Người dân Italy kiện báo Charlie Hebdo vì một bức tranh gây sốc
Trận động đất này đã khiến 295 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương và hơn 4 nghìn người ở 4 vùng miền Trung Italy mất nhà cửa. Amatrice đã bị tàn phá hoàn toàn do trận động đất và chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người thiệt mạng với 231 người. Một số làng xung quanh thị trấn này cũng bị san phẳng trong trận động đất lớn chưa từng có trong lịch sử của vùng đất này.
Bức vẽ gây tức giận này mô tả những người dân Italy bị thương, với tên của các loại món ăn truyền thống Italy như là chú thích, và đặc biệt có hình của những người dân nằm dưới đống đổ nát, với dòng chữ "lasagna", một món ăn rất nổi tiếng của nước này. Bức vẽ được in trong số ra ngày 31/8 của tạp chí Charlie Hebdo và gây ra những phản ứng rất dữ dội từ chính giới cũng như dư luận Italy.
Trong cùng trang báo, tờ báo chạy thêm một dòng chữ mà theo người Italy là vô cùng khiêu khích và thậm chí châm biếm cả đạo Hồi: "Không biết là trước khi làm rung chuyển mặt đất, cơn động đất đã hô vang Allah U Akbar chưa". "Allah U Akbar" là câu mà những kẻ khủng bố theo Hồi giáo quá khích thường kêu lên trước khi tiến hành tấn công cảm tử.
Theo Luật sư Mario Cicchetti (Ma-ri-ô Chi-xét-ti), người đại diện cho người dân Amatrice, tòa soạn báo Charlie Hebdo đã thể hiện sự "vô cảm, vô trách nhiệm và thiếu nhân văn về một thảm họa thiên nhiên gây ra đối với con người". Ông cho rằng, thực hiện những bức tranh trào phúng là một quyền không thể xâm phạm ở Italy cũng như ở Pháp, tuy nhiên, "trong trường hợp này, việc vẽ bức tranh biếm họa là xúc phạm đối với các nạn nhân của vụ động đất, với những người còn sống và với thị trấn Amatrice".
Sau khi đưa ra bức tranh gây tranh cãi này, Charlie Hebdo đã đăng một bức tranh châm biếm khác, với hàm ý rằng, họ không có ý định xúc phạm đối với các nạn nhân mà chỉ chỉ ra rằng, chất lượng các công trình bị sụp đổ ở các vùng bị động đất kém là do mafia xây dựng. Lời bao biện này không được dư luận Italy chấp nhận./.
TTXVN