Người hùng tị nạn của đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang Tham Luang
(Thethaovanhoa.vn) - Một thành viên đội bóng thiếu niên mắc kẹt trong hang Tham Luang, vốn là người tị nạn sống một mình tại Thái Lan, đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc giải cứu các bạn và huấn luyện viên khi là người duy nhất trao đổi được với các thợ lặn người Anh.
- Hang Tham Luang trở thành bảo tàng về hoạt động giải cứu đội bóng
- KẾT THÚC cuộc giải cứu đội bóng Thái Lan: Các đặc nhiệm hải quân cuối cùng đã trở ra
- TOÀN CẢNH vụ giải cứu đội bóng Thái Lan Wild Boars qua các con số
Theo tờ Daily Mail, đó là em Adul Sam-on (14 tuổi) - người có vốn tiếng Anh khá tốt và đã giúp các bạn cùng huấn luyện viên đội bóng hiểu được chỉ dẫn của các thợ lặn người Anh. Adul cũng là thành viên duy nhất trong đội bóng có thể giao tiếp được với thợ lặn người Anh.
Khả năng ngoại ngữ của Adul đã gây ấn tượng đặc biệt. Trong đoạn video quay từ trong hang Tham Luang, có thể thấy Adul hỏi các thợ lặn người Anh về thời gian và nói rằng cả đội bóng đều rất đói.
Trong đoạn video được đăng trên truyền thông vài tiếng sau khi các thợ lặn phát hiện ra đội bóng tại địa điểm cách cửa hang Tham Luang 4km, Adul đã chắp tay chào theo kiểu “wai” truyền thống của Thái Lan và nói: “Cháu là Adul, hiện sức khỏe của cháu khá tốt”.
Cuộc giải cứu đã hoàn tất trong ngày 10/7 với 12 thành viên đội bóng và huấn luyện viên được đưa an toàn ra khỏi hang Tham Luang ngập nước ở tỉnh Chiang Rai (Thái Lan). 12 cầu thủ nhí trong độ tuổi từ 11 đến 16 cùng huấn luyện viên 25 tuổi đã mất tích từ ngày 23/6 khi đi thám hiểm hang Tham Luang gần biên giới phía bắc giữa Thái Lan và Myanmar.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn thông tin từ giáo viên tại ngôi trường Ban Pa Moead nơi Adul đang theo học cho biết: Adul sinh ra tại khu vực tự trị Wa ở Myanmar. Ngoài tiếng Anh, Adul còn có thể nói tiếng Thái Lan, Trung Quốc và Myanmar.
Adul rời Myanmar và đến học tại trường Ban Pa Moead ở Thái Lan từ năm 7 tuổi vì muốn được học tập ở môi trường tốt hơn. Một nhà thờ Công giáo tại địa phương đã nhận nuôi dưỡng Adul. Đôi khi cha mẹ của Adul cũng đến Thái Lan để thăm con.
Myanmar và nhiều quốc gia khác đều không công nhận khu tự trị Wa. Cuộc xung đột giữa lực lượng nổi dậy người dân tộc tại khu tự trị Wa và quân đội Myanmar đã khiến hàng nghìn người dân địa phương đi tị nạn.
Như vậy, Adul là một trong 400.000 người không quốc tịch đang sinh sống tại Thái Lan. Người phát ngôn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), bà Hannah Macdonald thừa nhận rằng những người không quốc tịch tại Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều rảo cản lớn.
Không có giấy khai sinh, hộ chiếu hay chứng minh như, những người tị nạn như Adul không thể kết hôn hợp pháp, kiếm việc làm, mua đất, bỏ phiếu bầu hoặc lập tài khoản ngân hàng… ở Thái Lan.
Tuy nhiên, những khó khăn trước mặt không gây cản trở cho Adul. Adul ngoài niềm đam mê bóng đá còn thích chơi đàn dương cầm và guitar. Em cũng có thành tích học tập tốt, giành được nhiều giải thưởng và huy chương.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức