Nghệ sĩ violin Nguyễn Hữu Nguyên: 'Mùa Xuân cuộc đời' bắt đầu từ Paris
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, nghệ sĩ violin tài năng Nguyễn Hữu Nguyên, cây violin solo số 3 trong Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp đã tranh thủ thời gian giữa lịch lưu diễn dày đặc tại châu Âu để trở về nước biểu diễn trong đêm nhạc Nguyễn Hữu Nguyên và những người bạn.
- Nghệ sĩ violin Anh Tú trình diễn những tuyệt phẩm Bolero trong 'Một đời, Một kiếp yêu em'
- Nghệ sĩ violin Hoàng Rob ra mắt DVD định dạng USB đầu tiên tại Việt Nam
“Những người bạn” cùng hòa điệu với Nguyễn Hữu Nguyên trong đêm nhạc vào tối 3/2 vừa qua đều là những nghệ sĩ tài năng đã tốt nghiệp các trường đào tạo âm nhạc danh tiếng trên khắp thế giới: bộ đôi NSND Trần Thị Mơ và Ngô Hoàng Quân, nghệ sĩ piano Nguyễn Thu Hiền, cây violin Lê Minh Hiền…
Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Đó là cái hay của âm nhạc, một thứ ngôn ngữ toàn cầu. Chúng tôi trưởng thành ở những môi trường âm nhạc khác nhau, nhưng khi mở bản nhạc ra thì ngay lập tức đồng điệu về ngôn ngữ. Và điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là lại một lần nữa được truyền tải thứ ngôn ngữ ấy tại chính quê hương mình”.
*Đã gần 20 năm kể từ khi anh bắt đầu tham gia Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp. Và trong khoảng thời gian đó cũng không ít lần anh về nước biểu diễn. Có gì khác nhau về trải nghiệm khi biểu diễn tại Việt Nam và Pháp?
- Tôi may mắn được làm việc tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp. Đó là một điều kiện làm nghề tốt, chuẩn mực, 3 năm gần đây được luyện tập hàng tuần ở phòng hòa nhạc mới xây dựng rất lý tưởng. Nhưng dù sao mỗi lần về nước chơi đàn chung với bạn bè, anh em đồng nghiệp Việt Nam vẫn thấy thú vị hơn dù điều kiện không được chuẩn mực như ở Paris.
*Cụ thể, điều kiện tại Việt Nam không được chuẩn mực như ở Pháp thể hiện qua những điểm nào?
- Thứ nhất, các nhạc cụ của Việt Nam không tốt bằng nước ngoài. Thứ hai là chúng ta thiếu cả không gian tập luyện lẫn không gian biểu diễn. Mặc dù Nhà hát TP.HCM và Nhà hát Lớn Hà Nội đều rất đẹp nhưng xét về mặt âm thanh lại không chuẩn mực bằng những khán phòng tại Pháp hay ở một số nước khác trên thế giới.
Và đặc biệt, lương bổng của anh em nghệ sĩ tại Việt Nam theo tôi thấy chủ yếu chỉ mang tính chất tượng trưng. Các nghệ sĩ làm nghệ thuật vì yêu nghề chứ tôi được biết họ cũng phải làm thêm việc ở ngoài để kiếm sống. Điểm này khác với bên Pháp, một khi đã vào được dàn nhạc thì nghiễm nghiên các nghệ sĩ sẽ có đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống, yên tâm biểu diễn mà không phải lo “miếng cơm manh áo”.
* Một thực tế tại Việt Nam là đối tượng đi nghe nhạc giao hưởng chủ yếu là người lớn tuổi. Còn tại Pháp hay các nước anh đã từng đến lưu diễn thì đối tượng có khác không?
- Nhạc giao hưởng ở đâu cũng vậy. Mỗi thể loại nhạc có một đối tượng khán giả riêng. Để thưởng thức và thẩm thấu trọn vẹn nhạc giao hưởng cần có trình độ hiểu biết nhất định về nghệ thuật. Bởi nhạc giao hưởng có mối liên hệ chặt chẽ đến các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, văn học… Do đó không ngạc nhiên khi nó không có nhiều sức hút với giới trẻ.
Tuy nhiên, giới trẻ lại là lớp khán giả của tương lai, do đó cũng cần có biện pháp hợp lý để giới thiệu về nhạc giao hưởng đến với lớp khán giả này.
Ví dụ tại Pháp, chúng tôi thường xuyên có các chương trình giao lưu với các bạn sinh viên, học sinh, đem nhạc cụ đến các trường học để nâng cao hiểu biết của các em về những bản nhạc giao hưởng, cổ điển. Sau đó thỉnh thoảng lại mời các bạn sinh viên, học sinh đến nghe một buổi tập để hy vọng năm này qua tháng nọ, các bạn sẽ quan tâm nhiều hơn đến nhạc giao hưởng.
*Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Lòng tốt ở xứ người Nguyễn Hữu Nguyên tự nhận, thành quả anh có được ngày hôm nay đến nhiều từ may mắn và những tấm lòng hảo tâm. Anh bắt đầu theo học Nhạc viện TP.HCM từ năm 14 tuổi và giành giải quán quân của nhiều cuộc thi âm nhạc quốc gia. Bước ngoặt đưa Nguyễn Hữu Nguyên đến học tập tại Pháp đến vào năm 1991, khi nhạc sĩ nổi tiếng Maurice Bourgue phát hiện tài năng của anh và đứng ra bảo lãnh để anh được sang Pháp học. “Hồi mới đến Paris tôi thường xuyên phải làm thêm, kéo đàn tại các góc phố hoặc ga tàu điện ngầm. May mắn thay, một người Pháp nhìn thấy tôi như vậy nên đã giới thiệu tôi cho một hội từ thiện” - anh nói. Cũng nhờ đó mà Nguyễn Hữu Nguyên tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Boulogne và sau đó theo học Nhạc viện Quốc gia Paris, giành chiến thắng tại nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế. Đến năm 1999, anh thi tuyển và đậu vào Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp. Bước ngoặt mùa Xuân cuộc đời của anh cũng bắt đầu từ nơi đây. |
Hà My (thực hiện)