Người dân Hà Nội đua nhau đến bãi tắm tự phát để 'giải nhiệt', bất chấp nguy hiểm
(Thethaovanhoa.vn) - Trong cái nắng gay gắt, nền nhiệt tăng cao, khoảng 40 độ C, nhiều người từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người cao tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đến hồ Hoàng Cầu, hồ Tây, hồ Linh Đàm, sông Hồng, sông Đà… để tắm, mặc cho tai nạn đuối nước thương tâm vẫn thường xảy ra ở những bãi tắm tự phát này.
Đáng chú ý, tại các khu vực này, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, thường xuyên tuyên truyền về phòng chống đuối nước nhưng người dân vẫn đổ xô đi tắm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày này, các tỉnh Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao, phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ trên 39 độ C. Nhu cầu bơi lội, vui chơi dưới nước của người dân tăng cao, dẫn tới việc hình thành các bãi tắm tự phát. Tuy nhiên, khác với bãi tắm, khu bể bơi có người quản lý và hướng dẫn, những bãi tắm tự phát đều không đủ an toàn, thậm chí một số nơi nước sâu, nước xoáy, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Cứ đến dịp hè, các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em lại có xu hướng tăng cao. Theo ghi nhận, hàng ngày tại khu vực hồ Tây, khoảng từ 5 giờ 30 phút đến 6 giờ hay khoảng 17 giờ trở đi, rất đông người lớn và trẻ nhỏ đến đây bất chấp các biển cảnh báo "cấm tắm", hay "nguy hiểm cấm tắm". Trên bờ, nhiều phụ huynh vừa dõi theo con tắm vừa hô to “lùi vào trong, bơi vào trong”.
Bà Cao Lệ Huyền (phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), bán nước trà ngay cạnh hồ Tây, đoạn phố Quảng Bá chia sẻ: Dù biết rõ có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu bơi lội tại những bãi tắm tự phát, nhưng nhiều người vẫn “ngoảnh mặt làm ngơ” trước cảnh cáo từ các biển cấm hay lời nhắc nhở của mọi người. Một số người lấy lý do “tắm hồ này còn sạch hơn bể bơi” hay “nước ở đây nông, không sâu như mọi người nghĩ” để biện minh cho hành động của mình.
Tương tự tại hồ Linh Đàm vào tầm cuối giờ chiều, nhiều người dân khu vực này đổ xuống hồ tắm, ngay vị trí có biển cấm. Tại đây, chủ yếu là người lớn tuổi và trẻ em, hầu hết không dùng phao, một số người còn bơi đến giữa hồ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) cho biết: “Ở đây có biển cấm nhưng thấy người ta vẫn xuống tắm nên tôi cũng xuống. Dù biết bơi nhưng có tuổi rồi, tôi vẫn mang theo phao đề phòng bất trắc”.
Mới đây ngày 19/5/2020, sau khi học xong, hai nữ sinh lớp 10 Trường Trung học Phổ thông Bất Bạt (xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) ra sông Đà tắm. Hai em không may bị trượt chân xuống vùng nước sâu và tử vong ngay sau đó.
Các bãi tắm tự phát tuy giúp người dân giải nhiệt trong những ngày nắng nóng, nhưng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều tai họa khôn lường. Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng: Cần xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước ở sông, hồ... phải có biển báo. Việc dạy kỹ năng và dạy bơi cho trẻ em hết sức cần thiết. Bên cạnh việc học bơi, các em cần được huấn luyện kỹ năng xử lý tình huống.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đề nghị, với những vùng ven sông, suối, ao, hồ... nơi hay có trẻ em tắm, chính quyền địa phương, các đoàn thể phải có những biển báo và phân công người thường xuyên đi tuần để nhắc nhở các em. "Hầu như ai cũng biết khu vực nào trẻ em hay tắm, vấn đề là cơ quan chức năng cần thường xuyên giám sát, nhắc nhở các em. Vai trò của chính quyền vô cùng quan trọng trong quá trình giám sát, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trẻ nhỏ trong dịp hè", ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em mỗi năm. Đây là gánh nặng tổn thương đến sức khỏe an toàn của trẻ em cũng như hạnh phúc của các gia đình.
Để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở các bãi tắm tự phát, nhất là đối với trẻ nhỏ, các cơ quan liên quan đang phối hợp với chính quyền địa phương trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý các khu vực sông hồ; nhắc nhở, ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo đảm an ninh, an toàn trong phòng, chống đuối nước và tăng cường kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra tai nạn đuối nước, sẵn sàng ứng cứu trong tình huống cần thiết.
Hồng Thắm/TTXVN