Ngô Hồng Quang: 'Đương đại hóa' để 'cứu' nhạc dân tộc
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 30/6, đêm nhạc Nam nhi của Ngô Hồng Quang tại Hà Nội đã kết thúc trong những tràng pháo tay giòn giã và sự phấn khích lộ rõ trên gương mặt khán giả - mà phân nửa trong số đó là người nước ngoài.
- Tối 30/6, Ngô Hồng Quang sẽ 'hợp sức' với nhà vô địch beatbox Trung Bảo làm mới quan họ
- Nghệ sỹ Ngô Hồng Quang: Hát trên núi Hà Giang như lạc cõi tiên
Đây có thể được xem là quả ngọt cho con đường khá “độc” mà Ngô Hồng Quang đang đi. Cái vẻ thật thà đi từ trong tính cách vào đến âm nhạc của Ngô Hồng Quang, khiến người ta phải sửng sốt khi nhìn vào những phối kết đầy táo bạo của nhạc sĩ này.
Có lẽ, chỉ Ngô Hồng Quang mới nghĩ được đến chuyện phối hợp quan họ, beatbox và ngũ tấu đàn dây. Không chỉ vậy, còn gom cả nhạc của người Mông, ca trù vào cùng một sân khấu.
“Tôi xem quan họ như một dạng nhạc “pop truyền thống”, kết hợp chất đương đại để đưa nó lên một chiều thức khác. Bản thân quan họ vốn không có nhiều tính nhịp điệu, nên tôi nghĩ đến beatbox. Còn bộ dây, thật sự chỉ có bộ dây mới truyền tải được đúng cái luyến láy hoa mỹ của quan họ” - Ngô Hồng Quang chia sẻ về đêm diễn Nam nhi.
* Nhưng từ chỗ sáng tạo dựa trên chất liệu truyền thống đến “phá nhạc” là ranh giới rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào ý niệm của mỗi người. Đã bao giờ anh phải chịu những ý kiến “trái chiều” chưa?
- Bản thân tôi chưa nghe trực tiếp bao giờ nhưng chắc là có, phải có chứ. Như bạn nói, người bảo thủ có thể nói tôi phá nhạc, rồi nhạc dân tộc thì phải thế này thế kia mới “chuẩn”. Nhưng với tôi, chỉ cần mình thấy hạnh phúc với việc mình làm là đủ.
Tôi thấy việc tôi đang làm là bảo tồn và phát triển đúng nghĩa. Tức là có sáng tạo riêng kết hợp với giá trị truyền thống.
* Vậy anh làm sao để đảm bảo sản phẩm sáng tạo ấy vẫn giữ được đúng tinh thần của nhạc dân tộc?
- Trước hết mình phải hiểu cái cốt lõi của văn hóa âm nhạc dân tộc Việt Nam là gì, mỗi vùng miền một khác, từ đó tìm đường phát huy nó. Mà để hiểu cặn kẽ thì tôi chọn cách đi điền dã, thực tế tận “cái nôi” của loại hình đó. Thứ hai là mình phải nắm được tư duy đương đại của nước ngoài. Nắm rõ 2 cái trên thì làm sẽ không chệch đi đâu cả. Cuối cùng là phải biết mình muốn gì.
* Anh nhận thấy gì từ những chuyến điền dã như vậy, về âm nhạc và cả văn hóa tổng thể của các vùng miền?
- Khá buồn là âm nhạc dân tộc đang bị mai một khá nhiều, nghệ nhân ngày càng ít. Họ nằm xuống mà không có truyền nhân. Lên Hà Giang, trẻ em người Mông còn chẳng biết nhiều về nhạc dân tộc mình, toàn nghe nhạc trẻ, nghe hip- hop.
Nhưng cái hay là, âm nhạc có thể mai một vì không còn người chơi, song văn hóa tổng thể thì vẫn còn đó. Tôi thích khai thác cái đó hơn là chỉ đến nghe họ chơi vài bài, thu về bắt chước rồi hát. Tôi học ở người dân tộc cách tư duy nhìn nhận và nhân sinh quan. Nó là kho di sản vô tận, tạo cho mình cảm hứng sáng tạo rất đặc biệt.
* Theo anh, làm thế nào để “cứu” âm nhạc dân tộc khỏi mai một như vậy, và xa hơn nữa là tạo dấu ấn trong mắt bạn bè quốc tế?
- Sẽ cần sự song hành của 2 việc: duy trì nó ở dạng nguyên bản, và hai là như cách tôi đang làm, “đương đại hóa” nó lên để dễ tiếp cận hơn với công chúng.
Tôi vẫn duy trì 2 hình thức này khi biểu diễn tại nước ngoài. Người nước ngoài nghe nhạc truyền thống Việt Nam họ không thẩm thấu ngay được và cùng lắm chỉ nghe được đến 2 - 3 bài. Bởi thế tôi phải làm mới, tăng thêm tính đương đại để tăng sức hấp dẫn và dễ thấm. Người nào biết một chút về văn hóa Việt Nam thì lại càng thích.
Tất nhiên khi đi nói chuyện, hay biểu diễn cho các học giả, chuyên gia thì vẫn phải dùng âm nhạc nguyên bản để họ có cái nhìn chuẩn nhất. Cần phải làm song song 2 hình thức.
* Anh đã nghĩ đến loại hình nhạc dân tộc nào cho dự án tiếp theo chưa?
- Khả năng cao sẽ là nhạc của Tây Nguyên. Tôi vừa có chuyến điền dã 10 ngày ở đó xong và thấy âm nhạc ở đây quá hay.
Tôi đang có dự án gần hoàn thiện là album Nhìn lại, trong đó tôi dùng thơ đương đại của giáo sư Phan Lê Hà, kết hợp với nhạc dân tộc và nhạc điện tử. Album này tôi sẽ hát cùng ca sĩ Hà Linh. Đây là lần đầu tôi phổ thơ đấy.
Còn 1 dự án nữa rất hay là album nhạc dân tộc kết hợp với đàn santur của Iran và nhạc cụ của Senegal. Ngoài ra tôi vẫn kết nối với nghệ sĩ Nguyên Lê, trong một dự án kết hợp âm nhạc và xiếc từ khắp thế giới.
* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Vượt “cám dỗ” nhờ nhạc dân tộc "Tôi vốn được học nhạc dân tộc từ nhỏ. Đến khi ra nước ngoài, tôi học được tư duy đương đại. Nhờ đó mà tôi biết cách tiếp cận với âm nhạc dân tộc, đánh giá nó đúng hơn, kết nối nó với các loại hình khác. Trên con đường theo đuổi âm nhạc dân tộc, đã có những lúc tôi xao nhãng hay bị cám dỗ. Người trẻ mà. Nhưng tình yêu với nhạc dân tộc đã giữ chân tôi lại..." (Tâm sự của Ngô Hồng Quang). |
Hà My (thực hiện)