Ngồi tám với Tizi - Đích Lép: Chúng mình chọn “No kid” vì không muốn yêu nhau 10 năm có đúng 1 đám cưới thì bị trẻ con phá vỡ
Sau hơn 10 năm bên nhau từ thời còn ăn cây kem 2 nghìn đến khi thành "ông bà" chủ của doanh nghiệp, 2 content creator Tizi - Đích Lép chính thức về chung một nhà vào ngày 21/4 tới đây.
Tizi - Đích Lép (tên thật là Nguyễn Việt Trúc và Huỳnh Quang Minh) là một trong những cặp đôi được giới trẻ quan tâm trên MXH. Cả hai đều là những content creator “triệu follow” đi đầu trong việc giáo dục giới tính cho giới trẻ. Cách đây đúng 10 năm, cả hai chính thức yêu nhau khi trong tay “chẳng có gì”. Đích Lép thậm chí còn kể lại là khi đó, buổi hẹn hò đầu tiên hai người chỉ biết vào tiệm gà rán để mua cây kem 2 nghìn, sau đó ra công viên ngồi ăn không dám ngồi lại trong tiệm vì… ngại.
Đến thời điểm hiện tại, cả hai đều là những gương mặt đại diện cho thế hệ những người làm sáng tạo nội dung lành mạnh dành cho giới trẻ, đã mua được nhà và nuôi 3 chú chó Shiba.
Cột mốc mới đang chờ họ chính là “đám cưới trong mơ” sẽ vào ngày 21/4, lời hứa 10 năm sẽ kết hôn của Đích Lép dành cho Tizi đã thành hiện thực.
Tizi và Đích Lép
Đã từng giận nhau đến mức… viết di chúc chia tay, đối tác - bạn bè “hoảng loạn” triệu tập cuộc họp khẩn cấp
Trước khi đám cưới diễn ra, có rất nhiều tin đồn xoay quanh chuyện hai bạn… có hợp đồng hôn nhân. Vì sao nhỉ?
Đích Lép: Mình nghĩ lí do lớn nhất là tại vì nghe nó khó tin. Đặc biệt là khi cả hai đứa tụi mình làm sáng tạo nội dung về tình yêu và giáo dục giới tính trên mạng. Mọi người sẽ cho rằng bây giờ hai đứa có ghét nhau cỡ nào, hai người này cũng phải cố gắng ở bên nhau để kiếm tiền thôi. Chứ giờ mà banh cái là mất kênh.
Tizi: Thật sự có những lúc xảy ra bất đồng nhưng mà hợp đồng với khách hàng thì vẫn chưa giải quyết xong. Đối tác hai đứa hoảng loạn, triệu tập họp hành hỏi thăm tình hình yêu đương ngay lập tức. Nên khi mà tụi mình cố gắng cùng nhau để xử lý hợp đồng cho khách hàng, trả bài cho khách hàng, khoảng thời gian đó lại kết nối hai đứa lại với nhau.
Có một lần, thậm chí cả hai phải “viết di chúc” cho nhau, theo kiểu “anh Minh đi thì để lại quyền lợi gì cho chị Trúc”, ngược lại “chị Trúc đi thì để lại quyền lợi gì cho anh Minh”.
Nói chung là tại thiếu nghị lực nên còn quen tới giờ. Cái công việc này cũng góp phần giúp hai đứa bền lâu. Chứ nếu không thì nhiều khi những lần tan rã đó thành sự thật rồi.
Cả hai bạn đã tự “hoàn thiện” nhau thế nào để đi được đến cuộc hôn nhân này?
Tizi: Ngày xưa thì mình cảm thấy không xứng tầm với anh Minh. Nhưng mà vì quen anh Minh nên anh Minh đã cùng kéo mình đi lên.
Đích Lép: Điều tuyệt vời nhất với mình ở thời điểm hiện tại là đi làm về có một cô gái, và cô gái đó không cho mình một cái lo toan gì hết. Mình là đứa rất hay ghen, mình có những điều rất là vô lý mà mình nghĩ, bất kỳ cô gái nào khi nghe sự vô lý của mình đều không chấp nhận được.
Ví dụ như mình không thích con gái đi đêm sau 21h, mình không thích con gái uống đồ uống có cồn. Mình biết quan điểm này rất gia trưởng và bảo thủ, nên mình lẳng lặng đi tìm một người “có thể làm được như vậy” một cách tự nhiên, không gồng ép, may mắn Trúc là người con gái như vậy.
Tôi nghe có một câu thế này, “giàu vì bạn sang vì vợ”, Đích Lép có nghĩ như vậy không?
Đích Lép: Có ý này rất thú vị là nhiều người giàu rồi mới lấy vợ, cho nên họ sẽ cân nhắc rất là nhiều trong cái chuyện người vợ đó có xứng tầm với mình hay không. Mà đối với tụi mình, hai đứa nghèo đến nỗi ở buổi hẹn hò đầu tiên, hay đứa chạy đi vô quán gà rán mua một cây kem 2 ngàn xong chạy vô công viên để ăn. Không dám ngồi trong quán gà rán ăn vì sợ tốn tiền, bị quê.
Cả hai đứa từng nghèo tới mức độ đó cho nên mình nghĩ là bây giờ có xứng tầm hay không thì hai đứa xứng nhau lắm. Cặp đôi cùng nghèo, bây giờ vẫn nghèo nhưng mà nó đỡ hơn.
"Anh ơi em đã già rồi, em muốn mặc váy cưới vào những năm em đẹp nhất"
Trong đám cưới lần này, Đích Lép nhắc rất nhiều về lời hứa 10 năm. Bạn đã “hiện thực” nó như thế nào?
