Người cha từng tự tay đào huyệt chôn 12 đứa con vì chất độc da cam
Đầu bạc tiễn đầu xanh
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Đức Địu ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) giữa cái nắng như thiêu như đốt của chảo lửa miền Trung. Ông pha trà mời khách rồi tiếp đón niềm nở, nhưng dấu vết cuộc đời cay nghiệt in hằn trên khuôn mặt.
Chúng tôi đã đi, đã gặp và chứng kiến nhiều nỗi đau của các gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, nhưng chưa ở đâu, không khí lại đặc quánh, nhuốm một màu tang thương như nhà ông Địu. Vợ chồng ông có tới 15 người con sinh ra đều mang trên mình di chứng của chất độc da cam, trong đó 12 người con đã chết.
Nhấp chén trà đắng, ông hồi tưởng về quá khứ của một thời: “Năm 1972, ở độ tuổi 20 hừng hực sức sống, tôi hăng hái nhập ngũ. Khi ấy, quân đoàn của tôi chiến đấu chủ yếu là ở vùng rừng núi huyện A Lưới và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong một lần hành quân, máy bay Mỹ từ đâu bay tới rồi rải chất độc trắng xóa cả một vùng trời. Mấy ngày sau cây cối trong rừng rụng hết”.
Ba năm sau, ông Địu được về nghỉ phép. Trong gia đình thấy ông đã trưởng thành nhưng chưa có người yêu, bèn bàn nhau mai mối cho ông gặp cô TNXP Phạm Thị Nức, là người cùng thôn. Năm 1975, ông Địu và bà Nức tổ chức đám cưới trong niềm vui khôn xiết của hai bên họ hàng. Nhưng hết hạn nghỉ phép, ông lại quay lại chiến trường. Sau ngày giải phóng, ông được điều về công tác ở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Địu công tác được một thời gian thì nhận được tin vợ có thai. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, đứa con trai khôi ngô, kháu khỉnh chào đời được 3 tháng thì phát bệnh vàng da, đầu sưng phù nề to lên một cách bất thường rồi mất.
Nỗi đau mất đứa con trai được nguôi ngoai phần nào khi đứa con gái thứ hai là Đỗ Thị Bình ra đời và lớn lên khỏe mạnh, đáng yêu. Năm 1983, ông bà lại sinh được một bé trai kháu khỉnh, nhưng nỗi đau lại lặp lại khi đứa con trai thứ 3 bỗng nhiên phát bệnh với những triệu chứng giống hệt đứa con đầu rồi bỏ ông bà khi mới tròn 2 tuổi.
Lần vượt cạn thứ tư, hai cô con gái sinh đôi cũng lần lượt theo nhau về với cát bụi. “Trước nỗi đau tột cùng ấy, vợ tui như hóa điên, hóa dại. Có lúc nghĩ về các con, đau đớn quá, bà ấy lại mất cả ý chí rồi chạy thọc mạng ra đường la hét, khóc than. Lần đó, tôi phải xin phép đơn vị về nhà chăm vợ 2 tháng”, ông Địu rưng rưng nước mắt kể về vợ.
Ông Địu đau đớn kể về sự ra đi của 12 đứa con
Thấy chồng một mực thương vợ, thương con nên khi sức khỏe dần ổn định, bà Nức giấu ông Địu mang thai đứa con thứ năm. Một lần nữa, nỗi đau lại ập đến khi cái thai mới được 6 tháng thì bị hỏng. Ông bà liên tiếp hứng chịu sự mất mát của những đứa con, nhưng không khi nào ông bà nghĩ đến chuyện đó là hậu quả của chất độc màu da cam.
Nỗi đau chồng nỗi đau
Đến năm 1988 gắng gượng mãi, ông bà cũng sinh được một bé gái bụ bẫm đặt tên là Đỗ Thị Hằng. Hằng lớn lên trong niềm vui khôn xiết của đấng sinh thành. Xinh gái, học lực giỏi lại đàn hát rất hay nên Hằng là chỗ dựa tinh thần, niềm tự hào của ông bà. Nhưng tai ương bỗng nhiên ập đến. Kết thúc bậc học tiểu học, Hằng đổ bệnh, lên cơn co giật và bại liệt từ đó. Bao nhiêu tiền bạc, công sức ông bà chắt chiu giành dụm chăm sóc cho con. Vất vả là vậy nhưng chưa một lần ông bà kêu than.
Những năm sau đó, ông bà vẫn gắng gượng để sinh một đứa con lành lặn, nhưng cứ đứa này sinh ra, đứa khác lại bỏ ông bà mà đi. Cho đến năm 1994, một bé gái chào đời mang hình hài dị tật, chân tay co quắp, bại liệt và thiểu năng trí tuệ, ông đặt tên con là Nguyễn Thị Nga. Một năm sau, ông xin cắp phép về đưa Nga đi chữa bệnh. Ông Địu ngã quỵ khi nghe bác sỹ đọc kết luận bệnh án: Nga bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc màu da cam.
Nuốt nước mắt vào trong, ông Địu cho biết: “Từ ngày biết tin bị ảnh hưởng chất độc da cam, tui thấy có lỗi với vợ và các con vô cùng. Nếu biết như vậy, tui đã chẳng để bà ấy sinh nhiều con như vậy”.
Mỗi lần lên cơn đau, Nga lại xà vào lòng ba đòi ôm ấp và xoa đầu
Năm 2003, Hằng, con gái thứ hai bị đổ bệnh nặng, các cơn co giật thường xuyên xảy ra hơn. Trước tình cảnh đó, buộc gia đình ông phải vét hết tài sản để phẫu thuật cho con. Nhưng bệnh tình của Hằng cũng chẳng thể thuyên giảm, có lúc tưởng chừng như kề cận với cái chết. Để giữ lấy sự sống cho con, ông Địu phải bấm miệng chấp nhận gửi Hằng ra làng chất độc da cam Hữu Nghị - Hà Nội nuôi dưỡng, để có chế độ chăm sóc tốt hơn.
Nguyễn Thị Nga, đứa con gái thứ 3, hiện đang được ông bà chăm sóc. Mỗi ngày động trời, em liên tục kêu khóc, có lúc lại cười khanh khách. Thấy khách lạ đến em liên tục đòi bắt tay, thơm má, nhưng cũng chỉ chơi được vài phút em lại lên cơn đau đầu, mặt mày tím tái, mắt nhắm nghiền. Cứ như vậy, khoảng một tiếng đồng hồ em lên cơn đau khoảng 5, 6 lần.
Ông Địu lật giở trang giấy ghi lại ngày mất của các con. Những ai từng một lần nhìn trang giấy ấy đều không thể cầm lòng được trước sự ra đi liên tục của các sinh linh vô tội. Có những tháng có tới 3 ngày giỗ của các con….
12 người con, được ông chôn cất trong những ụ đất nhỏ. Năm 2007, được bạn bè chung sức giúp đỡ, ông xây thành một cái lăng trên đồi cát sau nhà. Những đứa con của ông, đứa thì vừa sinh ra đã chết, đứa thì mới được 2,3 ngày thậm chí có đứa còn chưa kịp sinh ra nên ông không đặt tên mà chỉ đánh số thứ tự từ 1 đến 12.
Mỗi lần đến thắp hương cho các con, ký ức lại ùa về, như ngàn mũi kim châm vào lòng người cha khắc khổ. Ông lại ước, giá như không có chiến tranh, không có chất độc màu da cam….