Người đàn ông 'phải lòng' búp bê Barbie
(Thethaovanhoa.vn) - Ngôi nhà sơn trắng bên ngoài, với cầu thang màu xám trông khắc khổ của Jian Yang đã che giấu bí mật đặc biệt bên trong: một căn phòng khách màu hồng cùng bộ sưu tập lên tới 6.000 búp bê Barbie.
Jian Yang, một người Singapore 33 tuổi, thích phong cách trang trí sơ sài trong nhà. Nhưng ngôi nhà của anh lại không thiếu các búp bê Barbie và khoảng 3.000 loại búp bê khác, vốn chất đầy trên 3 bức tường của căn phòng chính và còn nằm trong 9 tủ chứa vách kính trong phòng thay đồ, bên cạnh các giá sách.
Gần nửa triệu đô la chi vào búp bê
Yang có một mối quan tâm nghề nghiệp liên quan tới búp bê và đồ chơi nói chung, cũng như xu hướng tiêu dùng của công chúng, bởi anh là giám đốc chiến lược tại Tập đoàn truyền thông Omicom.
Nhưng anh đã thích sưu tập búp bê Barbie từ năm 13 tuổi, khi mua một mẫu búp bê "Great Shape" mặc đồ thể thao màu xanh ngọc và đi đôi tất làm ấm chân có kẻ sọc.
Jian Yang bên cạnh bộ sưu tập búp bê Barbie khổng lồ của anh
"Trước khi tôi hiểu về các tiêu chuẩn xã hội thông thường, tôi vẫn chỉ là một cậu trai từng thấy Barbie trên TV, thích búp bê này nhưng không được phép có nó. Khi tôi lớn thêm và có tiền tiêu vặt, tôi đã có thể tự do mua bất kỳ thứ gì mình thích" - anh kể.
Mối quan tâm thời nhỏ nhanh chóng trở thành một "nỗi ám ảnh điên rồ" được bạn bè ủng hộ và gia đình cũng dần chấp nhận. "Tôi đi sâu vào hoạt động sưu tập, tích trữ" - Yang nói - "Tôi cũng đã có những cô bạn gái cũ, vốn cảm thấy không thoải mái vì những "cô" búp bê này... Họ nhìn vào búp bê của tôi và nói: 'Ok, đây là một cuộc cạnh tranh'. Nghe thật bất bình thường nhưng thực tế là vậy".
Yang thừa nhận đã tiêu ít nhất 500.000 SGD (392.000 USD) trong vòng 20 năm qua vào bộ sưu tập của mình, vốn gồm vô số các búp bê Barbie thuộc các dòng Bratz Girl, Monster High, Jem và Holograms.
Đủ kiểu, đủ loại
"Tôi phải đi lại để làm việc và vì nhu cầu cá nhân, vì thế tôi tìm thấy búp bê ở khắp nơi" - Yang nói. Yang cho biết những búp bê Barbie cổ nhất mà anh sở hữu đã ra đời từ những năm 1960. Chúng gồm một búp bê mặc đồ y tá, đeo kính mắt mèo.
Về cơ bản anh sở hữu gần như đủ loại Barbie, gồm mẫu búp bê này mặc trang phục truyền thống của hàng chục quốc gia, hoặc các phiên bản như Barbie giống Grace Kelly, Barbra Streisand, Carol Burnett và Elizabeth Taylor.
Búp bê Barbie hiếm nhất mà anh sở hữu là một mẫu chỉ được bán duy nhất tại các cửa hàng của thương hiệu thời trang Comme des Garcons. "Bạn tôi tìm thấy búp bê này ở Hong Kong và lập tức điện cho tôi" - anh kể.
Với Mattel, tập đoàn đồ chơi đã tạo ra Barbie, búp bê giờ là một trải nghiệm đắng ngắt với họ. Doanh số bán búp bê và các sản phẩm liên quan của Mattel đã tụt 12% từ tháng 4 tới tháng 6 năm nay và đây là quý thứ 4 liên tiếp hoạt động kinh doanh búp bê bị thua lỗ. Hiện tượng này cho thấy sở thích của công chúng đã có sự dịch chuyển lớn. |
Điều đặc biệt nữa là gam màu của căn phòng khách chứa búp bê không phải là màu hồng bình thường. Đó là màu đặc trưng của búp bê Barbie - màu Pantone 219 C.
Xấu là mốt
Búp bê Barbie lần đầu xuất hiện vào năm 1959 với bộ đồ bơi có sọc như ngựa vằn. Tới nay hơn 1 tỷ búp bê Barbie đã được bán, cho thấy độ "nóng" liên quan tới búp bê này.
Yang đánh giá Barbie là một biểu tượng và vẫn còn có tương lai. Tuy nhiên nó đã không còn là mốt nữa, khi các búp bê công chúa phải nhường chỗ cho các hình ảnh và câu chuyện mang tính ma quỷ, vốn đã trở nên được ưa chuộng nhờ những bộ phim ma cà rồng như Twilight và New Moon.
"Mattel đã nhận ra tình hình" - anh nói - "Họ đã dựa vào cơn sốt xấu xí là mốt và tạo ra dòng sản phẩm búp bê Monster High (mang hơi hướng ma quỷ), bởi họ biết rằng Barbie sẽ không bao giờ trở thành quái vật."
Trong chuyến đi gần đây tới New York, Yang mua 65 búp bê. Anh không có ý định giảm tốc độ sưu tập búp bê của mình. Khi được hỏi bản thân sẽ làm gì nếu hết chỗ chứa, Yang bật cười. "Tôi sẽ mua căn nhà kia" - anh nói và chỉ tay vào căn nhà bên cạnh - "Với lại tôi vẫn còn một bức tường trống mà".
Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa