Nghệ sĩ với EURO - Đạo diễn Hoàng Duẩn: "Sân bóng cũng là sân khấu của các cầu thủ"
Ngày 28/6 vừa qua, Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đã phát sóng vở hài kịch Đu theo trái bóng (kịch bản - đạo diễn: Hoàng Duẩn), ngay khi EURO 2024 bước vào giai đoạn nóng bỏng. Vở này thuộc chuỗi chương trình sân khấu mang tính thời sự Chuyện 4 mùa của HTV.
Hoàng Duẩn cho biết anh được HTV đặt hàng cách đây chừng 2 tháng, vì nhà đài hướng đến các sự kiện bóng đá trên thế giới diễn ra trong tháng 6 - 7. Ê-kíp đã sớm họp bàn chi tiết và đưa vào dàn dựng, sản xuất.
* Anh và ê-kíp đã mất bao lâu để ý tưởng này thành hình hài?
- Thời gian hình thành ý tưởng khoảng 10 ngày, sau đó chúng tôi suy nghĩ kết cấu, bố cục, tuyến nhân vật, sự kiện và triển khai viết kịch bản chi tiết với đầy đủ lời thoại. Sau khi mời nghệ sĩ tham gia, tập luyện, làm việc với họa sĩ, phục trang, đạo cụ và các bộ phận khác thì tiến hành ghi hình, phát sóng kịp lúc giải đấu bắt đầu nóng lên.
* Điều gì là khó khăn với anh khi viết và dàn dựng vở này?
- Đó là làm sao trong thời lượng ngắn nhưng phải đủ ý, vừa vui, nhưng lại vừa mang được những thông điệp ý nghĩa cho người xem. Thời gian viết, dựng, phát sóng cũng sát với thời gian diễn ra của EURO 2024, Copa America 2024…nên ê-kíp phải tập trung cao độ.
Theo ý kiến chỉ đạo là vấn đề đưa ra trong vở nhẹ nhàng, không đao to búa lớn, nhưng lại "kêu gọi mọi người xem bóng đá lành mạnh, không cá độ, không phá sức khỏe, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống". Nhận biết ranh giới giữa giải trí và tuyên truyền luật pháp, cỗ vũ động viên bà con khán giả khi xem bóng đá, làm sao vừa nhẹ nhàng vừa mang lại bài học ý nghĩa, thì người nghệ sĩ cần có "độ nhạy" nhất định. Những từ ngữ, tiếng lóng mà dân cá độ thường dùng hàng ngày cũng là một vấn đề mà ê-kíp phải tiếp cận, tìm hiểu sao cho nó thực nhất có thể.
* Với riêng anh, bóng đá có để lại ấn tượng hay kỷ niệm gì đáng nhớ không?
- Hồi còn nhỏ ở tỉnh Quảng Ngãi, những đứa trẻ chăn bò chúng tôi chia ra hai đội và đá với nhau trên nghĩa địa "Đồng Bến Sứ" ở làng Sung Tích, Tịnh Long. Trái bóng được làm bằng những bịch ni lông cũ cuộn tròn, lấy dây chuối quấn xung quanh thành một cục cứng ngắc. Nhớ trận đó, thấy đội mình thua quá tôi đề nghị để tôi làm thủ môn cho. Và kết quả có cậu kia đá quá mạnh, chụp không kịp nên cái "cục cứng ngắc kia" bay thẳng vô tim và tôi ngã xuống bất tỉnh một lát… Nhớ đời, lần sau có tham gia đá bóng thì thôi không làm thủ môn nữa.
Sau này có dịp làm tổng đạo diễn lễ trao giải Quả bóng vàng một vài năm, trong đó có kỷ niệm 20 năm quả bóng vàng Việt Nam, tôi thấy tài năng của các cầu thủ, nhất là thủ môn, được tôn vinh trong giải thưởng là điều đúng đắn.
"Cầu thủ khi ra sân thì họ sẽ bay bổng với "vai" mình được giao, ai đứng đâu, vị trí nào, tấn công phòng thủ ra sao đều theo kịch bản của đạo diễn là "huấn luyện viên" đưa ra" - Hoàng Duẩn.
* Vậy khi còn ở tỉnh Quảng Ngãi, khoảng những năm nào thì quê anh có tivi đen trắng và có điện? Khoảng năm nào thì anh được xem một trận EURO trên tivi?
