Ngoại hạng Anh: Đằng sau câu chuyện Newcastle đổi chủ
(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện đáng chú ý nhất của bóng đá Anh tuần qua là việc Newcastle đổi chủ sở hữu, từ tỷ phú Mike Ashley chuyển sang Quỹ đầu tư công của Ả Rập Xê-út (PIF), trong một vụ mua bán trị giá 300 triệu bảng.
Thương vụ này sẽ chấm dứt quyền sở hữu 14 năm của Mike Ashley đối với Magpies, sau nhiều tranh cãi về quãng thời gian tỷ phú Sports Direct dẫn dắt câu lạc bộ. Nhưng chủ sở hữu mới của Newcastle là PIF cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi.
Rắc rối từ vụ tiếp quản Newcastle
Premier League khẳng định rằng họ đã có “đảm bảo ràng buộc pháp lý” rằng quyền sở hữu mới của Newcastle tách biệt với Ả Rập Xê-út nhưng nhiều chuyên gia đặt câu hỏi làm thế nào có thể xảy ra trường hợp đó. Các chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ nói rằng đó là một điều viển vông, vì đây là quỹ đầu tư có chủ quyền của nhà nước.
- Các đội Ngoại hạng Anh nổi giận vì Newcastle đổi chủ chóng vánh
- Newcastle sắp có chủ sở hữu giàu nhất giới bóng đá, gấp 10 lần Man City
Chừng sáu tháng trước, Premier League đã nhận được lời khuyên từ chuyên gia rằng hầu như không thể nhận được bất kỳ lời khuyên pháp lý độc lập nào từ bên trong Vương quốc Ả Rập Xê-út [KSA] về việc liệu Quỹ đầu tư công [PIF] có tách biệt với nhà nước hay không. Đó là lý do tại sao một số người được yêu cầu phân tích đã hoàn toàn bối rối và một số còn tức giận trước tuyên bố rằng KSA sẽ không kiểm soát Newcastle.
Một ví dụ đến từ tổ chức từ thiện nhân quyền FairSquare vào tháng 5 năm nay, và một bức thư được viết bởi giám đốc James Lynch, người trước đây đã từng làm việc với tư cách là nhà ngoại giao của Anh tại Trung Đông.
“Theo quan điểm của tôi, Premier League sẽ vô cùng khó khăn để có được một chuyên gia pháp lý độc lập ở Ả Rập Xê-út trong bất kỳ trường hợp nào được coi là thách thức hoặc mâu thuẫn với lợi ích của Mohamed bin Salman [MBS] của Ả Rập Xê-út,” bức thư viết. “Bất kỳ luật sư nào xuất hiện thay mặt cho bên nào đối đầu với lợi ích của Thái tử đều có khả năng phải đối mặt với hậu quả”.
Một báo cáo khác mà Premier League nhận được nói rằng KSA là người hưởng lợi cuối cùng của PIF. Thậm chí có lập luận rằng PIF là bộ máy quan trọng nhất của Ả Rập Xê-út hiện đại vì nó đã được giao phó các dự án lớn của MBS như thế nào. Nó là trung tâm của các kế hoạch tương lai, liên quan đến đa dạng hóa doanh thu bằng cách mở rộng thêm hoạt động như "rửa tiền trong thể thao".
Premier League nhấn mạnh rằng các cuộc kiểm tra với các chủ sở hữu được xem xét liên tục, mà sự sụp đổ tài chính của Portsmouth là ví dụ gần nhất, đã mang lại những thay đổi đáng kể. Trong một thời gian dài, Ả Rập Xê-út được coi là cường quốc còn lại đang tìm cách “thể thao hóa” nhưng không có câu lạc bộ. Giờ đây, họ có một trong những tên tuổi lớn nhất của nước Anh.
Một nguồn tin am hiểu về các kế hoạch cho biết đó sẽ không phải là mức chi tiêu của Chelsea 2003 hay Manchester City 2009, mà là sự đầu tư “thận trọng” hơn. Ý định vẫn là đưa Newcastle trở thành trung tâm của một dự án toàn cầu hóa cho Ả Rập Xê-út.
Chuyển nhượng và tương lai của Steve Bruce
Vai trò của HLV đương nhiệm Steve Bruce sẽ là vấn đề đầu tiên được thảo luận sau khi Newcastle đổi chủ. Nếu nó được để cho những người hâm mộ, HLV 60 tuổi này sẽ bị đẩy khỏi Tyneside ngay lập tức. Vấn đề là việc loại bỏ Bruce rất tốn kém. Sa thải Bruce sẽ tốn ít nhất 6,5 triệu bảng và có thể lên tới 8,5 triệu bảng.
Một điều rõ ràng là: tương lai của Bruce không nằm ở St James’ Park. Newcastle cần một HLV đẳng cấp nhất để thu hút các bản hợp đồng mới. Mauricio Pochettino đã lọt vào tầm ngắm khi có vẻ như vụ mua bán sẽ được thực hiện vào năm ngoái và mặc dù HLV 49 tuổi này đang làm việc tại Paris Saint-Germain, nhưng vị trí của ông ở thủ đô nước Pháp là rất mỏng manh. Rafa Benitez, một cựu HLV Newcastle, cũng được nhắc đến nhưng không có khả năng ông có thể bị cám dỗ rời khỏi Everton ở giai đoạn này.
Không có cách sửa chữa nhanh chóng cho giới chủ mới của Newcastle. Thị trường chuyển nhượng sẽ không mở cho đến tháng Giêng và thậm chí sau đó khó có khả năng PIF sẽ thông qua một khoản chi tiêu hoang phí. Người Ả Rập Xê Út rất muốn đa dạng hóa các nguồn thu nhập vì họ nhận ra rằng tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là hữu hạn và một ngày nào đó sẽ cạn kiệt. Tuy nhiên, họ sẽ phải đầu tư một khoản không nhỏ để đưa đội bóng thoát khỏi khu vực xuống hạng và có được vị trí an toàn tại Premier League.
Vào tháng Giêng, Newcastle sẽ đại tu hệ thống tuyển trạch và nhân viên hậu cần của họ. Nhận thức rằng bây giờ họ là “nhà giàu mới nổi” có nghĩa là họ phải trả một khoản phí lớn cho các vụ chuyển nhượng. Dự kiến khoảng 200 triệu bảng Anh sẽ được chi trong vài kỳ chuyển nhượng tới.
Hiệu quả tài chính của Newcastle là kém theo tiêu chuẩn của các câu lạc bộ Premier League. Everton đã tạo ra doanh thu thương mại gấp đôi họ vào năm 2020. Ashley không mấy quan tâm đến việc mở rộng dòng thu nhập. Đây là một lĩnh vực mà hội đồng quản trị mới tin rằng họ có thể đạt được những bước tiến lớn.
Sự thay đổi sẽ không diễn ra ngay lập tức nhưng những người mua đã có nhiều thời gian để suy nghĩ về cách họ muốn đưa câu lạc bộ về phía trước, cho dù điều đó sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn vẫn còn là câu hỏi. Hiện tại, hầu hết những người ủng hộ Newcastle đều rất vui khi loại bỏ được Ashley.
Vũ Mạnh