Nghiên cứu 85 năm của ĐH Harvard: Nghỉ hưu không hạnh phúc vì nỗi nhớ bạn bè, đồng nghiệp quá đau đáu
Một nghiên cứu kéo dài 85 năm về hạnh phúc của Đại học Harvard đã phát hiện ra thách thức lớn nhất khi về hưu mà ‘không ai nói đến’.
Năm 1938, các nhà nghiên cứu Harvard bắt tay vào một nghiên cứu vẫn tiếp tục cho đến ngày nay để tìm ra: Điều gì khiến chúng ta hạnh phúc trong cuộc sống? Các nhà nghiên cứu đã thu thập hồ sơ sức khỏe của 724 người từ khắp nơi trên thế giới, đặt câu hỏi chi tiết về cuộc sống của họ trong khoảng thời gian hai năm một lần.
Khi những người tham gia bước vào tuổi trung niên và cuối đời, Nghiên cứu Harvard thường hỏi về việc nghỉ hưu. Dựa trên câu trả lời của họ, thách thức số 1 mà mọi người phải đối mặt khi nghỉ hưu là không thể duy trì các mối quan hệ xã hội như đồng nghiệp, bạn bè đã gắn bó trong một thời gian dài tại nơi làm việc.
Người về hưu không nhớ công việc, họ chỉ nhớ đồng nghiệp, bạn bè. Khi nói đến việc nghỉ hưu, chúng ta thường chỉ xoay quanh về những vấn đề như tài chính, vấn đề sức khỏe và sự chăm sóc. Nhưng thứ họ quan tâm nhất lại là nuôi dưỡng, vun đắp các kết nối, mối quan hệ. Gần như không ai nói về tầm quan trọng của phát triển những nguồn mang lại ý nghĩa, mục đích sống mới.
Một người tham gia, khi được hỏi ông nhớ điều gì khi làm bác sĩ trong gần 50 năm, đã trả lời: “Hoàn toàn không có gì về bản thân công việc. Tôi nhớ mọi người và tình bạn.”
Leo DeMarco, một người tham gia khác, cũng có cảm giác tương tự: Sau khi nghỉ hưu với tư cách là một giáo viên trung học, anh cảm thấy khó giữ liên lạc với các đồng nghiệp của mình.
Đối với nhiều người trong chúng ta, làm việc giúp họ trở nên quan trọng trong mắt đồng nghiệp, khách hàng, cộng đồng, thậm chí là gia đình. Henry Keane là một trong số những người trong trường hợp này, ông đột ngột buộc phải nghỉ hưu do những thay đổi tại nhà máy của ông. Bỗng nhiên, ông có rất nhiều thời gian và năng lượng.
Ông bắt đầu tình nguyện tham gia American Legion và Veterans of Foreign Wars. Ông dành thời gian cho sở thích của mình như tái chế đồ đạc, trượt tuyết. Nhưng ông vẫn cảm thấy thiếu vắng gì đó.
“Tôi cần phải làm việc!”, Keane nói với các nhà nghiên cứu ở tuổi 65. “Không có gì quá quan trọng, nhưng tôi nhận ra rằng tôi chỉ thích ở bên cạnh mọi người”.
Để nghỉ hưu hạnh phúc, hãy đầu tư vào các mối quan hệ của bạn ngay bây giờ. Câu chuyện của Keane dạy cho chúng ta một bài học quan trọng không chỉ về nghỉ hưu mà còn về bản chất công việc: Chúng ta thường bị bao trùm bởi những lo lắng về tài chính và áp lực của thời gian, vì vậy chúng ta không nhận thấy các mối quan hệ công việc của mình quan trọng như thế nào cho đến khi chúng biến mất.
Để tạo ra các kết nối có ý nghĩa hơn, hãy tự hỏi:
- Ai là người tôi thích làm việc cùng nhất và điều gì khiến họ có giá trị đối với tôi? Mình có đánh giá cao họ không?
- Tôi đang thiếu những mối quan hệ nào? Làm thế nào tôi có thể tạo dựng những mối quan hệ đó?
- Có ai đó mà tôi muốn biết rõ hơn không? Làm thế nào tôi có thể tiếp cận với họ?
- Nếu tôi có mâu thuẫn với đồng nghiệp, tôi có thể làm gì để giảm bớt mâu thuẫn đó?
- Tôi có thể học được gì từ những người có nghĩ khác, xuất thân khác, có chuyên môn khác với tôi?
Vào cuối ngày, hãy để ý xem trải nghiệm của bạn nơi công sở có ảnh hưởng như thế nào với mục đích của bạn. Nhìn chung, những ảnh hưởng này đều tốt.
Ellen Freund, cựu quản lý trường đại học, nói với nghiên cứu vào năm 2006: “Khi nhìn lại, tôi ước giá như mình chú ý nhiều hơn đến mọi người và ít quan tâm đến các vấn đề khác. Tôi yêu công việc của mình. Nhưng tôi nghĩ mình là một ông chủ khó tính và thiếu kiên nhẫn. Tôi ước mình có thể hiểu mọi người hơn một chút”.
Công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ta càng làm phong phú nó bằng các mối quan hệ bao nhiêu, càng nhận được nhiều lợi ích bấy nhiêu. Bởi công việc cũng là cuộc sống.