Nghĩ về 'văn hóa cổ động' bóng đá
Pháo sáng lại mịt mù trên khán đài, CĐV “tấn công” trọng tài, V-League 2022 đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại.
1. Pháo sáng lâu nay vốn dĩ được xem như nỗi ám ảnh của sân cỏ quốc nội. Người ta nhân danh tình yêu, sự cuồng nhiệt để tìm mọi cách đốt nó khi đi xem bóng đá. Bóng đá Việt Nam đã từng có nhiều giai đoạn khốn khổ khi các CĐV cố tình đốt pháo sáng trong các trận đấu của ĐTQG trên sân nhà lẫn sân khách.
BTC các sân không thể ngăn được CĐV tồn pháo vào sân. Hẳn chúng ta không thể quên, một nữ khán giả đã bị thương khi một quả pháo đã xé nát bắp chân trên sân Hàng Đẫy ở vòng 22, V-League 2019. Đến bây giờ, đó vẫn là hình ảnh đầy nhức nhối, 3 đối tượng bị tù nhưng mức án chưa đủ sức răn đe.
Ở giải giao hữu tứ hùng trước mùa bóng, trên sân Lạch Tray, cầu thủ không nhìn thấy nhau, thậm chí khó thở cũng vì khói pháo sáng. Mới vòng 9 V-League cuối tuần qua thôi, CĐV Hải Phòng cũng đã đốt pháo sáng trên sân Vinh. Cho dù, công tác an ninh đã được siết chặt hơn lúc nào hết.
Có thể thấy, dù không phải là một câu chuyện quá mới nhưng pháo sáng vẫn luôn vấn đề đau đầu của bóng đá nước nhà. Đến nay, tất cả vẫn bế tắc trong việc loại bỏ vấn nạn pháo sáng.
Án phạt BTC đối với việc để CĐV đốt pháo sáng là đương nhiên. Nhưng, đấy chỉ là giải pháp "đập rắn đằng đuôi". Cần phải trừng trị nghiêm minh, thậm chí truy tố những kẻ cung cấp, sử dụng pháo sáng, bởi như thế là vi phạm pháp luật. Cùng với đó, việc kêu gọi ý thức CĐV giữ gìn sân chơi lành mạnh là giải pháp lâu dài. Khi hình ảnh và chất lượng chuyên môn của giải đấu ngày càng đi lên, các CĐV đến sân cần nâng cao ý thức rằng đây là cuộc chơi để phục vụ nhu cầu thưởng thức của chính họ.
Rõ ràng, bóng đá nước nhà phải làm sao để triệt tiêu đi ý nghĩ mang pháo sáng vào sân của khán giả. Có thời điểm, trên thế giới đã từng phải ra lệnh cấm với CĐV của một số nước (đơn cử như nước Anh) đến xem bóng đá bởi nạn hooligan. Việt Nam cũng đã có những khán giả vào sân xem bóng đá nhưng coi thường cuộc chơi có kỷ cương. Vậy nên, không chỉ dừng lại ở án phạt treo sân, đá không khán hoặc phạt tiền, VFF và VPF cần có sự phối hợp với ngành công an để đưa ra những biện pháp kiên quyết, cứng rắn hơn.
2. Đâu chỉ chuyện pháo sáng mịt mù, khán giả vào sân cũng cũng đã tuôn ra không biết bao nhiêu ngôn ngữ “rau, củ, quả…” nhắm vào trọng tài. Họ ngang nhiên chửi bới, xúc phạm, lăng mạ bất kể đúng sai. Vòng 6, tổ trọng tài phải rời sân Thanh Hóa cùng lực lượng an ninh trước lo ngại bị tấn công bên ngoài sân. Đến vòng 8, chiều 19/7, ngay bên trong sân Lạch Tray, trọng tài chính Hoàng Ngọc Hà đã bị tấn công trực tiếp khi bị một người đàn ông, tóm cổ, phun nước bọt vào mặt sau khi trận đấu kết thúc. Bản thân trọng tài Hoàng Ngọc Hà đã phải thốt lên: “Tôi đã bị tấn công”. Cũng có thể chính ông cũng không nghĩ CĐV đến sân lại hành xử thiếu văn minh như vậy. Nhân vật "phun nước bọt" đã bị cấm vào các sân 3 năm. Dù thế, thiếu gì cách để anh ta trà trộn đi cổ vũ bóng đá, khi không sân nào có đủ sự chặt chẽ trong khâu kiểm soát các đối tượng đang chịu án.
V- League là sân chơi chuyên nghiệp, có luật chơi riêng. Bất kể đội bóng nào cũng phải tuân thủ và tôn trọng nó. Bằng không, giải đấu sẽ mất đi tính tôn nghiêm hoặc chính đội bóng sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi. Và một khi tính chất của V-League ngày càng gay cấn, vấn đề “văn hóa cổ động” càng phải được quan tâm hơn nữa. CĐV cần phải được "định vị" là những người đam mê cái đẹp chứ không phải những người gây rối
Khán giả được ví như "thượng đế" của bóng đá, là một phần không thể thiếu của môn thể thao Vua. Bóng đá rất cần khán giả, đương nhiên, nhưng đó phải là những khán đài cuồng nhiệt, đầy sắc màu, lan tỏa hiệu ứng tích cực, chứ không phải là nơi để cơn mưa vật thể lạ và mù mịt khói pháo sáng trùm lên. Sân bóng không thể là nơi trút giận, cũng không phải là chỗ để ai đó có thể coi cái tôi của mình lớn hơn tất cả.
Đi xem bóng đá để tìm niềm vui chứ không phải đến sân để giải tỏa bức xúc. Các CLB cần phải xích lại gần hơn với CĐV, để cùng giữ gìn, phát triển thương hiệu CLB.
Trần Tuấn