Nghệ sĩ saxophone Lê Duy Mạnh: "Cô đơn" mà không một mình
Với việc ra mắt bộ đĩa than (LP) và CD Cô đơn, Lê Duy Mạnh chính thức trở thành nghệ sĩ saxophone đầu tiên của Việt Nam sản xuất và phát hành đĩa đơn định dạng LP.
Bộ sản phẩm có 8 bài nằm trong đĩa LP và 10 bài nằm trong đĩa CD. Đây có lẽ là thông tin đáng chú ý nhất trong một tuần có vẻ như im ắng của nhạc Việt đại chúng.
Chơi sang!
Tôi nói vui như vậy khi Mạnh tìm tới chia sẻ về dự án đặc biệt này. Sang ở đây theo đúng nghĩa đen. Lý do: Dù đĩa than (LP) hồi sinh trong những năm gần đây, trong giới âm nhạc đại chúng chỉ có các ca sĩ mới dám đầu tư cho sản phẩm này. Còn lại, giới nhạc sĩ cũng có - nhưng hầu như là sự đầu tư từ các hãng sản xuất phát hành băng đĩa nhạc hoặc gia đình các nhạc sĩ. Phần nhiều trong số đó cũng là để kỷ niệm hoặc đầu tư, nhưng chịu phần lỗ.
Bởi lẽ, giá thành đầu tư với sản phẩm đĩa LP không nhỏ. Thêm nữa, hiện nay Việt Nam chưa tự sản xuất đĩa LP mà chủ yếu sản xuất ở nước ngoài, nên giá thành gốc cho một sản phẩm hoàn thiện cũng vì thế mà đắt hơn bình thường.
Đĩa nhạc của Lê Duy Mạnh được ra đời trong sự kết hợp có thể ví von vui là "quốc tế hóa". Toàn bộ các nghệ sĩ tham gia trong đĩa là người Việt Nam, việc thu âm cũng tại Việt Nam, mix và master cũng tại Việt Nam; trong khi sản phẩm dành cho giới chơi âm thanh thì được Kiên Ninh Studio analog summing, một dạng kỹ thuật để sản phẩm tương thích với âm thanh analog theo nhu cầu của giới chơi âm thanh. Sau đó, sản phẩm này được gửi sang Mỹ, đến hãng đĩa nổi tiếng Serling Sound để mastering (ra bản gốc trước khi đi sản xuất). Cuối cùng mới gửi qua Nhật Bản để cắt đĩa và in ấn thành phẩm.
Cuộc chơi sang với âm nhạc của Lê Duy Mạnh sẽ khó thành hiện thực hơn nếu không có sự đồng hành dốc sức lực và cả hầu bao của bà xã Trang Lê.
Trong buổi giới thiệu sản phẩm mới này, Trang Lê nói rất tự tin và lạc quan rằng đó là hạnh phúc và sản phẩm đến với công chúng sẽ thu hồi vốn dần dần. "Quả thật, hạnh phúc là đúng, nhưng thu hồi vốn thì khó lắm anh ạ nhưng vẫn quyết tâm làm vì đam mê" - như lời Trang Lê nói nhỏ với tôi.
Đúng là Lê Duy Mạnh hạnh phúc khi có người bạn đời như vậy. Nhưng chừng đó chưa đủ biến mong ước của anh thành hiện thực. Trong lúc còn bối rối tìm hướng đi, anh lại có được sự đồng hành từ Trần Đức, một người anh đồng thời cũng là một dân chơi âm thanh có uy tín ở Hà Nội. Ngoài vai trò là nhà phân phối cùng Audio Space (TP.HCM), Trần Đức's Store còn là đồng sản xuất bộ đĩa này với Lê Duy Mạnh.
Nhạc cũng sang
Lê Duy Mạnh chọn những bản nhạc xưa trữ tình, những tuyệt phẩm về tình yêu mà các nhạc sĩ tiền bối đã rút ruột tâm hồn để dâng hiến cho cuộc đời. Đó là những giai điệu trữ tình sâu lắng trong Cô đơn, Tình yêu đến trong giã từ của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9; là những giai điệu trữ tình lãng mạn trong Dư âm của Nguyễn Văn Tý, Bản tình ca cho em của Ngô Thụy Miên; những giai điệu trữ tình da diết trong Hoài cảm của Cung Tiến, Nỗi lòng người đi của Anh Bằng...
Không dùng bất cứ nhạc cụ điện tử nàođể âm thanh được thật nhất, xịn nhất, Lê Duy Mạnh hoàn toàn dùng các nhạc cụ chuẩn trong các quá trình thực hiện album Cô đơn. Cũng không lạm dùng quá nhiều nhạc cụ, Lê Duy Mạnh chỉ sử dụng piano (do Hà Lê và Nguyễn Hiền Đức đảm nhận), guitar (do Nguyễn Hữu Hiệp và Hoàng Xuân Tùng đảm nhận), contrabass (do Nguyễn Minh Đức đảm nhận) và drums (do Lê Việt Hùng đảm nhận).
Sở dĩ guitar và piano có 2 nghệ sĩ mỗi cây là bởi 1 người chơi phong cách trữ tình, 1 chơi phong cách jazz theo đúng thế mạnh và sở trường của từng tay đàn. Hơn nữa, ngoại trừ nữ nghệ sĩ Hà Lê, chủ yếu các nghệ sĩ còn lại đều là những nhạc sĩ, giảng viên Khoa Nhạc jazz cùng với Lê Duy Mạnh. Có lẽ đây cũng là một chi tiết thuận lợi cho việc luyện tập trong suốt quá trình thực hiện album.
