'Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời': 'Tương tư về Hà Nội' để viết về Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời (NXB Hội Nhà Văn - Chibooks vừa phát hành) của TS khảo cổ học Vũ Thế Long gây xúc động qua những câu chuyện đời thường về chuyện ăn uống được viết từ trải nghiệm của chính tác giả.
Đó còn là dòng hồi tưởng “tương tư về Hà Nội” của một thời đã qua. Từ chuyện ăn uống sang chuyện ứng xử, tác giả dẫn dắt người đọc khám phá “chiều sâu” của ẩm thực Hà Nội bằng lăng kính rất “đời” của một người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong thế kỷ 20 đầy biến động.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời, cuối tuần qua tại Hà Nội, tác giả Vũ Thế Long có cuộc giao lưu, trò chuyện cùng bạn đọc, với sự dẫn dắt của nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam.
Người “khảo cổ ký ức” qua mùi và vị
Khoảng đầu thế kỷ 20, dòng chảy viết về ẩm thực nói chung và ẩm thực Hà Nội nói riêng được khơi nguồn bởi những cây bút tài hoa như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Băng Sơn, v.v... Bước sang thế kỷ 21, dòng chảy viết về “miếng ăn” vẫn được tiếp nối mạnh mẽ, chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tác giả như Đỗ Phấn, Nguyễn Ngọc Tiến, Trần Chiến, v.v... Và một số tác giả trẻ cũng viết nhiều về mảng đề tài này phải kể đến Uông Triều, Nguyễn Trương Quý, Di Li, v.v...
Trong dòng chảy sự viết về chuyện ăn uống, cuốn sách Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời của tác giả Vũ Thế Long là một dấu ấn riêng biệt. Riêng biệt ở chỗ, thay vì đề cập đến sự đặc sắc, mới mẻ cuốn sách hướng đến sự bình thường, phổ biến. Không có những câu chuyện cầu kỳ, sang trọng kiểu “nem công chả phượng”, tác giả đề cập đến những câu chuyện hết sức đời thường của nước vối, chè Tàu, rượu nếp, trà đá, bia hơi, v.v... Thế nhưng theo nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, “chính sự bình thường ấy đã phản ánh sự kết tinh của văn hóa ứng xử, văn hóa trong đời sống của người Hà Nội”.
Cũng theo ông Nam, Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời không phải là cuốn sách dạy nấu ăn. Đây là cuốn sách kể những câu chuyện xung quanh chuyện ăn uống. “Nó cho thấy một lịch sử đời tư của chính tác giả. Trong những trang sách, ta nhận thấy thấp thoáng hình bóng của bố, của mẹ, của ông bà nội ngoại và những người họ hàng gần xa. Ngoài lịch sử đời tư, cuốn sách còn có lịch sử của Hà Nội trong 100 năm qua, và ngoài lịch sử của Hà Nội còn là lịch sử của đất nước, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, qua thời bao cấp khốn khó và đến thời mở cửa”.
Bởi thế, khi lật giở từng trang Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời sẽ thấy tràn ngập mùi của kỷ niệm và vị của thời gian. Đó là những trang sách được viết hết sức dung dị, để kể những câu chuyện rất đỗi đời thường nhưng thấm đẫm hồi ức thương nhớ. Tác giả Vũ Thế Long vốn là một nhà khảo cổ sinh vật học nên nói như nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, cuốn sách cũng giống như “một dạng khảo cổ”. Vì “qua cuốn sách này, ông còn cho thấy mình ở một phương diện là người khảo cổ ký ức qua mùi và vị của những đồ ăn thức uống hết sức bình thường, mang chức năng cơ bản là nuôi sống con người nhưng còn nuôi sống cả tâm hồn”.
Còn đối với tác giả Vũ Thế Long, viết như một kỷ niệm. “Tôi là người Hà Nội. Nhiều đêm, tôi tương tư về Hà Nội ngay trên chính giường nằm của mình. Có những đêm không ngủ. Chợt tỉnh. Tôi thường nghĩ đến những câu chuyện ngày xưa sống với bạn bè, bao nhiêu người bạn đã ra đi mãi mãi, không quay trở lại. Có nhiều bài tôi viết để gửi cho bạn. Tôi muốn chia sẻ những tình cảm, nghĩ về Hà Nội, nghĩ về cuộc sống, nghĩ về cuộc đời bằng tất cả cái tâm, cái tình. Nhắc lại những câu chuyện cũ, tôi như muốn thay mặt bạn mình để ghi lại những giai đoạn đã từng trải, từng sống, từng là kỉ niệm. Cho nên cuốn sách không có kịch bản, nhưng đều là những câu chuyện thật” - tác giả Vũ Thế Long bộc bạch.
