Nghệ thuật thưởng thức rượu vang
(TT&VH) - Càng ngày rượu vang càng trở nên thân thuộc trong những dịp vui, bữa tiệc của người Việt. Thức uống có xuất xứ từ châu Âu, giờ đã được "Việt hóa" trên những cánh đồng nho Ninh Thuận. Nhưng không dễ để thưởng thức tận cùng hương vị của thức uống men say phổ biến nhất thế giới này.
Đồ uống có cồn được lên men từ nước nho ép tươi được gọi là rượu vang. Đó là định nghĩa cơ bản về một thức uống hầu như không thể thiếu trong những bữa ăn của người phương Tây, đặc biệt vào những ngày lễ Tết hay dịp kỷ niệm. Chúng ta biết đến vang Pháp, vang Ý, vang Úc, vang Chile, nhưng có lẽ ít người biết rằng di chứng khảo cổ đã chứng minh rằng kỹ thuật làm rượu vang đã có từ 5 đến 6 nghìn năm trước Công nguyên ở vùng Damascus gần biển Đen (nay thuộc nước Cộng hòa Hồi giáo Syria).
Dưới thời Ai Cập cổ đại, kỹ thuật làm rượu đã trở thành một khoa học. Những loại nho được trồng và chăm sóc chu đáo bởi các chuyên gia và quả nho sau đó được các nô lệ ép, lên men theo các công thức mà đến hàng ngàn năm sau vẫn còn nguyên giá trị. Rượu vang đã trở thành một mặt hàng béo bở và đi theo thuyền bè, lạc đà đến những trung tâm thương mại của thế giới hồi đó. Nhưng phải đợi đến thời Hy Lạp cổ đại, việc sản xuất và tiêu thụ rượu vang mới chính thức nở rộ. Đảo Chios được coi là nơi sản xuất ra thứ rượu ngon nhất thời đó, nên đôi khi còn được mệnh danh là „Bordeaux của thời cổ đại“. Được cổ súy bởi các nhà vua La Mã, rượu vang được trồng ở khắp nơi thuộc các vùng đất của đế quốc mà nay là Pháp, Đức và Ý và từ đó lan nhanh ra khắp châu Âu và các vùng khác của thế giới cho tới ngày nay.
Thứ hạng chất lượng
Ngoài việc phân biệt về vùng đất trồng, chất lượng rượu vang còn được đánh giá thông thường theo ba thang tăng dần như sau (tạm lấy cách gọi của Pháp làm chuẩn). Vin de table hay Vin de France là thứ rượu vang ở cấp thấp nhất, có thể xuất xứ từ mọi nơi và không được chú trọng đặc biệt về kiểm tra chất lượng trong phương pháp sản xuất. Vin de pays hay IGP có nhiều độ cồn hơn và phải ghi rõ vùng đất xuất xứ của rượu trên nhãn chai và cái tên nhãn hiệu này được pháp luật bảo vệ. AOC hay AOP là thứ rượu vang ở cấp cao nhất với chất lượng đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định. Nếu bạn uống vang Đức, ba thứ bậc tương ứng được gọi lần lượt là Tafelwein, Landwein và Q.b.A. Tất nhiên trên thực tế, việc đánh giá chất lượng một sản phẩm rượu vang còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác và còn nhiều thang bậc phức tạp đặc biệt dành cho các loại rượu cao cấp, nhưng các nhãn ghi trên chai theo mô tả sơ bộ ở trên là một cơ sở cơ bản để người tiêu dùng bình thường có thể dựa vào. Thế nhưng bạn đừng tin cậy quá mức vào nhãn hiệu. Bởi vì rượu vang trên thực tế chỉ ngon khi bạn nếm thử và cảm nhận được vị ngon của nó mà thôi.
