Ngoại hạng Anh lên kế hoạch trở lại: Cầu thủ sẽ có tiếng nói quyết định
(Thethaovanhoa.vn) –Dự án Tái khởi động Ngoại hạng Anh sẽ được thông qua bằng biểu quyết trong cuộc họp vào Thứ Sáu tới, 8/5. Đặc biệt, các cầu thủ sẽ có tiếng nói quyết định trong vấn đề này.
Ngoại hạng Anh sẽ còn 92 trận nữa để kết thúc. Theo dự kiến, giải đấu này sẽ trở lại vào giữa tháng Sáu, trên các sân trung lập, không khán giả. Và các cầu thủ sẽ tập luyện tập trung trở lại vào giữa tháng Năm.
Tiếng nói của cầu thủ
Để mùa giải được tái khởi động, cuộc họp trên sẽ cần 14/20 phiếu thuận. Giới thạo tin ở Anh cho biết 6 đội xếp ở đáy BXH là Brighton, West Ham, Watford, Bournemouth, Aston Villa và Norwich phản đối dự án này, trong khi phần còn lại thì nhất trí.
Nhưng đó mới là ý kiến của lãnh đạo CLB, còn điểm mấu chốt bây giờ là các cầu thủ sẽ có quyền phủ quyết dự án này, thông qua việc các CLB phải lấy ý kiến của họ trước khi đưa ra cuộc họp sắp tới. Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (PFA) và Hiệp hội HLV (LMA) sẽ đóng vai trò tư vấn cho họ.
Dĩ nhiên, phúc lợi của các cầu thủ sẽ là vấn đề lớn nhất. Họ có thể rất lo ngại về nguy cơ nhiễm Covid-19 và lây lan cho những người thân nếu trở lại tập luyện và thi đấu. Ngoài ra, các cầu thủ có được bảo hiểm hay không, nếu họ dương tính với virus corona như trường hợp của ba cầu thủ của Cologne mới đây. Mà chúng ta đều biết diễn biến của dịch Covid-19 ở Anh phức tạp hơn rất nhiều, với hơn 28000 ca tử vong, so với hơn 6000 người tại Đức.
Trong khi bóng đá Anh đang cố gắng để tìm cách kết thúc mùa giải, đây sẽ là một vấn đề lớn. Ai cũng có thể bị lây nhiễm – như slogan của chính phủ Anh – và họ bao gồm cả các cầu thủ. Trong khi vợ và bố mẹ các cầu thủ không thể đi uống café, xem phim, con cái phải nghỉ học, thì bản thân họ lại được yêu cầu ra sân đấu, cạnh tranh quyết liệt, vật lộn, vã mồ hôi và thở vào mặt nhau. Nếu là bạn, bạn có đồng ý không?
Thông điệp của các CLB thì khác nhau, và quyền lợi của các cầu thủ cũng thế. Bởi vậy sẽ không dễ dàng để có được sự đồng thuận.
Có nên mạo hiểm để kết thúc mùa giải?
Các cầu thủ Liverpool sẽ muốn đá nốt mùa giải để chấm dứt cơn khát 30 năm theo cách khiến tất cả tâm phục khẩu phục. MU, đội bóng đang tìm kiếm suất dự Champions League, hay Aston Villa, đang nằm trong nhóm 3 đội cuối bảng, nhưng đá ít hơn 1 trận, cũng vậy.
Nhưng còn cầu thủ ở các đội khác? Đâu là động lực của những cầu thủ đang khoác áo Crystal Palace và Burnley, vốn chẳng lo xuống hạng mà cũng chẳng mơ dự cúp châu Âu. Việc gì họ phải cố hoàn tất mùa giải này và có nguy cơ bị cách li, bị nằm viện, và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng? Để kết thúc mùa giải, các cầu thủ bị yêu cầu làm điều trái ngược với hầu hết người dân khắp cả nước.
Việc rời khỏi nhà, tới sân tập, sân thi đấu có thể mang lại những triển vọng trên khía cạnh kinh tế và thể thao, nhưng về sức khỏe thì không. Và giống như mô hình kim tự tháp, càng ở dưới thì càng khắc nghiệt. Rất nhiều CLB Ngoại hạng Anh có hệ thống sân tập và sân đấu còn an toàn hơn cả các bệnh viện trung bình, nhưng cơ sở vật chất ở League One và League Two thì không. Và càng ở các CLB hạng dưới, nguy cơ lây nhiễm càng lớn.
Vấn đề của các cầu thủ bây giờ nằm ở nhận thức và bản năng con người. Và ở một giai đoạn nào đó, yếu tố bản năng sẽ thắng thế. Một mức lương tuần khổng lồ cũng không thể giải quyết nỗi sợ hãi. Ngoại hạng Anh có thể được tái khởi động, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu xuất hiện những ca dương tính trong giới cầu thủ? Như ở Cologne.
Trong bài viết trên Sunday Times mới đây, chủ tịch Crystal Palace Steve Parish nhấn mạnh rằng thi đấu ở giải Ngoại hạng Anh còn an toàn hơn đi siêu thị. Có thể như vậy thật, nhưng liệu ông có thuyết phục được các cầu thủ của mình không thì lại là chuyện khác.
Tuấn Cương
Tổng hợp