Người chưa tiêm vaccine làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở những người đã tiêm phòng
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y học Canada, những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm phòng.
Các tác giả nghiên cứu cho biết nguy cơ ngày càng gia tăng này đã củng cố thêm ý kiến cho rằng nhà chức trách cần hành động mạnh tay nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng và hạn chế những người chưa tiêm phòng tiếp tiếp cận các địa điểm công cộng.
Nhóm 3 nhà nghiên cứu từ Đại học Y tế cộng đồng Dalla Lana, thuộc Đại học Toronto, đã tạo ra một mô hình bệnh hô hấp do virus, trong đó mọi người được xếp vào các loại có nguy cơ nhiễm, đã nhiễm và có khả năng lây cho người khác, hoặc đã phục hồi sau nhiễm và có miễn dịch.
Các nhóm này cũng được chia thành hai nhóm nhỏ, trong đó 80% là người đã tiêm và 20% là người chưa tiêm phòng. Sau đó, các nhà nghiên cứu lập các kịch bản giả định để đánh giá các con số khác nhau dựa trên những người có xu hướng tương tác với người giống mình. Họ cũng đánh giá các giá trị để nghiên cứu kết quả gây bệnh của các biến thể Delta và Omicron.
Tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia dịch tễ học, Giáo sư David Fisman cho biết tình trạng tiêm phòng và cách các nhóm tương tác với nhau đóng vai trò quan trọng.
Theo ông, khi có sự trộn lẫn giữa những người đã tiêm và chưa tiêm, người chưa tiêm được bảo vệ bởi những người đã tiêm nhưng ngược lại, người đã tiêm đối diện nguy cơ.
Khi các nhóm tách biệt nhau hơn, quy mô dịch cuối cùng giảm ở nhóm đã tiêm phòng, nhưng lại tăng trong nhóm chưa tiêm vì mất đi "vùng đệm" là người đã tiêm.
Phát hiện đáng chú ý là dù nguy cơ đối với nhóm đã tiêm giảm, nhưng nguy cơ mà nhóm chưa tiêm gây ra với nhóm đã tiêm vẫn tăng.
Khi các nhóm được tách biệt đáng kể, mức độ miễn dịch thấp hơn của nhóm chưa tiêm làm gia tăng số ca mà một người nhiễm có thể lây cho người khác.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng đã có quy định về y tế cộng đồng nhằm bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm dù việc này ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân. Ví dụ pháp luật quy định một người không chịu dùng thuốc chữa bệnh lao sẽ bị giữ tại bệnh viện để bảo vệ cộng đồng.
- Tiêm vaccine ngừa Covid-19 sau khi khỏi bệnh có thể giúp tăng phản ứng miễn dịch
- Mũi tiêm vaccine phòng Covid-19 thứ 3 vẫn còn hiệu quả bảo vệ sau 3 tháng
Canada cũng đã sử dụng các công cụ pháp lý và quy định để phòng tránh những cách ứng xử và thói quen gây nguy cơ cho cộng đồng không chỉ đối với các bệnh truyền nhiễm, ví dụ như quy định giới hạn chỉ được hút thuốc lá trong phòng kín.
Giáo sư Vardit Ravitsky thuộc Đại học Montreal và Đại học Y Harvard, cho biết nghiên cứu trên đã củng cố cơ sở của nhiều biện pháp y tế cộng đồng đang áp dụng, như hộ chiếu vaccine áp dụng tùy theo tình hình dịch tễ.
Bích Liên/TTXVN