Ngóng chờ tin mới, chứng khoán thế giới đi xuống 'toàn tập'
Các thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt đi xuống trong phiên ngày 26/2 sau khi tăng mạnh trong tuần trước trong bối cảnh các nhà đầu tư hướng sự chú ý đến một loạt số liệu kinh tế sắp được công bố những ngày tới.
Phố Wall đã phải chật vật để giữ đà tăng vào đầu phiên giao dịch và nhưng sau đó đã kết thúc phiên trong sắc đỏ. Diễn biến này diễn ra sau khi phiên 23/2, có hai trong ba chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 39.069,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,4% xuống 5.069,53 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,1% xuống 15.976,25 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,3% xuống 7.684,30 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris 0,5% xuống 7.929,82 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,2% xuống 4.864,29 điểm.
Đà tăng mạnh trên thị trường chứng khoán thế giới trong tuần trước chủ yếu nhờ kết quả xuất sắc của “gã khổng lồ” công nghệ Nvidia (Mỹ), công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng 0,4% khi đóng cửa phiên 26/2.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sẽ được công bố ngày 29/2.
Nhà kinh tế Hugh Johnson, người đã chỉ ra nhiều quan điểm khác nhau về những gì Fed sẽ làm vào năm 2024, cho biết có rất nhiều điều không chắc chắn về chính sách của Fed.
Số liệu này có thể cho thấy manh mối rõ ràng hơn về thời điểm Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau sự gia tăng của các thước đo lạm phát khác, chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất.
Đồn đoán về thời điểm Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất đã dần chuyển từ mùa Xuân sang mùa Hè rồi nửa cuối năm, khi dữ liệu lạm phát trở nên nóng hơn và các nhà hoạch định chính sách cho biết họ cần thấy nhiều dấu hiệu hơn cho thấy lạm phát đang tiến tới mức mục tiêu 2% một cách bền vững.
Sau dữ liệu về PCE, các nhà đầu tư sẽ chuyển sự chú ý sang số lượng sản xuất của Trung Quốc, công bố ngày 1/3.
Chiến lược gia tiền tệ cấp cao Rodrigo Catril tại Ngân hàng Quốc gia Australia lưu ý nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng ảm đạm và chứng khoán Thượng Hải cũng đi xuống trong phiên ngày 26/2 bất chấp việc Trung Quốc thông báo mong muốn tăng doanh số bán ô tô, thiết bị và các sản phẩm tiêu dùng khác nhằm “kích thích từng phần của nền kinh tế”.
Chuyên gia Harry Murphy Cruise từ công ty phân tích thị trường Moody’s Analytics cho rằng các nhà đầu tư và các nhà giao dịch đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có công bố mức chi tiêu bổ sung và mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng vào tháng 3/2024 nhằm để giúp nền kinh tế lấy đà trong năm nay hay không.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 26/2, chỉ số VN-Index tăng 12,17 điểm (1%) lên 1.224,17 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,78 điểm (0,77%) lên 232,86 điểm.