Có một điều khá thú vị: Với bộ sản phẩm này, Lê Duy Mạnh cũng trực tiếp là người chọn phong cách âm nhạc, tác phẩm và hòa âm phối khí. Và với những nhạc phẩm quen thuộc, Lê Duy Mạnh đã thể hiện một số bản nhạc theo phong cách jazz, tạo nên những không gian âm nhạc mới lạ cho những giai điệu quen, đồng thời trong một số nhạc phẩm vẫn được thể hiện theo phong cách trữ tình nhằm cân bằng màu sắc âm nhạc và phù hợp với nhu cầu thưởng thức từ khán giả.
"Mạnh đã hòa âm phối khí lại, đưa vào một chút nhạc jazz để thay đổi phong cách. Mạnh không muốn khán giả nghe cả đĩa nhạc đều là những bài buồn, nên đã thay đổi một chút về tiết tấu, khung bài trong cách solo, để mọi người nghe thấy hơi hướng mới trong nhạc xưa. Với mỗi nhạc phẩm khán giả nghe sẽ cảm nhận được cá tính của từng nhạc cụ trong ban nhạc" - Lê Duy Mạnh chia sẻ.
Anh cho biết thêm, ở sản phẩm này, mình cố tình thể hiện âm thanh của tiếng kèn khò khè, chậm rãi, nghe như có hơi thở trong đó để người nghe cảm nhận rõ: "Đó là mục đích, là điều tôi muốn truyền tải qua hệ thống âm thanh audio mà người nghe sẽ nhận thấy".
Có thể nói, Cô đơn tạo cho người nghe một cảm giác nồng nàn, vẫn dành những chỗ nhất định để thể hiện kỹ thuật phiêu linh nhưng không quá phô trương các kỹ thuật khó của cây kèn sax. Thay vào đó, người nghe được đưa vào cảm xúc sâu lắng đôi khi pha chút ngẫu hứng, do vậy có thể hòa vào những giai điệu trữ tình, đôi lúc lại đung đưa theo những tiết tấu chứa đựng chất ngẫu hứng của jazz.
Việc chọn tác phẩm, thể hiện màu sắc âm nhạc cho album, thể hiện thế giới nội tâm qua tiếng kèn sax trong Cô đơn khiến Lê Duy Mạnh dễ tìm được sự đồng điệu từ khán giả. Đồng thời, cũng qua đây có thể nhận thấy Lê Duy Mạnh đang ở độ chín trong nghề.
"Cô đơn tạo cho người nghe một cảm giác nồng nàn, vẫn dành những chỗ nhất định để thể hiện kỹ thuật phiêu linh nhưng không quá phô trương các kỹ thuật khó của cây kèn sax" – nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Quang Long.
Nghệ sĩ thế giới
Lê Duy Mạnh vẫn được biết tới là nghệ sĩ saxophone có nhiều show diễn ở hải ngoại. Chẳng đâu xa, trên chính trang cá nhân của nam nghệ sĩ cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh những lần đi biểu diễn ở các nước châu Âu. Không những thế anh còn thực hiện MV Hello Việt Nam có những cảnh quay tại các địa điểm nổi tiếng ở Đức để đan xen kết hợp với những hình ảnh giới thiệu những địa danh du lịch đặc sắc nhất tại Việt Nam.
Nhưng những chuyến đi cũng đã tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Và cũng vì thế, Lê Duy Mạnh có khoảng thời gian lên tới 3 năm để dồn tâm huyết cho việc thực hiện sản phẩm đĩa LP và CD Cô đơn lần này.
Cũng như lần ra mắt sản phẩm trước, có nhiều anh chị em nghệ sĩ bạn bè của Lê Duy Mạnh tới tham dự, như nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Thiết Cương, diễn viên Quốc Tuấn cùng con trai, giọng ca thính phòng Phúc Tiệp, Sao Mai Trần Hồng Nhung, ca sĩ Trần Hữu Tuấn... Có những nghệ sĩ khách mời từ rất xa tới tham dự như đạo diễn Charlie Nguyễn (Pháp), họa sĩ Văn Dương Thành...
Đặc biệt, dù buổi họp báo trong khuôn khổ nhỏ nhưng đã có sự tham dự của nhiều Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, trong đó có ngài Hynek Kmonicek - Đại sứ Cộng hòa Séc; ngài Yerlan Baizhanov - Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan; bà Cristina Romila - Đại sứ Cộng hòa Romania. Có lẽ đây là lần đầu tiên một buổi gặp gỡ ra mắt sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt Nam thu hút nhiều Đại sứ đến tham dự như vậy.
Chưa hết, nghệ sĩ piano Julian Ochescu, người từng được mệnh danh là thần đồng âm nhạc Romania, cũng tới dự. Julian Ochescu đã chúc mừng Lê Duy Mạnh, mong muốn có một cơ hội hợp tác trong một dự án và đã góp vui khi thể hiện 2 tác phẩm dành tặng Lê Duy Mạnh cùng mọi người.
Một nghệ sĩ cống hiến không mệt mỏi cho âm nhạc theo cách của mình và đang không ngừng được đón nhận từ công chúng trong nước, kiều bào và những người bạn quốc tế. Lê Duy Mạnh đang ngày càng lan tỏa âm nhạc của mình và có xu hướng trở thành một nghệ sĩ quốc tế.
Ê-kíp thực hiện LP và CD "Cô đơn"
Hòa âm - Phối khí: Lê Duy Mạnh
Thu âm & mixing: Quang Ba
Phòng thu: Kiên Quyết Studio
Analog summing: Kiên Ninh
Mastering: Serling Sound
Thiết kế bìa: Phùng Khánh Vân
BAN NHẠC
Drums: Lê Việt Hùng
Piano: Hà Lê, Nguyễn Hiền Đức
Điểm 8,2