Tizi: Thật sự mình không nhớ lời hứa đó luôn á! Có chế ra không vậy…
Đích Lép: Mình nhớ hoài luôn cái hôm đó là ở dưới mưa, bản thân còn đi chiếc xe wave. Vợ mình học đại học Y dược, tâm lý thanh niên trai trẻ chưa có sự nghiệp gì sẽ nghĩ là vợ học ở đó kiểu gì cũng gặp mấy anh vừa giàu vừa giỏi, nhiều cơ hội. Nhìn lại bản thân chỉ chạy xe máy rất tủi thân. Nhưng mình kiểu không muốn mất cô gái này, thế là mới nói với Tizi: Em, cho anh 10 năm. Trong 10 năm đó anh sẽ cưới được em. Nếu như 10 năm mà không cưới được anh sẽ từ bỏ mà không có mối ân hận gì cả. Thế là đến năm thứ 9, mình cầu hôn!
Tizi: Em nhớ rồi, anh kêu là...
Đích Lép: Thôi đi, đừng có lúc nào cũng là em nhớ rồi. Cô đừng có như vậy.
Đích Lép: Quay lại câu chuyện, tới năm thứ 9 mình cầu hôn thì suy nghĩ rất là nhiều luôn. Tại vì để cưới một cô gái, không chỉ muốn cưới là cưới. Mình phải có cái nhà, có một cái chứng minh rằng mình che chở ít nhất về mặt tài chính. Rồi con người này nói với mình là: "Anh ơi em đã già rồi, em muốn mặc váy cưới vào những năm em đẹp nhất", đó xong rồi xúc động quá mình phải cầu hôn. Mình cầu hôn xong lấy hết tiền đi mua nhà mọi người. Cay không chịu được luôn.
Tizi: Ủa thì anh cũng đồng ý mà.
Đến bây giờ chỉ còn “mấy chục tiếng” nữa thôi đám cưới sẽ chính thức diễn ra, cảm giác hai bạn thế nào?
Tizi: Mình thấy đa số mọi người sẽ cưới trước xong mới đi đăng kí kết hôn. Còn tụi mình thì ngược lại, kiểu như anh Minh vừa mới cầu hôn xong là hôm sau đi đăng ký kết hôn liền.
Đích Lép: Cho chắc, lỡ chạy sao?
Tizi: Là đã chắc chắn luôn rồi. Là kiểu mình đã biết là "Ồ, mình với anh ấy đã chính thức là vợ chồng pháp luật rồi". Nên tụi mình thay đổi không phải từ lễ cưới mà từ lúc ký giấy đăng ký kết hôn. Mình thấy tự tin hơn, cảm giác trong lòng mình kiểu như đã có danh có phận với nhau rồi.
Đích Lép: Còn mình là như kiểu “trẻ trâu”, chưa kịp lớn. Đùng cái chưa biết cuộc đời gì, có vợ. Cho nên lúc ký tờ giấy mình nghĩ "Ký thôi mà, có gì đâu". Nhưng mà tới lúc cưới lại lo nha. Dù ai cũng biết rồi, nhưng mà đại loại là khi mình công khai lại thấy khá áp lực.
Đám cưới của chúng mình sẽ “NO KID”
Hiện tại hai bạn đã chuẩn bị cho ngày trọng đại của mình đến đâu rồi?
Tizi: Mẹ của mình muốn đám cưới diễn ra sớm nên cả hai đứa “vắt giò lên” và hoàn thành KPI vậy. Đáng ra hai đứa muốn dời tới cuối năm nhưng khi chốt được ngày cưới rồi thì lại cảm thấy "đây là một thử thách" nên phải chạy thật gấp.
Đích Lép: Kinh nghiệm của mình là phải hỏi ý phụ huynh để có ba đến bốn tháng chuẩn bị cho kỹ, như này thật sự rất là mệt luôn.
Hai bạn có tranh cãi khi chuẩn bị tiệc cưới này không?
Đích Lép: Chúng mình bị một cái là khác nhau về… gu. Gu của mình khác gu của Tizi. Nhưng nguyên tắc là đầu việc của ai giải quyết thì người còn lại phải nghe theo. Lễ cầu hôn theo ý mình rồi vậy nên đám cưới Tizi là người quyết định.
Thứ khiến chúng mình lo lắng là vì cả hai đều có công việc - vai trò khác nhau, nên chuyện cả hai cùng tốn hai tháng chuẩn bị đám cưới ảnh hưởng đến rất nhiều người.
Gần đây có một xu hướng là các bạn trẻ tổ chức đám cưới “no kid” - không phục vụ trẻ em. Tizi và Đích Lép nghĩ sao về trào lưu này?
Tizi: Mình cũng dự định sẽ "no kid".
Đích Lép: Mình cũng thích "no kid" (không phải bởi vì mình ghét trẻ em đâu). Cả hai đứa đều thích trẻ em, thích chó mèo. Nhưng buổi lễ cần có những giây phút lắng đọng, nếu chẳng may nó “vỡ” vì những âm thanh không kiểm soát được thì mình sợ nó sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc của mình. Nếu là một bữa tiệc sinh nhật bình thường mình rất thoải mái luôn, con nít khóc mình chủ động lại dỗ. Nhưng vì đây là đám cưới, chẳng may đang “deep” lại có một bạn nhỏ không kiểm soát được cảm xúc khóc lên ngay lúc đó, thì “trung tâm của buổi tiệc” sẽ không còn là hai đứa nữa. Cả đời tích góp 10 năm, có đúng một khoảnh khắc đám cưới thôi mà bị phá vỡ bởi “kid” thì rất là nguy hiểm.
Cám ơn hai bạn về cuộc trò chuyện, chúc cả hai sau đám cưới có thêm nhiều thành tựu mới nữa nhé!