Nghệ sĩ với EURO - Nước mắt Ronaldo: Ngày ấy, bây giờ
Ronaldo - cầu thủ người Bồ Đào Nha - đang là tiêu điểm, làm "náo động" thế giới quả bóng tròn tại EURO 2024. Cho đến nay, anh là cầu thủ duy nhất tham dự 6 giải EURO liên tục (từ năm 2004 đến 2024). Đã 20 năm qua rồi, khán giả vẫn không quên những giọt nước mắt của Ronaldo rơi như mưa trong trận chung kết trên Sân vận động Ánh sáng ở Thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) - nước chủ nhà của EURO 2004.
Kết thúc vòng bảng EURO 2024, đội Bồ Đào Nha đã đứng đầu bảng F và các trận đấu tiếp theo vẫn đang ở phía trước. Liệu chúng ta còn chứng kiến nước mắt CR7 lại tiếp tục rơi?
Hi vọng của chàng trai 19 tuổi năm đó
Cristiano Ronaldo dos Santos Aveiro, sinh ngày 5/2/1985 tại Fulchai, thủ phủ hòn đảo Madeira (Bồ Đào Nha) trong một gia đình nghèo. Khi còn nhỏ, Ronaldo có sức khỏe yếu. Anh được chẩn đoán mắc chứng tim đập nhanh, một căn bệnh có thể khiến anh phải từ bỏ việc chơi bóng. Ronaldo phải trải qua cuộc phẫu thuật (sử dụng tia laser đốt một số đường dẫn truyền trong tim để tim chỉ còn một đường dẫn nhịp duy nhất).
Năm đó, mẹ của Ronaldo là Dolores Aveiro (trong một lần phát biểu trên tivi) đã nói rằng, với tình trạng sức khỏe như vậy, con trai bà có lẽ sẽ đi làm thợ hồ chứ ít khả năng trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.
Nhưng bằng quyết tâm và tình yêu bóng đá, Ronaldo đã hăng hái nhập cuộc các trận bóng thiếu nhi và nhanh chóng tham gia các giải trẻ. Ở tuổi 16, Ronaldo được tuyển vào đội trẻ của CLB Sporting Lisbon và liên tục có mặt trong đội hình các đội U16, U17, U18 của CLB. Huấn luyện viên người Pháp Arsène Wenger đã gặp anh tại sân nhà của Arsenal và có ý định tuyển dụng cầu thủ "trẻ, đầy hứa hẹn" cho CLB rất nổi tiếng của nước Anh này.
Sau đó, một CLB nổi tiếng khác của Ngoại hạng Anh là Manchester United đã "nhanh tay" kí hợp đồng với cầu thủ Ronaldo vào năm 2003. MU "huyền thoại" chính là "bệ phóng" cho chàng trai mới tròn 18 tuổi lúc đó phát triển tài năng. Và sau đó 1 năm (2004) khi Giải Vô địch châu Âu lần thứ 12 được tổ chức trên đất nước của Ronaldo, anh được gọi vào đội tuyển Bồ Đào Nha.
Bồ Đào Nha lúc đó đã là một đội mạnh của làng túc cầu châu Âu, với các cầu thủ thành danh như Luis Figo, Rui Costa, Fernaldo Couto, Costinha… Ronaldo vẫn chỉ là chàng "tân binh" mới cứng.
Dưới sự dẫn dắt của HLV lão luyện người Brazil là Felipe Scolari (đã đưa ĐT Brazil Vô địch World Cup năm 2002 tại Nhật Bản - Hàn Quốc), Ronaldo được lựa chọn đưa vào sân nhiều trận của giải. Bồ Đào Nha thẳng tiến vào trận chung kết sau khi lần lượt hạ hai "ông lớn" là đội Anh (ở tứ kết) và Hà Lan (ở bán kết). Nhưng…
Trận chung kết định mệnh: nước mắt 20 năm
Bồ Đào Nha bước vào trận chung kết (ngày 4/7/2004) với tất cả các ưu thế "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Chưa bao giờ 10 triệu dân xứ Bồ tin tưởng vào chức Vô địch EURO của mình đến thế. Và cũng bởi, đối thủ của họ trong trận cuối cùng là Hy Lạp - trước đây và lúc đó chưa là gì trên bản đồ bóng đá châu Âu (và thế giới).
Trước khi EURO 2004 khởi tranh, Hy Lạp và Latvia là 2 "chú lùn" bị đánh giá thấp nhất (trong số 16 đội). Họ được tham gia vòng chung kết là may mắn lắm rồi. Không ai dám tin Hy Lạp vô địch, trong khi đó, gần như tất cả mọi người (ở Bồ Đào Nha, thậm chí cả châu Âu) đều tin Bồ Đào Nha sẽ dễ dàng đoạt Cup.
Tôi cũng trong số những người có niềm tin như thế. Bắt đầu trận chung kết ngày 4/7 lịch sử này, tôi dã chuẩn bị một tứ thơ, nhan đề "Khát vọng 10 triệu trái tim" và đã làm sẵn mấy câu mở đầu:
"Lão nông" Scolari bước vào trận cuối cùng
Sau lưng ông có bàn tay 10 triệu người Bồ đang vỗ
Dàn pháo hoa ven bờ Đại Tây Dương sắp nổ
Ronaldo cùng với Figo chuẩn bị bước lên thềm.
