Nghê Việt - 'gã linh vật' trở lại
(Thethaovanhoa.vn) - Sau cuốn khảo cứu đầu tiên Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa, vừa qua, tác giả Trần Hậu Yên Thế tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc Nghê Việt tinh tuyển. Ấn phẩm với kích thước nhỏ 12x12cm in đen - trắng được chuyển ngữ sang tiếng Anh,như một ấn phẩm du lịch quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam tới bạn đọc quốc tế nhưng là những nghiên cứu công phu của một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam.
Nếu như cuốn sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa là kết quả của hành trình nhận diện linh vật, thì ấn phẩm nhỏ này là một sự khẳng định về danh tính và vị trí trung tâm của nghê trong văn hóa Việt truyền thống.
Dần sáng tỏ nguồn gốc nghê Việt
Theo nghiên cứu của tác giả, tạo hình nghê xuất hiện ở đền vua Đinh vua Lê ở Ninh Bình, được phổ biến trong mỹ thuật dân gian Việt Nam thời Lý, cho đến trước năm 1945, nghê vẫn xuất hiện trong những khảo cứu của Léopold Cadière (1869-1955).
Từ năm 1915, linh mục, nhà nghiên cứu Cadière đã tập hợp nhân lực, tổ chức nhiều đợt điền dã, khảo sát công phu tại các công trình kiến trúc quan trọng trong kinh thành Huế. Năm 1919, ấn bản đặc biệt L‘Art à Hue - Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế ra đời. Cuốn sách được xem là một trong những công trình nghiên cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Huế đầu tiên và hiếm hoi được công bố rộng rãi từ năm 1919.
Tuy nhiên bắt đầu từ sau 1945, người Pháp có tiếp tục nghiên cứu về rồng, phượng nhưng nghê không được nhắc đến. Điều đó khiến linh vật biểu tượng này bị lãng quên trong văn học từ sau năm 1945. Sau hòa bình, làn sóng du nhập linh vật Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam dẫn đến sự khủng hoảng nhận diện linh vật của người Việt. Và có thể nói, giai đoạn 1945 đến nay là thời kỳ đứt đoạn của biểu tượng nghê Việt.
Theo tiếng Hán, chữ “nghê” (猊) xuất phát từ chữ “toan nghê” (狻猊) nghĩa là sư tử và trong bộ “nghê” có bộ “khuyển” nghĩa là con chó, vì vậy con nghê là sự kết hợp giữa sư tử và chó.“Chính các nhà nghiên cứu Trung Hoa gần đây phát hiện ra rằng cách gọi sư tử là toan nghê thời kỳ Tiên Tần là do ảnh hưởng của ngôn ngữ của nhóm tộc người Scythians cổ. Và cách gọi sư tử là sarvanai của người Scythians bắt nguồn từ một nhánh ngôn ngữ cổ Ấn Độ gọi sư tử là suangi”. Từ đó, tác giả khẳng định lại “Toan nghê có nguồn gốc Ấn Độ và Trung Á”.
Trong buổi tọa đàm, tác giả còn đưa ra kết quả khảo cứu sự xuất hiện của nghê ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước lân cận dọc theo các di tích của của Tam giáo (đạo Khổng,đạo Phật và đạo Lão) ở các quốc gia để từ đó thấy được sự chiếm lĩnh của biểu tượng nghê trên đất nước Việt Nam qua các công trình kiến trúc tôn giáo- “Ở đâu có người Việt tập trung, là ở đó có nghê”.
Sự hình thành biểu tượng con nghê trong văn hóa Việt là một sự sáng tạo trong việc tiếp thu và biến đổi các yếu tố văn hóa du nhập trên cơ sở văn hóa bản địa để tạo thành yếu tố văn hóa đặc sắc của mình, đó cũng là cách mà người Việt vận hành sáng tạo bao đời nay để thích ứng với hoàn cảnh lịch sử.
Nghê là một linh vật hư cấu được sinh sản trong nền văn hóa của người Việt bởi các nghệ nhân dân gian qua quá trình lao động, chế tác. Nghê được lấy thêm nhiều đặc điểm của các linh vật khác như hổ, sư tử, rồng, lân, khỉ... nhưng đặc tính nổi trội nhất của nó vẫn là con vật “canh cửa” trong dân gian Việt Nam, có lẽ vì vậy, mà hình ảnh con nghê được các nghệ nhân dân gian thỏa sức sáng tạo, hư cấu nhưng vẫn tình cảm, gần gũi, đậm chất dân gian Việt Nam.
Nghê được phổ biến từ đời Lý (thế kỷ 11- 12) và từ đây,nghê được dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam: Chạm trên cốn và đầu đao, tượng nghê chầu... đã có nhiều sản phẩm gốm ứng dụng từ thời trung đại ở Việt Nam được trang trí tạo hình con nghê như nậm rượu (bộ sưu tập Bùi Ngọc Tuấn), bát hương con nghê, bình trầm hương nghê (Vietnam Ceramics, A separate tradition, 1997).
Bên cạnh đó, nghiên cứu của tác giả trong cuốn sách này còn trình bày về đặc điểm cấu tạo cơ thể của nghê trong tương quan so sánh với các linh vật như: Sư tử Trung Hoa, komainu trong các điện thờ Thần đạo Nhật Bản hay linh vật haetae của Hàn Quốc để từ đó làm rõ hơn tính nhận diện của nghê Việt.