- Không còn nhớ nổi trận nào là trận EURO đầu tiên được xem trên tivi. Chỉ biết là thời đó nhà tôi có cái tivi là cả xóm kéo tới coi chung. Chỉ nhớ khoảng 1984 hoặc 1988 gì đó, thời mà có Michel Platini, Marco van Basten (cầu thủ như nghệ sĩ), cầu thủ có mái tóc lò xo Ruud Gullit…
Thời đó, ba tôi và các anh em tôi là những fan cứng của bóng đá, nhất là EURO và giải World Cup. Khi thức khuya coi bóng đá, tôi tranh thủ rút rơm cho mấy con bò ăn dặm để sáng ra nó có sức đi cày. Rút rơm phải dùng sức, tôi cũng đỡ buồn ngủ. Thức khuya là vậy, nhưng sáng ba tôi vẫn đi làm sớm bình thường, rất nể ba ở chuyện này.
* Nhiều người có cái thú tối xem bóng đá, sáng tìm đọc báo và các bình luận, kiểu như ra sân khấu xem kịch xong, rồi chờ các bài phê bình để đọc thêm cho nó đã. Anh nghĩ sao về cái thú này?
- Cái thú này thật tuyệt vời.
Thật ra là xem bóng đá mà xem một mình cũng không vui, xem xong không bàn luận thì xem bóng đá trở nên vô vị.
Các nhà bình luận, các nhà báo viết về lĩnh vực bóng đá họ rành luật và chuyên môn, mình nghe phân tích thì thấy hay và cũng nâng tầm hiểu biết của mình về bóng đá.
Xem kịch hoặc các vở diễn sân khấu cũng vậy, vai trò của các cây bút lý luận, phê bình là rất quan trọng đối với khán giả và những người làm sân khấu. Tuy nhiên cũng phải nói rõ là cần những cây bút hiểu biết sâu về lĩnh vực, có trải nghiệm về lĩnh vực chuyên môn, chứ không phải kiểu võ đoán, ăn theo, nói chung chung.
* Dù rất khác biệt, nhưng anh có nghĩ giữa sân khấu và bóng đá có một điểm chung nào không?
- Thật ra là sân bóng cũng là sân khấu của các cầu thủ. Cầu thủ là diễn viên, là nghệ sĩ, đạo diễn giống như huấn luyện viên. Cầu thủ khi ra sân thì họ sẽ bay bổng với "vai" mình được giao, ai đứng đâu, vị trí nào, tấn công phòng thủ ra sao đều theo kịch bản của đạo diễn là "huấn luyện viên" đưa ra.
Cầu thủ ra sân, cũng như nghệ sĩ, nếu họ tìm được cảm giác, cảm xúc từ trận đấu, nhất là sự cổ vũ từ những khán giả thì họ sẽ thăng hoa hơn trong đôi chân của mình. Nghệ sĩ cũng vậy, đêm đó lên sàn diễn mà khán giả vỗ tay nhiều, ủng hộ nhiều… họ sẽ diễn hay hơn bình thường, thăng hoa hơn những lần khác.
Điểm chung của họ ở đây chính là tâm hồn, sự cống hiến vì khán giả, họ thăng hoa là bởi khán giả và họ phải làm theo "kịch bản" của đạo diễn hay huấn luyện viên. Đạo diễn hoặc huấn luyện viên là "phù thủy", là người nắm bắt được và giải quyết được những vấn đề trên sân khấu hoặc trên sân bóng. Tùy theo tình hình thực tiễn mà họ có thể điều chỉnh sau mỗi trận, mỗi đêm diễn…
* EURO 2024 đang vào bán kết, anh có nhắn gửi gì với khán giả không?
- Chúc khán giả có một mùa EURO thật an lành, tài sản và sức khỏe không bị hao hụt sau mỗi trận đấu hoặc sau khi kết thúc mùa giải.
* Cảm ơn anh!
30 năm dựng kịch
Tiến sĩ - đạo diễn Hoàng Duẩn hiện là Phó trưởng Khoa quản lý văn hóa - nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
Từ năm 1994 đến nay, đều đặn viết kịch bản, dàn dựng, đạo diễn kịch nói, cải lương, múa rối, các chương trình thiếu nhi, truyền hình trực tiếp… cho HTV. Anh có 11 năm công tác tại Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM (nay là Nhà hát Phương Nam), 10 năm công tác tại Nhà hát Kịch thành phố… Đoạt nhiều huy hương Vàng và Bạc tại các liên hoan sân khấu toàn quốc.
Các vở kịch đáng chú ý: Đám cưới thời @, Niềm tin bị đánh cắp, Chuyện tin thì linh, Mẹ là tất cả, Nữ tỷ phú tìm cha, Chim nói tiếng người, Thần tượng… tượng thần, Đâu có giặc là ta cứ đi, Tiếng súng, Chuyện không tin cũng linh… Hiện vở Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang chín án tử (2024) đang sốt vé tại sân khấu IDECAF.
Anh còn là tác giả kịch bản các phim Đẻ mướn (chuyển thể từ kịch bản kịch nói của Hoàng Duẩn), Cali mùa hoa vàng (35 tập), Sóng đời (35 tập), Bão (35 tập)…