Nghệ sĩ Trần Ly Ly: Đặc biệt say mê múa khỏa thân
(Thethaovanhoa.vn) - Trần Ly Ly vừa khép lại dự án Yes yes, no no - Lạc giới mà chị đã dành hoàn toàn tâm sức để sáng tác và dàn dựng trong mấy tháng. Trở lại cuộc sống thường nhật với công việc quản lý của một Phó Hiệu trưởng Trường múa TP.HCM, Trần Ly Ly vẫn ấp ủ nhiều dự định khác, trong đó có một dự định mà cô biết sẽ khó mà thành hiện thực: Múa khỏa thân.
- Trần Ly Ly: 'Dùng cát-sê giám khảo để dựng 'Yes Yes No No'
- Trần Ly Ly làm giám khảo ‘Got to Dance 2013’
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Trần Ly Ly.
* Tại sao chị cứ nghĩ về múa khỏa thân, một việc mà chị biết chắc chắn sẽ không thể làm ở Việt Nam?
- Tôi luôn luôn có ý làm múa khoả thân vì quan điểm của tôi: con người là thứ đẹp nhất của tạo hóa. Ở thời kỳ nào con người cũng có cái đẹp riêng. Trẻ, trung niên, già, sự chảy sệ của cơ bắp, sự nhăn nheo của cơ mặt... đều có vẻ đẹp và giá trị riêng.
Người gầy có vẻ đẹp của sự gầy, người béo có vẻ đẹp của sự béo, người không có ngực hay người ngực đầy đặn đều có những vẻ đẹp riêng. Thế giới có mấy tỷ người nhưng không ai có bộ gene giống hệt nhau thì trong một khoảng sân khấu nhỏ thôi đã đủ kiểu người hoàn toàn khác nhau với đủ kiểu đẹp rồi. Đó là lý do vì sao tôi say mê múa khỏa thân.
Nghệ sĩ Trần Ly Ly
* Tư duy về múa chị có được sau nhiều năm học tập ở châu Âu có phải là một trong những lý do khiến múa khỏa thân luôn ám ảnh chị? Chị thích nghệ thuật múa của quốc gia nào nhất?
- Tôi xem múa khỏa thân ở nhiều nơi, bởi hầu hết các quốc gia ở châu Âu đều có bộ môn này. Nhưng tôi thích múa của Đức nhất. Những vở diễn của họ thường dài khoảng 75 phút, có vở đến hơn 2 tiếng. Và chúng thường thôi miên khán giả ngay từ khi vở diễn bắt đầu đến tận lúc kết thúc.
Cách các diễn viên cởi đồ ra, mặc đồ vào đều rất thú vị và nó thực sự là môn nghệ thuật đỉnh cao. Những nghệ sĩ, công ty múa đẳng cấp họ thường làm múa khỏa thân. C de la B - đoàn múa của Bỉ đã từng đến Việt Nam biểu diễn - cũng có nhiều vở khỏa thân, bán khỏa thân rất hay.
* Nghệ thuật đỉnh cao cũng cần cả khán giả có nền tảng ở mức đỉnh cao để có thể thưởng thức...
- Đúng thế. Những quốc gia tồn tại múa khỏa thân thì đều ở mức độ văn minh nhất định nào đó. Khán giả ở đó phải có nền tảng để nhận thức được mục đích của việc cởi hay mặc trong các vở múa. Điều này cũng giống như ta nói về sự ngẫu hứng khi làm bất cứ gì. Người có nền tảng kiến thức vững chắc thì mới có thể ngẫu hứng ra những thứ hay, thú vị.
Sự ngẫu hứng đó dù có gọi là hoàn toàn tự do thì thật ra nó cũng nằm trong nền tảng kiến thức mà người ta đã tiếp nhận trong quá khứ. Ví dụ như nghệ sĩ nhạc jazz, họ ngẫu hứng nhưng là cái ngẫu hứng của kẻ đã thẩm thấu những kiến thức cơ bản về âm nhạc, về cách chơi nhạc cụ và khi đạt đến đẳng cấp nhất định mới có thể ngẫu hứng như jazz. Với múa cũng như vậy.
* Nói như vậy cũng có nghĩa là khán giả Việt Nam đa phần chưa thể thưởng thức múa khỏa thân?
- Thật ra khán giả Việt Nam cũng đã có nhiều dịp xem múa bán khỏa thân rồi, tuy diễn viên mới chỉ là nam. Vở Yes yes, no no của tôi cũng được xem là bán khỏa thân với phần múa của những diễn viên nam.
Tôi nghĩ ở Việt Nam đã có nhóm khán giả, tuy rất nhỏ, có thể tiếp cận bộ môn này. Tôi thấy ở họ nhu cầu xem những tác phẩm nghệ thuật thật ám ảnh, họ không đòi hỏi phải hay mới xem mà chỉ đơn giản họ muốn xem những thứ “nặng đô”, khác biệt. Họ hoàn toàn là người bình thường, là công chúng chứ không phải là những nghệ sĩ múa trong giới với nhau đâu.
Tôi nghĩ các nghệ sĩ cần phải gây dựng nhiều tác phẩm như vậy để nhóm khán giả ấy “nở” ra. Tôi rất mong những người ở một đẳng cấp nào đó sẽ tìm đến được những sản phẩm đẳng cấp để xem.
* Vậy theo chị, “kiểm duyệt” có phải là vấn đề của nghệ thuật múa khỏa thân?
- Kiểm duyệt là rất cần thiết với xã hội mình. Tuy đó là một rào cản, một ranh giới nhưng tôi cũng tin tưởng rằng dần dần, với sự phát triển về tư duy của nhóm khán giả như tôi vừa nói ở trên, Việt Nam sẽ có những tác phẩm nghệ thuật thực thụ bước qua được rào cản.
* Cảm ơn chị!
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa