Nghiên cứu mới phát hiện số tách cà phê uống mỗi ngày có thể gây bất lợi cho tim: Cái gì quá cũng không tốt
Một nghiên cứu mới đã tiến hành xem xét tác động của cà phê đối với các vấn đề về nhịp tim và sức khỏe tim mạch.
Mối liên hệ giữa cà phê và nguy cơ mắc vấn đề về nhịp tim
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England đã tìm thấy một số nhược điểm của việc uống cà phê mỗi ngày, bao gồm cả tác động tiêu cực đến giấc ngủ và sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu được thực hiện trên 100 tình nguyện viên dưới 40 tuổi, khỏe mạnh trong 2 tuần liên tiếp. Người tham gia nghiên cứu được phát thiết bị dõi chức năng tim, số bước đi bộ hàng ngày, thời gian ngủ và lượng đường trong máu. Người tham gia nghiên cứu được theo dõi nghiêm ngặt và được yêu cầu sử dụng cà phê vào một số ngày nhất định trong tuần.
Cụ thể, họ được yêu cầu uống cà phê với lượng tùy thích trong 2 ngày, sau đó dừng uống cà phê 2 ngày và lặp lại chu trình này trong hai tuần. Những người tham gia được yêu cầu nhấn nút trên máy theo dõi nhịp tim mỗi khi họ uống cà phê để ghi lại lượng tiêu thụ. Những người tham gia có xu hướng uống khoảng 1-3 cốc cà phê mỗi ngày, nhưng một số người uống 6 cốc cà phê mỗi ngày.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Gregory Marcus, bác sĩ tim mạch tại Đại học California, Mỹ cho biết, nghiên cứu này đo lường trực tiếp các tác động sinh học của việc uống cà phê.
Nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của cà phê đối với tình trạng tim đập nhanh, một trải nghiệm tương đối phổ biến đối với những người uống cà phê. Nghiên cứu chỉ ra rằng với những người khỏe mạnh (cả nam giới và nữ giới), cà phê không gây ra tình trạng ngoại tâm thu nhĩ. Nhưng tiêu thụ cà phê lại có thể làm tăng nguy cơ mắc ngoại tâm thu thất.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng vào những ngày uống cà phê, người tham gia nghiên cứu có tỷ lệ gặp ngoại tâm thu thất cao hơn khoảng 50% so với những ngày không uống, nhưng chỉ khi họ uống nhiều hơn 2 cốc cà phê/ngày.
Mặc dù tình trạng ngoại tâm thu thất không quá nguy hiểm và nghiêm trọng nhưng tiến sĩ Marcus cho biết, những người thường xuyên gặp tình trạng ngoại tâm thu thất có nhiều khả năng mắc bệnh suy tim hơn.
Chuyên gia Marcus nói thêm: “Vì vậy, nếu bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh suy tim như gia đình có tiền sử mắc suy tim hoặc có triệu chứng nguy cơ của suy tim, bạn nên gặp bác sĩ để tư vấn xem có cần hạn chế uống cà phê hay không".
Các tác động của cà phê đối với sức khỏe
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận thêm các tác động khác của cà phê đối với sức khỏe. Vào những ngày uống cà phê, những người tham gia nghiên cứu đi được trung bình nhiều hơn 1.058 bước so với những ngày không uống cà phê. Lượng đường trong máu của những người tham gia nghiên cứu tương đối ổn định.
Tuy nhiên, cà phê đã tác động đến giấc ngủ của họ, những người tham gia nghiên cứu ngủ ít hơn 36 phút/ngày. Theo đó, càng uống nhiều cà phê, họ càng hoạt động thể chất nhiều hơn và ngủ ít hơn. Đặc biệt, những người mang biến thể gen có khả năng chuyển hóa caffeine nhanh hơn sẽ ít bị mất ngủ hơn, trong khi những người chuyển hóa caffeine chậm hơn thì mất ngủ nhiều hơn.
Nhìn chung, cà phê vẫn an toàn với hầu hết tất cả mọi người. Tiến sĩ Marcus cho biết mọi người nên điều chỉnh lượng cà phê phù hợp theo nhu cầu cá nhân. Chuyên gia Marcus khẳng định tác động của việc uống cà phê là khác nhau ở mỗi người. Do đó, những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim không nên thử uống cà phê để kiểm tra mức độ ảnh hưởng của caffeine trong cà phê đối với cơ thể trước khi sử dụng lâu dài.
Nguồn: CNN, Washington Post