Mượn chuyện ăn uống nói chuyện đời
Tác giả Vũ Thế Long cho hay, ban đầu cuốn sách được đặt tựa là Chuyện ăn, chuyện uống, chuyện đời, thể hiện chủ đích của ông là muốn nói chuyện đời nhiều hơn. Thật vậy! Qua hơn 300 trang sáchkhông đề cập một cách chủ yếu về món ăn mà nói nhiều về văn hóa. Đó là văn hóa của việc ăn uống, tức là qua chuyện ăn uống, qua các món ăn hết sức bình thường để thấy được cách người Hà Nội sống như thế nào. Đặc biệt hơn, viết về những điều quen thuộc nhưng tác giả luôn kèm theo rất nhiều câu chuyện có thể chung, có thể riêng, có thể chỉ tác giả biết hoặc nhiều người khác biết, đều để lại những xúc cảm khôn tả.
Ví như chuyện bia hơi của người Hà Nội đã có nhiều tác giả từng viết song Vũ Thế Long có riêng cho tác phẩm của mình những chi tiết giàu xúc động. Đó là chi tiết có lần cụ Vượng (tức giáo sư sử học Trần Quốc Vượng) khi hay tin người bạn của mình ra đi vì tai nạn giao thông, “như một người nhập đồng” cụ đập tan vại bia vào gốc xà cừ, sau đó khóc nấc. Khi ấy, có một cuộc tụ tập ôn lại kỷ niệm về người đã mất, của những người bạn bè vẫn thường ngồi hàn huyên với nhau tại quán bia hơi trên đường Tăng Bạt Hổ. Những chi tiết kiểu này đã trở thành điểm nhấn “đắt giá” của cuốn sách. Từ đó tạo ra những hiệu ứng rung động nhất định đối với bất cứ ai muốn đọc và muốn tìm hiểu về Hà Nội qua một phương diện hẹp là chuyện ăn uống.
Dung dị và chân thật có lẽ sẽ là những cảm xúc trước tiên khi đọc Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời. Bởi tác giả Vũ Thế Long quan niệm: “Tôi không phải nhà văn. Tôi không dùng xảo thuật trong văn chương. Tôi cũng không có ý định xây dựng những nhân vật điển hình trong tác phẩm của mình. Tôi nói với cái tâm của tôi, tôi nhớ đến gia đình tôi, thầy tôi, tôi nhớ đến bạn tôi”.
- Ra mắt tủ sách về Hà Nội: Từ Hà Nội trong mắt Đỗ Phấn…
- Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và tủ sách về Hà Nội
- Nhà nghiên cứu Giang Quân với 30 đầu sách về Hà Nội
Ông cho biết thêm: “Lúc viết có những khi tôi đã khóc. Có rất nhiều đoạn tôi vừa viết vừa khóc. Khóc thật. Đau lắm. Tự nhiên mất bạn. Cái ăn, cái uống nó chỉ là phản xạ để nhớ lại những câu chuyện đã trải qua và ngẫm ngợi. Tôi luôn nghĩ nếu chúng ta cùng biết chia sẻ nỗi đau của người khác, hay niềm vui của người khác thì cuộc đời có ý nghĩa hơn. Tôi muốn gửi đến độc giả những tâm tư của mình về cuộc sống của chính mình, của thời đại mình và cách nhìn của tôi với những sự việc đã trải qua”.
Nhiều người sẽ nghĩ Vũ Thế Long có lợi khi viết về Hà Nội. Bởi ông là người Hà Nội, gia đình ông là gia đình Hà Nội. Ấy vậy mà ông “thú nhận” chỉ liều viết về chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội. Song chính sự viết “liều” ấy lại mang đến một Người Hà Nội: chuyện ăn, chuyện uống một thời, gợi cảm đến lạ thường. Sự gợi cảm về một tình yêu Hà Nội chân phương, dung dị và đời thường.
Vài nét về tác giả Vũ Thế Long Tác giả Vũ Thế Long sinh năm 1947 tại Hà Nội. Ông là tiến sĩ, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lich sử văn hóa; nguyên Trưởng ban nghiên cứu con người và môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hiện ông là Thư ký CLB Văn hóa Nghệ thuật Ăn uống (thuộc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam. Ông nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm về Khảo cổ - Sinh học, lịch sử Môi trường, lịch sử Văn hóa, Xã hội học… Có một số công trình khoa học trong các lĩnh vực trên đã được trình bày và xuất bản ở trong và ngoài nước. |
Công Bắc