Người dịch 'Số đỏ' sang tiếng Anh: Vũ Trọng Phụng có tầm quốc tế
(Thethaovanhoa.vn) - GS người Mỹ Peter Zinoman so sánh tác gia Việt Nam với George Orwell, một tác gia tầm cỡ thế giới. “Theo tôi, Vũ Trọng Phụng không thua kém Orwell, họ có nhiều điểm tương đồng về viễn kiến thời cuộc và nghệ thuật viết” - ông nói với TT&VH.
Peter Zinoman, một học giả nước ngoài làm rể Việt Nam, về quê vợ giữa tháng 12 này để tham gia hội thảo về Việt Nam học ở Thái Nguyên, với tư cách đồng sáng lập và đồng tổng biên tập của tạp chí Việt Nam học bằng tiếng Anh tại Mỹ.
Sau đó, ông trở lại Hà Nội gặp gỡ báo chí để giới thiệu cuốn sách mới Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision of Vũ Trọng Phụng (tạm dịch: Cộng hòa thuộc địa của người Việt: Viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng).
Sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Số đỏ - “nhà văn thú vị nhất Việt Nam” theo nhận định của Zinoman. Hôm 21/12, ông trò chuyện với TT&VH về niềm yêu thích đối với tác gia lớn của Việt Nam.
GS Peter Zinoman và bản dịch tiếng Anh tác phẩm 'Số đỏ'
Vũ Trọng Phụng không hề thua kém
“Vũ Trọng Phụng không thua George Orwell” - Zinoman đưa ra nhận định ngay khi được hỏi tại sao lại chọn nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng. George Orwell (1903-1950, người Anh) là một tác gia vĩ đại của văn chương thế giới, tác phẩm của ông đã được phổ biến rộng nhờ thứ ngôn ngữ thông dụng nhất thế giới.
Trong khi đó, thiệt thòi của Vũ Trọng Phụng là “ông viết bằng tiếng Việt, thứ tiếng mà bên ngoài biên giới Việt Nam không nhiều người thông thạo” - Zinoman nói.
GS người Mỹ cho rằng, có nhiều căn cứ vững chắc để ông so sánh 2 tác gia này với nhau. Thứ nhất, George Orwell và Vũ Trọng Phụng đều bộc lộ quan điểm chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít qua văn chương.
“Nhưng điều đáng nể ở Vũ Trọng Phụng là” - Zinoman nói - “Orwell có được những quan điểm đó do ông sống ở nước Anh hùng mạnh và có thể đi đến tất cả các nước ông muốn để tìm hiểu thực tế, trong khi Vũ Trọng Phụng sống ở Việt Nam - một nước nhỏ, nghèo, chỉ có thể tiếp xúc thông tin qua “cánh cửa hẹp” là báo chí và văn chương Pháp, mà vẫn có được viễn kiến chính trị đúng đắn. Còn về phương diện nghệ thuật, Orwell và Vũ Trọng Phụng cũng là 2 nhà văn hiếm hoi thành công ở cả 2 thể loại: phóng sự và tiểu thuyết. Đó là điều hiếm ở cả Việt Nam và thế giới. Văn của cả hai cũng giống nhau ở chất hài hước, trào phúng”.
“Giới phê bình hiểu hơi hẹp về Vũ Trọng Phụng”
Zinoman nói: “Có thể không hoàn toàn đúng, nhưng tôi có cảm giác Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn được phê bình nhiều nhất Việt Nam, qua số lượng các bài viết mà tôi đọc”. Ông cho rằng, thật dễ hiểu khi một tác giả hấp dẫn và gây tranh cãi như vậy khiến giới phê bình tốn nhiều giấy mực.
“Tôi nghĩ, lâu nay giới phê bình Việt Nam thường chỉ bàn đến Vũ Trọng Phụng ở khía cạnh tả chân và đả kích xã hội, mà không nhìn ra viễn kiến chính trị, nghệ thuật ở ông. Nhà văn rất quan tâm đến khoa học và khoa học xã hội, ông tìm hiểu về Freud từ rất sớm” - Zinoman nêu ý kiến.
“Chúng ta đều đồng ý rằng, nhiều vấn đề mà Vũ Trọng Phụng chỉ ra trong tác phẩm của ông, như Số đỏ, Giông tố, Làm đĩ, Cạm bẫy người… đến nay vẫn còn tính thời sự. Nếu chỉ phân tích Vũ Trọng Phụng ở khía cạnh phản ánh xã hội thì mới chỉ là cách hiểu hẹp về ông”.
Theo GS, việc văn chương Vũ Trọng Phụng chưa được dịch nhiều sang tiếng Anh để giới thiệu với độc giả quốc tế là một điều thiệt thòi cho nhà văn và nền văn chương Việt Nam.
Peter Zinoman sinh năm 1965, là GS về lịch sử và Đông Nam Á tại Đại học California, Berkeley (Mỹ). Ông là dịch giả cuốn Số đỏ với bản dịch tiếng Anh Dumb Luck: A Novel by Vũ Trọng Phụng. Dịch phẩm góp phần giới thiệu văn Vũ Trọng Phụng với giới nghiên cứu Mỹ.
Thể thao & Văn hóa