Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTXVN
(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 118/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam.
- TTXVN chung tay ủng hộ đồng bào Tây Bắc khắc phục thiệt hại do mưa lũ
- UBND TP Hà Nội và TTXVN ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021
Theo đó, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước.
Thông tấn xã Việt Nam chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông về báo chí, phát thanh, truyền hình.
Thông tấn xã Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất đăng, phát văn kiện, thông tin chính thức của Đảng và Nhà nước; thu thập, biên soạn thông tin phổ biến và tham khảo bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ kịp thời yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự; chỉnh hướng những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia; cải chính những thông tin sai lệch; khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc; thu thập, biên soạn, xuất bản và phổ biến, phát hành các sản phẩm thuộc các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác ở trong và ngoài nước.
Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia; thu thập, biên soạn và phổ biến thông tin về Việt Nam bằng các ngôn ngữ khác nhau cho các cơ quan, tổ chức trong nước, các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài; người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; thực hiện lưu trữ tư liệu thông tin; xây dựng ngân hàng dữ liệu thông tin và quản lý tư liệu ảnh quốc gia; cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện nhiệm vụ thông tin phục vụ công tác an ninh, quốc phòng...
Cơ cấu tổ chức
Theo Nghị định, Thông tấn xã Việt Nam có 5 tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam gồm: Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại; Văn phòng; Ban Tổ chức - Cán bộ; Ban Kế hoạch - Tài chính; Ban Kiểm tra.
Bên cạnh đó, Thông tấn xã Việt Nam có các đơn vị thông tin gồm: 1- Ban Biên tập tin Trong nước; 2- Ban Biên tập tin Thế giới; 3- Ban Biên tập tin Đối ngoại; 4- Ban Biên tập Ảnh; 5- Ban Biên tập tin Kinh tế; 6- Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa; 7- Trung tâm Truyền hình Thông tấn; 8- Báo Tin tức; 9- Báo Thể thao và Văn hóa; 10- Báo điện tử VietnamPlus; 11- Báo Việt Nam News; 12- Báo Le Courrier du Vietnam; 13- Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum; 14- Báo ảnh Việt Nam; 15- Báo ảnh Dân tộc và Miền núi; 16- Nhà xuất bản Thông tấn; 17- Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam; 18- Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên; 19- Các cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo quy định của pháp luật; 20- Các cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam ở nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị phục vụ thông tin gồm: Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn; Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn; Trung tâm Phát triển truyền thông Thông tấn; Trung tâm Tin học; Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn.
Thông tấn xã Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 4 Phó Tổng Giám đốc.
Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.
TTXVN/Báo Tin Tức