Ngọc Châm được ưu ái không kém danh ca Thái Hiền, Tuấn Ngọc khi hát nhạc Vũ Thành An
(Thethaovanhoa.vn) - Trong đêm nhạc Vũ Thành An: "Tình ca không tên - Giai nhân" tối qua (13/4) tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), bên cạnh vị nhạc sĩ tài hoa và hai danh ca được mến mộ nhiều thập niên Thái Hiền, Tuấn Ngọc, sự xuất hiện của Ngọc Châm mang đến những cảm xúc mới mẻ dành cho khán giả.
Đêm nhạc mở màn bằng hình ảnh Ngọc Châm trong ca khúc Giai nhân với trang phục và bối cảnh sân khấu được dàn dựng đậm nét cổ điển như thập niên 50-60, không khỏi khiến khán giả bồi hồi khi gợi về một vùng ký ức đầy hoài niệm. Đây cũng là bài hát mà Ngọc Châm viết lời dựa trên bản nhạc được nhạc sĩ Vũ Thành An dành tặng một năm trước.
- Nhạc sĩ Vũ Thành An: 'Con cái đều không theo nghệ thuật nên tôi nhận Ngọc Châm là học trò'
- Nhạc sĩ Vũ Thành An tiết lộ ý nghĩa của 'Bài không tên...'
- Khánh thành mái ấm tình thương do nhạc sĩ Vũ Thành An hỗ trợ tại Bình Phước
Tiếp nối phần trình diễn, Ngọc Châm gửi đến những người yêu nhạc Vũ Thành An loạt ca khúc "không tên" đó là Bài không tên 50, Không tên số 6 và Không tên số 7 - đều là những tác phẩm mang những dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời người nhạc sĩ đáng kính.
Giọng ca nhiều cảm xúc, quyến rũ xuất phát từ cuộc đời vốn nhiều dư vị ngọt ngào xen lẫn đắng cay của chính Ngọc Châm nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả dù đối với âm nhạc Vũ Thành An cô là cái tên mới mẻ.
Đối nghịch với sự kiêu sa của Ngọc Châm trên sân khấu, danh ca Thái Hiền đầy giản dị cùng giọng hát say đắm lòng người dù đã 10 năm tạm ngừng sự nghiệp không khỏi khiến khán giả bồi hồi.
Những tình khúc Vũ Thành An: Bài không tên số 5 và Bài không tên số 2 đều chất chứa nỗi niềm về tình yêu, nỗi đau nhưng qua lối hát dịu dàng của con gái cưng cũng là nàng thơ của cố nhạc sĩ Phạm Duy mang đến những cảm xúc nhẹ nhàng. Nỗi giằng xé ấy không bi lụy mà là sự từng trải của người đã đi qua bão táp, phong ba nhìn cuộc đời và tình yêu bình lặng hơn tất thảy.
Xuất hiện bên chị vợ và song ca Lời tình buồn, cặp danh ca đình đám Thái Hiền - Tuấn Ngọc được khán giả cổ vũ nồng nhiệt và không ngớt dành tặng những lời khen. Sự mềm mại, trong lành mà điêu luyện của Thái Hiền cùng cái giọng ca kiêu bạc và đĩnh đạc của Tuấn Ngọc đã mang đến một nhạc phẩm không thể ấn tượng hơn.
Sau hai ca khúc đơn ca là Bài không tên số 8 - tác phẩm được Tuấn Ngọc tiết lộ là ca khúc anh yêu thích nhất và Bài không tên số 5, giọng ca Riêng một góc trời cùng Ngọc Châm thể hiện hai tiết mục song ca là Bài không tên số 3 và Bài không tên cuối cùng.
Tuấn Ngọc và Bài không tên số 8
Một điều bất ngờ đối với khán giả là khi trở lại sân khấu, Ngọc Châm đã hát ca khúc Đời đá vàng - một trong số nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Vũ Thành An với một giọng ca nam "bí ẩn".
Ngoài ra, Ngọc Châm còn thể hiện bản lĩnh sân khấu khá vững vàng, không kém cạnh hai đàn anh, đàn chị là Tuấn Ngọc, Thái Hiền khi biểu diễn Em không dám tham vọng mà chỉ xin ước vọng được nhạc sĩ Vũ Thành An tặng riêng cô với phần đệm guitar của nhạc si Thanh Phương. Bên cạnh đó là Mùa thu ngày ấy tìm nhau với phần nhạc do Vũ Thành An sáng tác còn Ngọc Châm viết lời.
Đến phút chót, khi đêm nhạc sắp kết thúc, nhiều khán giả đã vỡ òa khi "cha đẻ" của các tình khúc bước ra sân khấu và cũng là giọng hát "bí ẩn" song ca cùng Ngọc Châm ở Đời đá vàng. Vị nhạc sĩ 76 tuổi gửi đến những người yêu nhạc của ông ca khúc Làm sao cho tôi gặp lại em, Rồi mai đời mình cũng già và cùng cô học trò cưng song ca bài hát Hà Nội tôi yêu trái tim khờ.
Đêm nhạc Vũ Thành An: Tình ca không tên - Giai nhân được dàn dựng bởi tổng đạo diễn Phạm Hoàng Giang, phần âm nhạc được chỉ đạo bởi Giám đốc âm nhạc Anh Khoa với ban nhạc được anh đưa từ Sài Gòn ra kết hợp cùng dàn nhạc thính phòng Hà Nội dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Khắc Thành.
Nhạc sĩ Vũ Thành An hát Rồi mai đời mình cũng già
Song ca cùng Ngọc Châm ca khúc Hà Nội tôi yêu trái tim khờ
Minh Thư
Ảnh: Hải Bá - Bình Quách