Người dân Nam Bộ ăn Tết thế nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Người Việt Nam rất quan trọng cái Tết. Mỗi năm có nhiều cái Tết như: Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết Tây, v.v.. Nhưng khi nói ngắn ngọn “Tết” thì ai cũng hiểu là Tết Nguyên đán.
- Du Xuân Tết nguyên đán 2018: Những điểm đến hấp dẫn ở châu Á
- Hà Nội trang trí đường phố đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018
Tết Nguyên đán là Tết lớn nhất và quan trọng nhất của người Việt, nên còn được gọi là Tết Nhất, Tết Cả hay Tết ta. Do đó, mọi miền đất nước đều hồ hỡi đón Tết để được ăn Tết và chơi Tết.
Tuy nhiên, người dân ở mỗi miền ăn Tết không giống nhau.Ăn Tết ở miền Bắc có lẽ dài nhất (suốt 3 tháng): “Tháng giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”…
Trong khi đó, ăn Tết ở miền Trung thì ngắn hơn, bởi điều kiện vật chất không cho phép: “Tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Bốn, tháng khốn, tháng nạn…”.
Vậy mà vào đến Nam Bộ, điều kiện thiên nhiên, vật chất tuy thuận lợi hơn nhiều nhưng người dân lại ăn Tết rất ngắn. Ăn Tết ở Nam bộ gồm những giai đoạn như sau:
Chuẩn bị ăn Tết
Bước này bắt đầu lai rai từ đầu tháng Chạp với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa và tảo mộ. Từ ngày mùng 6, mùng 7 đã có vài dòng họ bắt đầu tảo mộ. Càng về cuối tháng thì “cường độ” tảo mộ càng tăng dần, nhưng chậm nhất là ngày 25 tháng Chạp.
Chiều 23 tháng Chạp, nhà nhà người Việt đều cũng tiễn ông Táo về trời (người Hoa thì trễ hơn: tối 24). Kể từ đây, Tết coi như đã cận kề, mọi người mọi việc đều trở nên gấp rút: “Rấp [gấp] như rấp Tết”.
Bởi vậy mà ngày trước ở Nam Bộ có hai mẫu tranh mộc bản “cò bay ngựa chạy” khác nhau dùng để đốt, cúng tiễn ông Táo về trời: Những năm có 30 Tết thì cò bay ngựa chạycòn thong dong, còn năm nào không có 30 Tết thì cò bay thẳng cánh, ngựa chạythẳng chân quyết liệt cho kịp hành trình đưa ông Táo về trời.
Chính thức ăn Tết
chiều 30 Tết (hoặc 29 Tết, nếu năm nào không có 30 tháng Chạp), người ta cúng lễ rước ông Táo trở lại tư gia, đồng thời làm lễ rước ông bà tổ tiên về cùng con cháu vui vầy ăn Tết. Từ đâycoi như ông bà đang hiện diện tại gia nên gia chủ phải lo cúng cơm nước ngày hai lần (sáng, chiều).
Vì lo tập trung ăn Tết nên mọi việc ngày thường phần lớn tạm ngưng. Quan quyền cũng đã nghỉ việc, ấn triện được gói ghém cẩn thận đem cất. Trong khi đó, nhu cầu an toàn cho cộng đồng trong thời gian ăn Tết vẫn là rất cao, nên ngày trước vào lúc Giao thừa có nghi thức “dựng nêu trấn trạch” để giữ an ninh, an toàn cho từng gia đình và cả làng xóm.
Cây nêu làm bằng thân tre, được dựng trước sân đình chùa và từng hộ gia đình, trên ngọn bố trí bùa “tứ tung ngũ hoành” và các nhạc khí, biểu tượng có chức năng trừ tà, còn bùa trấn trạch là tranh Thần hổ có chức năng bảo hộ người trong nhà và dân làng.
Dân Nam Bộ có truyền thống ăn Tết theo trình tự “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”.
Sáng mùng 1 Tết là thời khắc quan trọng nhất. Con cháu tề tựu để thắp nhang ra mắt ông bà bên nội, sau đó là mầng tuổi (mừng tuổi, tức chúc thọ) ông bà cha mẹ. Sau đó, người ta thường thực hiện nghi thức “xuất hành”, đi chùa lễ Phật hay đi viếng miễu cầu nguyện những điều tốt lành.
Sáng mùng 2 Tết, con cháu bắt đầu đi viếng bên ngoại. Ngoài đường xe cộ cũng nhộn nhịp hơn. Nhiều người cũng kết hợp đi thăm viếng bạn bè, thanh niên đi dạo chơi ngắm cảnh.
Sáng mùng 3 Tết mới thực sự không khí rôm rả. Nào là học trò thăm viếng thầy, các nhóm thợ cúng ra mắt Tiên sư, gia chủ mỗi nhà cúng Tết nhà (dán giấy đỏ hình Phật thủ trước cửa nhà và các cây cột cái), làm lễ ra mắt thần Hành binh - Hành khiến, đồng thời cúng đưa tiễn ông bà. Ngoài ra, những nhà chăn nuôi còn làm lễ ra mắt ông Chuồng -bà Chuồng, nhà có nuôi trâu thì làm lễ cúng Tết trâu (cho trâu uống chút rượu, cỏ ngon và dán hình Phật thủ lên sừng trâu). Những nhà làm vườn thì làm lễ cúng ra mắt Thổ thần và Tết vườn (dán hình Phật thủ lên vài thân cây lớn trong vườn tượng trưng).
Hết Tết
Hết ngày mùng 3 coi như hết Tết, cho nên dân Nam Bộ có câu “Ba ngày sưng (xuân), bốn ngày xẹp”.Các ngày tiếp theo chỉ còn chút dư âm của “3 ngày Tết”. Người ta tranh thủ đi thăm viếng những chỗ chưa đi viếng kịp trong 3 ngày Tết. Thanh niên trai gái bắt đầu tổ chức đi chơi xa. Các vị gia chủ mới bắt đầu thở phào nhẹ nhõm trách nhiệm phải chu toàn trong 3 ngày Tết và bắt đầu hưởng thụ chút xíu: Đàn ông có thể nhậu nhẹt, đánh bài; phụ nữ có thể làm bánh ăn chơi hay chơi “bầu cua cá cọp”, tụ tập chuyện vãn giải khuây.
Cho đến ngày mùng 7 tháng Giêng mới thực sự hết Tết. Người ta làm lễ Hạ nêu, đình chùa cúng Khai sơn, viên quan làm lễ Khai ấn. Mọi việc trở lại cuộc sống thường nhật.
* * *
Như vậy, mặc dù được chuẩn bị khoảng 1 tuần và kéo dài 1 tuần, nhưng cao điểm Tết ở Nam Bộ chỉ có 3 ngày. Trong 3 ngày đó cũng không có lễ hội gì lớn tập trung mà chỉ là các lễ thức phân tán ở từng gia đình và từng cơ sở tín ngưỡng. Do đó, khác với miền Bắc và Trung, Nam Bộ không có truyền thống đi trẩy hội ngày Xuân, dẫn đến không khí ngày Tết kém sôi nổi hơn hẳn. Vả lại, thời tiết 3 ngày Tết ở Nam Bộ không có gì đặc biệt, thường vẫn nắng nóng khá gay gắt nên không thuận lợi cho các lễ hội lớn. Nhưng quan trọng hơn là tâm lý của người đi khai hoang lập nghiệp còn phải lo đương đầu với bao công việc bề bộn trước mắt nên không thể ăn Tết kéo dài.
Lê Công Lý