Thử rượu
Khi thử rượu, bạn cố gắng đừng để các thông tin về chai rượu đánh lừa cảm giác thật sự của mình. Hãy tập trung và khách quan. Thời điểm thử rượu nên vào buổi sáng, vì khi đó các „cơ quan thẩm định“ của bạn „trong lành“ nhất. Ly rượu cần sạch sẽ và không mùi, ly dùng uống rượu đỏ là loại ly to rộng (ly Bordeaux) còn ly dùng uống rượu trắng là ly nhỏ, mảnh (ly Chardonnay). Rượu trắng luôn được ướp lạnh trước và nếu có điều kiện thì cả trong khi uống, khi mở chai cần rót ngay vào ly. Ngược lại, rượu đỏ không cần ướp lạnh, sau khi mở chai cần để hở cổ chai một thời gian ngắn vài phút để rượu „thở“ trước khi rót vào ly. Khi cầm ly rượu, bạn chú ý đối với rượu trắng nắm ở chân ly còn rượu đỏ bạn có thể cầm cả bụng ly. Lý do là rượu trắng rất nhạy cảm với việc thay đổi nhiệt độ của chiếc ly.
Thử rượu thông thường gồm 4 bước. Ở bước thứ nhất, bạn để cho các cơ quan „nhận diện“ rượu gồm màu sắc, mùi và vị. Nhà thơ Horaz sống ở thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên đã gói ghém công thức của bước thứ nhất này trong chữ C.O.S., viết tắt cụm từ tiếng Latinh Color-Odor-Sapor (Màu-Mùi-Vị). Ở bước thứ hai, bạn thử diễn tả một cách cụ thể nhất các cảm nhận của mình bằng từ ngữ. Bước thứ ba, bạn so sánh với những kinh nghiệm sẵn có về rượu vang đã uống trong quá khứ. Bước thứ bốn, bạn đánh giá rượu có ngon hay không. Quả thật đơn giản phải không?
Kết hợp rượu với đồ ăn
Trước bữa ăn hoặc trong khi dùng món khai vị, đồ uống thường là Champagne Brut hoặc Rosé của Pháp, Sekt Trocken của Đức, Crémant (Pháp) hay Spumante (Ý). Ly dùng cho các loại rượu này là loại ly cao, thon. Cầm ly ở chân để tránh ảnh hưởng đến nhiệt độ rượu. Uống rượu theo kiểu nhấm nháp „câu giờ“ trước khi vào món chính. Lúc bắt đầu món chính, bạn cần uống hết rượu khai vị, để chuyển sang rượu vang.
Có thể bạn đã từng nghe đến quy tắc chung cơ bản sau: „Đỏ thịt, trắng cá“: khi bạn ăn thịt thì nên dùng vang đỏ, còn ăn cá thì nên uống vang trắng. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều quy tắc vô cùng phức tạp. Tạp chí nổi tiếng về rượu vang Guide Hachette của Pháp hàng năm đều đưa ra một danh sách dài các món ăn và thứ rượu vang phù hợp với đồ uống đó. Nếu bạn không có danh sách này, hãy theo nguyên tắc riêng của bạn, đó là hãy uống thứ rượu mà bạn thấy ngon nhất với món đồ ăn mà bạn thích thưởng thức nhất.
Khi dùng món tráng miệng, thường là đồ ngọt, bạn nên dùng Champagne Extra-Sec của Pháp hoặc Moscato Naturale của Ý. Nếu tráng miệng bằng phó mát (Camembert chẳng hạn), bạn có thể uống Riesling Spätlese Halbtrocken (Đức) hoặc Chablis (Pháp).
Thưởng thức rượu vang đúng cách là cả một nghệ thuật mà loài người đã gìn giữ từ hàng ngàn năm nay. Trong những ngày Xuân, nếu bạn mở một chai rượu vang và chợt quên tất cả các nguyên tắc thì cũng đừng lo ngại gì. Điều quan trọng là bạn đang được hạnh phúc bên bữa ăn quây quần sum họp gia đình đầm ấm và vui tươi của bạn.
Thịt bò nướng: Cabernet Sauvignon (Pháp), Tempranillo (Tây Ban Nha), Carmenere (Úc) Vịt, ngan, thịt thú rừng: Shiraz (Úc), Côtes du Rhône (Pháp) Mì Ý: Chianti (Ý) Tôm, cua, hải sản: Riesling (Đức), Pinot Grigio (Ý), Sauvignon Blanc (Úc) Cá rán, cá nướng: Chardonnay (Pháp) Món có gừng: Riesling (Đức) Sushi: Sauvignon Blanc (Úc)
Du Cường