Nỗ lực kết nối những sản phẩm hiện đại với văn hóa cổ truyền
Việc khai thác hình ảnh linh vật nghê Việt đã được thực hiện khá sôi nổi trong thời gian qua bởi các nghệ nhân, các đơn vị nhà nước về văn hóa, các nhà điêu khắc, thiết kế... Điều đó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của nghê Việt trong đời sống đương đại.
Có thể kể đến hoạt động giáo dục di sản với tên gọi “Ơ kìa con nghê” được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội từ năm 2019. Không chỉ được thấy, được tiếp xúc trực tiếp với các con nghê ở đây, không chỉ được tô vẽ mà các em được tham gia những trò chơi được lập trình hóa trên iPad. Đây là chương trình giáo dục di sản đầu tiên về hình tượng linh vật nghê tại di tích ở Việt Nam.
Gần đây nhất, mẫu sáng tác linh vật SEA Games31 của NTK Trần Hoài Đức với hình tượng "nghê cười" được Ban tổ chức chọn vào vòng chung kết, cùng với linh vật hổ và hươu sao. Mặc dù cuối cùng mẫu sao la chính thức được chọn nhưng hình tượng "nghê cười" thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong quá trình dự thi,đây cũng là cơ hội quý để một linh vật truyền thống lâu đời của người Việt được tôn vinh.
Việc nghiên cứu, hệ thống và phục dựng hình ảnh của nghê là một việc làm ý nghĩa mà nhà Nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế làm chủ biên cùng nhóm tác giả Nguyễn Đức Hòa - Hồ Hữu Long đã theo đuổi trong nhiều năm qua. Cho tới lần này, việc xuất bản cuốn sách nhỏNghê Việt tinh tuyển đánh dấu một bước ngoặt trong việc khẳng định và quảng bá hình ảnh văn hóa mang bản sắc Việt đến bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, các ứng dụng hình ảnh nghê vào các công trình kiến trúc, logo biểu tượng văn hóa, vật dụng trang trí và các sản phẩm thời trang ứng dụng là những nỗ lực kết nối những sản phẩm hiện đại với văn hóa cổ truyền. Nếu sự kết nối đó vận dụng một cách hợp lý vừa tôn trọng truyền thống và tạo ra những sản phẩm có thẩm mỹ và ý nghĩa trong đời sống đương đại thì điều đó sẽ góp phần lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp tới cộng đồng.
Những hoạt động ứng dụng/sáng tạo từ nghê Việt Nghê đã bắt đầu đi vào ứng dụng đời sống, nghệ nhân Nguyễn Viết Lợi với sản phẩm Bộ giỏ tích nắp gắn nghê. Nguyễn Viết Lợi là nghệ nhân trẻ tài hoa của mảnh đất làng nghề Sơn Đồng nổi tiếng- một làng nghề gắn bó với các tín ngưỡng. Cũng dựa vào hình ảnh quen thuộc của những cây đèn nghê trong nghệ thuật gốm người Việt, nghệ nhân của làng nghề Kim Bồng (Quảng Nam), lại đưa đến triển lãm với chiếc đèn nghê chất liệu gỗ. Đây là chiếc đèn ngủ được tạo tác theo chạm lộng quen thuộc. Bên những tác phẩm nhỏ bé, dung dị, nghệ nhân Bát Tràng Trần Nam Tước lại góp mặt với nhóm sản phẩm có kích thước lớn với hình ảnh nghê trên bờ nóc. Từ nhiều năm nay, nghệ nhân Nam Tước đã gắn bó với nghê gốm trang trí kiến trúc. Ở cột tứ trụ đình làng Bát Tràng, có đôi nghê do anh cung tiến. Khoảng từ năm 2014, NTK Nguyễn Bá Ngọc đã thiết kế nhiều mẫu nghê làm đồ lưu niệm. Không dừng lại đó, anh còn tạo dựng một không gian văn hóa đậm chất Việt mà con vật linh cốt lõi là nghê. Ông Trần - chủ của Nghê House là một kiến trúc sư. Ông đã cùng các cộng sự dành nhiều thời gian và tâm sức để xây dựng Nghê House - là một điểm dừng chân, một bảo tàng nhỏ giới thiệu cho du khách về nghê Việt khi đến với Hội An. Trong Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc lần thứ IV (2014-2019) nhà thiết kế Lê Quý Hải đã đoạt giải Ba với sự có mặt của logo Nghê Villa. Lấy cảm hứng từ hình ảnh con nghê ở đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình), Lê Quý Hải chắt lọc nét đặc sắc của văn hóa Việt đưa vào thiết kế nhận diện cho chuỗi thương hiệu nghê về hotel, villa, house, spa cao cấp. Ứng dụng hình ảnh nghê đưa vào trang phục có bộ sưu tập của nhà thiết kế Lý Thị Viễn Thông, bộ sưu tập được giải Khuyến khích hạng mục Thiết kế sáng tạo với bộ sưu tập thời trang cách tân, điểm nhấn là hình ảnh trang trí trên áo lấy từ những con nghê gỗ phủ sơn - sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhà thiết kế Lasen Vũ trong năm 2018 cũng đã đưa ra bộ sưu tập áo dài Tết Việt với nhiều hình ảnh nghê Việt. |
Trần Thu Huyền