Người Đà Nẵng hình thành thói quen hạn chế rác thải nhựa
(Thethaovanhoa.vn) - Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đang từng bước nâng cao ý thức về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Từ những thói quen rất nhỏ hàng ngày của mỗi cá nhân, đến các hành động thiết thực của cả cộng đồng đã lan tỏa một lối sống rất đẹp, đó là lối sống “xanh”.
Sống “xanh” từ nhà ra công sở
Sáng nào cũng vậy, trước khi đi làm, chị Nguyễn Phạm Ngọc Thủy, chuyên viên Phòng Văn hóa - Xã hội (Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng) chuẩn bị những hộp đựng thức ăn để đi mua đồ ăn sáng cho cả nhà. Chị Thủy cho biết, từ nhiều năm nay, chị đã tự xây dựng thói quen hạn chế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong các sinh hoạt thường ngày ở gia đình.
Chị Thủy chia sẻ: Với nhịp sống công việc như hiện nay, không thể phủ nhận việc sử dụng túi nilon rất nhanh và tiện lợi, dù biết nhiều tác hại nhưng mọi người vẫn phải sử dụng hàng ngày. Theo tôi, mỗi người nên có ý thức giảm thiểu việc sử dụng túi nilon. Ví dụ, tôi thường để chung nhiều loại đồ trong cùng một túi khi đi chợ, hay hướng dẫn các con về tác hại của rác thải nhựa, dạy con phân loại và vứt rác đúng nơi quy định...
Chị Thủy cảm thấy rất vui khi phong trào chống rác thải nhựa đang lan tỏa mạnh ở Đà Nẵng, nhất là trong chính cơ quan của chị. Từ tháng 4/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định thay thế toàn bộ chai nhựa sử dụng một lần bằng chai thủy tinh tại tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… Từ đây, tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, trụ sở làm việc của hơn 2.000 cán bộ, nhân viên công sở đã chính thức nói “không” với rác thải nhựa.
Không chỉ Ủy ban nhân dân thành phố mà Thành ủy Đà Nẵng và tất cả các sở, ban, ngành trong toàn thành phố cũng đang thực hiện không sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc họp. Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, hưởng ứng phong trào, đơn vị chỉ sử dụng chai thủy tinh để dùng được nhiều lần trong tất cả các cuộc hội họp. Ngoài ra, Thành Đoàn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực cho đoàn viên thanh niên như đổi rác thải nhựa lấy chai đựng nước thủy tinh, thu gom rác làm các sản phẩm tái chế, tổ chức các đợt dọn rác bãi biển... “Quan trọng nhất là làm gương để lan tỏa trong lực lượng đoàn viên thanh niên. Sau đó, các thanh niên này sẽ góp phần lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường ra toàn xã hội.” - Anh Dũng nêu quan điểm.
Để bảo vệ môi trường trở thành thói quen lâu dài
Ưu điểm của túi nilon, đồ nhựa dùng một lần là tiện lợi và nhanh chóng. Vì vậy,việc nói “không” với rác thải nhựa chắc chắn sẽ khiến cho công tác phục vụ tại các công sở gặp khó khăn hơn.
Để các hoạt động hạn chế rác thải nhựa tiếp tục lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, cần thiết có một định hướng chung. Bà Nguyễn Thị Kim Hà – Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai và kêu gọi thực hiện mô hình này.
Bà Hà chia sẻ: “Sau thời gian triển khai, chúng tôi cũng đang suy nghĩ, trăn trở làm sao để khắc phục các khó khăn, để phong trào trở nên hiệu quả trong thời gian dài chứ không chỉ mang tính ngắn hạn. Vì vậy, cần đưa việc hạn chế rác thải nhựa vào hoạt động đánh giá công tác môi trường của từng đơn vị. Song song với đó, tiếp tục kêu gọi, vận động toàn thể cán bộ, nhân viên trong các cơ quan cùng duy trì nhân rộng việc này.”
Những cuộc họp nói "không" với chai nhựa là hành động tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, thay đổi thói quen lâu năm nơi công sở của thành phố Đà Nẵng. Cán bộ nhà nước đi trước, làm gương cho toàn thể nhân dân cùng nhau chung tay hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường chung của thành phố.
Khôi Nguyên