Vậy mà, "hiện tượng Hy Lạp" 2004 đã khiến cả thế giới phải sững sờ ngả mũ. HLV người Đức Otto Rehhagel đã xây dựng một đội hình các cầu thủ "không ngôi sao" thành một tập thể "vận hành như cỗ máy" vững chắc công và thủ.
Đoàn quân của Rehhagel không ăn may. Họ đứng nhì bảng A, sau đó lần lượt thắng Pháp ở tứ kết và CH Czech ở bán kết. Cũng phải nhắc lại rằng, trong vòng bảng, chính Hy Lạp đã thắng Bồ Đào Nha với tỉ số 2-1. Tuy nhiên, HLV Scolari coi đó chỉ là một tai nạn. Ông quá hiểu bóng đá Hy Lạp và người Bồ tin rằng chiến lược gia dày dặn kinh nghiệm này sẽ có cách hóa giải "truyền thuyêt các vị thần". Chàng trai Ronaldo trẻ trung đang mơ được nâng chiếc Cup danh giá trên chính quê hương mình ở tuổi 19 đầy hứa hẹn.
Thế rồi "bi kịch" đã đến với người Bồ. Phút 57 của trận chung kết, giữa một "rừng hậu vệ" (trong đó có Costinha, Couto, Fereira…) anh chàng Charisteas (thấp hơn Costinha 10cm) lại chọn đúng điểm rơi, nhảy cao hơn hậu vệ Bồ Đào Nha 10cm, đánh đầu tung lưới thủ môn Ricardo.
Thảm họa! Cả nước Bồ Đào Nha chết lặng. Còn Ronaldo, khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc đã gục xuống sân và khóc như mưa như gió. Niềm tin lớn quá mà cũng mong manh quá. "Cơn địa chấn Hy Lạp" đã nhấn chìm "Sóng thần trên bán đảo Iberia".
Hôm đó, tôi không giấu tâm trạng mình là đã cùng khóc với Ronaldo. Tôi đã bỏ bài thơ (không làm tiếp nữa) và đi lang thang dọc sông Kim Ngưu. Các thiên thần Hy Lạp đã dạy cho những yêu bóng đá một bài học: Khi bóng chưa ngừng lăn thì chớ vội "đếm chim trên ná, chia cá dưới hồ".
Nếu lùi lại 8 năm, năm 2016, EURO lần thứ 15 trên đất Pháp, khán giả lại tiếp tục chứng kiến những giọt nước mắt Ronaldo rơi trên sân cỏ Paris. Vòng bảng, Bồ Đào Nha phải chật vật lắm mới được lọt vào danh sách 3 đội nhận vé vớt vào vòng 1/8. Thế nhưng, càng vào sâu "màu bã trầu" càng đậm nét. Đội của Ronaldo lần lượt vượt qua Croatia (1/8), Ba Lan (tứ kết), xứ Wales (bán kết) để vào chung kết gặp chủ nhà Pháp. Nhưng cơ hội được đá trọn vẹn trận tranh tài lịch sử này bị dập tắt khi vào phút 24, sau va chạm với cầu thủ Pháp D. Payet, Ronaldo phải rời sân trong đau đớn. Hình ảnh CR7 nước mắt giàn giụa (đến nỗi có con ong đậu vào mắt cũng không thèm đuổi) làm người xem nao lòng.
Khập khiễng rời sân nhưng Ronaldo vẫn nán lại trên băng ghế dự bị, vào vai "HLV thứ hai". Anh chạy đôn chạy đáo dọc biên, hò hét động viên anh em. Trận đấu phải vào hai hiệp phụ, và khi Éder, cầu thủ trẻ mới vào sân ghi bàn thắng quyết định, Bồ Đào Nha vô địch và người ta mới thấy nụ cười hân hoan của Ronaldo trên khuôn mặt nước mắt đã khô dần.
EURO 2024 này, Ronaldo già hơn và đã trưởng thành hơn. 39 tuổi, Ronaldo vẫn còn sung sức. Đá cả 3 trận vòng bảng, anh thực sự đang là đội trưởng và là "thủ lĩnh tinh thần" cho đội Bồ Đào Nha. Đã qua cái tuổi trẻ trung, xốc nổi, bồng bột, qua các trận vòng bảng, ta thấy một Ronaldo đá bao sân, điềm tĩnh và từng trải. Đường chuyền dọn cỗ cho B. Fernandes (trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ, 22/6) cho thấy anh thực sự bỏ qua "cái tôi" để hướng tới cái chung đồng đội. Hình ảnh sau đó, cả đội quân "bã trầu" chạy tới ôm thủ lĩnh của mình với niềm hân hoan vô bờ rõ ràng là một hình ảnh đẹp, rất đáng ngưỡng mộ của Giải Vô địch châu Âu trên đất Đức lần này.
Quay đi quay lại, giọt nước mắt Ronaldo năm xưa đã qua 5 kì EURO lịch sử. Sự kiện này, từ sự "hồi tưởng và kết nối thời gian", ta nhận ra bao điều đáng suy ngẫm từ "thông điệp trái bóng tròn":
Giọt nước mắt năm xưa đã tròn hai thập kỉ
Ronaldo năm nay giờ đã khác ngày nào
Anh chỉ cách một bước nữa thôi là thực sự trở thành vĩ đại
Một ngôi sao giữa bầu trời sáng ngàn vạn ngôi sao.