Nghệ sĩ Trí Quang: 'Tôi muốn sống cuộc đời một cư sĩ'
(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ Trí Quang nổi tiếng từ sớm và dạo gần đây vắng bóng khá lâu trên màn ảnh truyền hình. Thế rồi vào đầu năm 2021, anh tái xuất tại Kịch Hoàng Thái Thanh qua nhân vật tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở kịch cùng tên.
Đây là một vai diễn rất ấn tượng, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình nghệ thuật của anh. Dẫu vậy, lựa chọn của Trí Quang hiện giờ là hoạt động nghệ thuật một cách lặng lẽ, thiên về chất chứ, không cần số lượng vai diễn. Còn về tương lai, anh muốn nương tựa cửa Phật, trở thành một cư sĩ tại gia.
Trí Quang sinh năm 1978 tại TP.HCM, có tên đầy đủ là Võ Ngọc Thi, một cử nhân kinh tế. Riêng lĩnh vực phim, Trí Quang từng gây ấn tượng với nhiều phim như Bến sông trăng, Hướng nghiệp, Ngã rẽ cuộc đời, Trả giá, Tường vi cánh mỏng, Nhịp đập trái tim, Long xích lô, Duyên nợ miền Tây, Vết sẹo, Dặm đường công lý... Ở lĩnh vực kịch nói, Trí Quang đã có nhiều vai diễn ấn tượng.
Vừa đi học vừa bán cơm bình dân
Trí Quang là con thứ 12 của một gia đình nghèo tại Củ Chi, TP.HCM. Trong dòng họ không ai theo nghệ thuật, nhưng từ nhỏ cậu bé Thi đã mơ ước mình có cơ hội được đứng trên sân khấu trình diễn cải lương giống như thần tượng Vũ Linh, hoặc được đóng phim như nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín. Năm lên 9 tuổi, mẹ mất vì bệnh tật, kể từ đó Thi sống với cha, dù nhận được sự quan tâm của anh chị, nhưng vì ai cũng nghèo, nên gần như phải tự lo mọi việc.
Ít năm sau, cha qua đời, Thi mồ côi cả cha lẫn mẹ ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Hụt hẫng và hoang mang như gà con lạc bầy, nhưng Võ Ngọc Thi phải tự động viên mình phải cố gắng vượt qua. Trong những lần các nhà sư đến tụng kinh cầu siêu cho cha và mẹ, một vị đã thực hiện lễ quy y cho Thi sau đó, đặt pháp danh là Trí Quang.
Ngay sau khi cha mất, một người anh về ở cùng Thi trong mái nhà đơn sơ, dột nát mà cha mẹ để lại. Dù được anh chị thương yêu, nhưng vì cảnh nghèo nên Võ Ngọc Thi vừa đi học vừa bán cơm bình dân phụ chị ruột, vừa làm nhiều công việc không tên khác. Đành gác lại giấc mơ nghệ thuật để thi vào trường kinh tế với khát vọng kiếm tiền thay đổi hoàn cảnh nghèo khó.
Sau khi tốt nghiệp, Võ Ngọc Thi được một người anh rể nhận về làm việc cho công ty gia đình trong vai trò kế toán. Làm được vài năm, Võ Ngọc Thi xin anh chị cho thôi việc để quay trở lại với đam mê từ nhỏ.
Từng bị điện ảnh loại từ “vòng giữ xe”
Vào một ngày đẹp trời của những năm đầu thập niên 1990, Võ Ngọc Thi âm thầm đăng ký dự thi người mẫu do Cung văn hóa Lao động tổ chức và đoạt giải nhất. Cơ may này đã đưa Võ Ngọc Thi vào con đường người mẫu chuyên nghiệp tại câu lạc bộ người mẫu Hoa học đường. Lúc này, Thi lấy pháp danh Trí Quang làm nghệ danh.
Người mẫu chỉ là bước chạm ngõ nghệ thuật, nên ngay sau đó Trí Quang đăng ký thi triển vọng điện ảnh, nhưng bị loại ngay từ vòng ngoài. Không nản chí, anh tham gia đóng minh họa cho nhiều ca sĩ cũng như băng đĩa karaoke, để được đến gần hơn với màn ảnh.
Chính đạo diễn Đỗ Phú Hải mở ra cơ hội phim ảnh cho Trí Quang, khi tuyển diễn viên cho phim Bến sông trăng. Trí Quang được chọn vào vai thứ chính, được diễn chung với thần tượng Nguyễn Chánh Tín. Từ phim này và phim Hướng nghiệp, Trí Quang đã dần dần có được vị thế của mình trong lòng khán giả.
Được đóng hàng loạt vai chính trong suốt 20 năm hoạt động nghệ thuật, Trí Quang có cả tiền tài lẫn danh tiếng. Dù vậy, anh sống cần kiệm và tránh xa những cuộc chơi phù phiếm, bởi từ lâu, anh tâm niệm sẽ giúp đỡ cho các anh chị còn nghèo. Quan trọng hơn là anh muốn xây dựng lại ngôi nhà cũ của cha mẹ, một không gian đầy kỷ niệm của tuổi thơ và gia đình.
Muốn trở thành một cư sĩ
Trí Quang có một nickname là Vô Thường. Anh lý giải rằng khi chiếu lại tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời, anh thấy kiếp người rất phù du. Vậy nên, dù sống trong giới giải trí, showbiz, nhưng anh không bị sự hào nhoáng của nó cuốn đi. Làm nghề chăm chỉ, có trách nhiệm, nhưng bỏ bớt các tham vọng, ganh đua.
Gần đây, khán giả ít thấy Trí Quang xuất hiện trong các phim mới, càng không tham gia các trò chơi truyền hình. Trí Quang cho rằng mình đã quá nhiều vai na ná nhau về tính cách, nên bị mất đi cảm xúc làm nghề. Anh đã nhẹ nhàng từ chối những vai diễn lặp lại, chăm chút cho các vai có sắc thái mới mẻ.
Thay vào đó, Trí Quang dành nhiều thời gian cho sân khấu kịch, cụ thể là Kịch Hoàng Thái Thanh. Nhiều vở kịch phải học thoại và tập cả tháng trời, nói chung rất vất vả, nhưng khi được đứng gần với khán giả, chia sẻ cảm xúc cùng họ, thấy rất hạnh phúc. Khán giả ít, tiền lương rất thấp, nếu phải so với phim ảnh, nhưng Trí Quang thấy có ý nghĩa với nghề.
Từ một cái duyên rất tình cờ, Trí Quang đến vùng đất Phú Yên, gắn bó với nơi này bằng một công việc mới, với hy vọng nó sẽ cho anh cơ hội thực hiện được ước muốn đời mình. Anh chia sẻ: “Tôi cố gắng làm lụng và tích lũy, vì muốn chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của anh chị em trong gia đình. Đến một lúc nào đó, có thể tôi sẽ xây cho mình một chốn riêng, ở nơi đó, tôi muốn sống cuộc đời một cư sĩ. Tôi nghĩ đó mới là chốn bình yên thực sự của đời mình”.
Nguyễn Huy