp, lương thiện, tử tế. Tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc với người khuyết tật, nhất là những em nhỏ bị tật nguyền. Nhìn hàng trăm học sinh câm - điếc xếp hàng chào cờ, hát quốc ca bằng tay tôi vô cùng cảm động. Các em trang nghiêm hướng về quốc kỳ, dùng tay biểu lộ và diễn đạt nội dung bài Tiến quân ca. Tôi hiểu rằng, trong sâu thẳm tâm hồn của các em có một biểu tượng sáng chói về Tổ quốc. Nghe các em mù hòa tấu đàn hoặc đồng ca, tôi thông cảm với các em về những gì các em mong muốn, về một cuốc đời đáng lẽ ra phải tràn đầy hạnh phúc với từng em. Tôi trân trọng những bức tranh thêu những con giống làm bằng giấy cuộn, những bộ quần áo do trẻ khuyết tật làm ra, tôi hi vọng cuộc sống lao động sẽ giúp các em trở nên những tài năng của đất nước.
Bạn đọc có thể xem series phim về chủ đề Người khuyết tật trong chương trình truyền hình Sống đẹp, phát chính vào lúc 20g hàng ngày trên kênh VTV1, phát lại trên kênh VTV3 vào 17g53.
Trên thế giới và trong nước đã tổ chức nhiều đại hội thể thao cho người khuyết tật (Paragames), nhiều tài năng thể thao người khuyết tật xuất hiện mang về cho Tổ quốc những tâm huy chương vàng. Lá cờ đỏ sao vàng nhiều lần được kéo lên trong tiếng kèn cử bài quốc ca Việt Nam. Tự hào biết bao trong những giờ phút đó.
Một nền giáo dục nhân đạo và hiện đại sẽ giúp cho người khuyết tật phát triển những năng lực sẵn có trong họ, giúp họ có hòa nhập vào cộng đồng, phát huy được những phẩm chất nhân cách tốt đẹp từ đó họ trở thành lao động tốt, những công dân tốt, những tài năng sáng tạo.
Người khuyết tật không phải là người tàn phế.
GS-TS Phạm Tất Dong