Người dân vào cuộc khắc phục hậu quả sau bão
"Tan hoang, kinh hoàng" là những cụm từ người dân Quảng Ninh nói về sự tàn phá của cơn bão số 3 – Yagi khi đổ bộ vào đất liền của tỉnh.
Bão số 3 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Từ sáng sớm 8/9, tất cả người dân thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đổ ra đường, ra ngõ bắt tay vào khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 để lại.
Ở phố Cao Thắng, người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà ai ai cũng bắt tay vào dọn dẹp đường phố, khơi thông cống rãnh. Người chặt cây, người vác cành, người quét dọn để nhanh chóng thu gom cây đổ, tôn bay, sắt thép bên đường để ngõ, phố thông thoáng, xe cộ đi lại thuận lợi.
Chị Trần Thị Vân, tổ 29, khu 3 phường Cao Thắng chia sẻ, chứng kiến cơn bão quét qua Hạ Long quá khủng khiếp, cây đổ hàng loạt, mái tôn bay khắp nơi quá nguy hiểm. Chị chưa bao giờ gặp được cơn bão lớn đến mức này. Gia đình chị hoảng sợ phải chạy xuống dưới tầng hầm của một tòa kiên cố gần nhà để trốn trú bão. Lúc đầu gió to, sau mưa lớn gây ngập, gia đình lo sợ thức trắng đêm.
Anh Nguyễn Văn Quyền, tổ 29, khu 3, phường Cao Thắng cho hay, gia đình tuy không thiệt hại gì trong bão nhưng từ sớm anh đã chủ động cùng bà con khu phố góp sức dọn dẹp đường phố. Anh Quyền cho rằng, công việc dọn dẹp khắc phục hậu quả bão số 3 phải mất vài tuần đời sống người dân mới trở lại trạng thái ban đầu.
Trước khi bão đổ bộ, với tinh thần "4 tại chỗ", Bí thư, trưởng các khu phố của thành phố Hạ Long đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động cắt tỉa cành cây, chuẩn bị trang thiết bị như cuốc, xẻng, dao, cưa máy và vật dụng khác để sẵn sàng xử lý các tình huống do bão gây ra. Ngay sau bão tan, người dân khu phố đã sớm tập trung cùng nhau dọn dẹp ngõ phố, đến 9 giờ 30 ngày 8/9, nhiều đường phố, ngõ xóm của Hạ Long đã thông thoáng, phương tiện đi lại bình thường.
Cùng với nhân dân, sáng 8/9, các lực lượng, đơn vị, chính quyền địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra. Chính quyền các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn trọng điểm cùng nhân dân tập trung khắc phục hậu quả.
Địa bàn được đánh giá bị thiệt hại nặng nề nhất, gồm: thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và các huyện Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô. Trong đó, nhiều địa điểm bị sạt lở đất, cây xanh, cột điện đổ chặn các tuyến đường giao thông; khu vực dân cư ở vùng trũng bị ngập úng do mưu sau bão; các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có thiệt hại do tác động của mưa bão.
Chị Lương Thị Hường, công nhân Công ty cổ phần môi trường Tấn Đạt cho biết: Công ty bố trí 100% nhân lực, phương tiện trực 24/24h, thực hiện thu gom cây cối ở những tuyến đường chính để lưu thông giao thông. Công việc của các công nhân môi trường được triển khai từ 4 giờ sáng 8/9. Toàn bộ công nhân công ty tập trung vào các công việc múc mang cá (khơi thông cống rãnh) để chống úng lụt; thu gom cành cây, tôn, sắt vào lề đường, để thông thoáng đường giúp phương tiện lưu thông dễ dàng.
Quảng Ninh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục tinh thần chủ động hơn nữa; đánh giá đúng, chính xác về thiệt hại và vùng thiệt hại đã và có thể xảy ra. Cùng đó, cần dự báo tốt theo từng địa bàn cụ thể để có kế hoạch bố trí nhân lực, phương tiện phù hợp, hiệu quả. Do ảnh hưởng của bão số 3, toàn tỉnh Quảng Ninh bị mất điện, mạng viễn thông một số nhà mạng không thể kết nối, liên lạc.
Bí thư Đảng ủy xã đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô) Nguyễn Thị Thanh Thái chia sẻ, tính đến 9 giờ 30 phút ngày 8/9, xã Thanh Lân không có thiệt hại về người, tuy nhiên tài sản thì không thể đếm xuể. Hiện toàn xã mất điện, mất mạng điện thoại, mất nước.
Một tin vui, đến khoảng 8 giờ 30 phút ngày 8/9, một số trạm bơm xăng, dầu trên địa bàn Hạ Long đã kịp thời khắc phục ảnh hưởng của bão, hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu của người dân thành phố.
Theo tin của UBND huyện Vân Đồn, sáng 8/9, các lực lượng chức năng của huyện đã tìm kiếm được 6 người mất tích trên biển. Đây là những công nhân trông coi các bè nuôi trồng thuỷ sản. Hiện sức khoẻ của những người này đều ổn định.
Thông tin ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ và phòng thủ dân sự tỉnh cho biết, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã cứu được 46 người bị mắc kẹt trên các tuyến biển, đảo. Công tác tìm kiếm cứu nạn đang được tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì triển khai lực lượng với quy mô lớn.
Tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho hay, Trung ương đã cử tàu, phương tiện đến hỗ trợ tỉnh tìm kiếm người mất tích, song nhiều người vẫn chưa liên hệ được. Để tìm kiếm những người mất tích trong thời gian nhanh nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất Trung ương bố trí máy bay trực thăng đến địa phương đề rà soát vùng biển vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, tìm kiếm nhanh những người mất tích trên vùng biển.
Hiện nay, các địa phương đang tập trung cao độ khắc phục hậu quả của cơn bão, đánh giá thiệt hại của cơn bão và thống kê thiệt hại, xây dựng phương án hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng nề.