Nghệ sĩ Quang Phùng - người 'phản biện' bằng nhiếp ảnh
Sau gần 10 năm được ghi danh vào bảng vàng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) ở hạng mục Giải thưởng Lớn, mới đây nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đã được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.
Mẫu số chung của 2 cuộc vinh danh này dành cho nhà nhiếp Quang Phùng, suy cho cùng, đều bởi ông đã có những thành tích xuất sắc, đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đồng thời là tấm gương sáng có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Nguồn năng lượng tích cực
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng cho biết, ông rất xúc động và vinh dự khi nhận được những giải thưởng trong suốt cuộc đời làm “người lữ hành vượt thời gian ghi lại cuộc sống thường nhật Hà Nội”. Ông ví những sự vinh danh ấy như là phông nền, là nguồn khích lệ to lớn để ông trình diễn bộ môn nhiếp ảnh không biết mệt mỏi.
“Nhiều người bảo những giải thưởng mà tôi được ghi nhận chỉ là phù phiếm. Ấy thế nhưng đối với tôi thì những giải thưởng ấy lại mang lại giá trị tinh thần vô giá, để tôi tiếp tục chiến đấu. Chiến đấu với tuổi già, chiến đấu với bệnh tật, chiến đấu với những tiêu cực để mang lại một cái gì đó tốt đẹp cho mình, cho mọi người xung quanh” - nhà nhiếp ảnh Quang Phùng nói.
Ông kể, trước khi nhận giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái, nhiều người tưởng ông sẽ “gác máy”, tập trung cho công việc hệ thống lại kho ảnh hàng vạn tấm mà ông đã chụp trong suốt mấy chục năm, rồi xin tài trợ in thành sách, xong rồi nghỉ ngơi. Nhưng sau đó, Giải thưởng Lớn mà ông nhận được đã trở thành nguồn năng lượng tích cực, thôi thúc ông tiếp tục cầm máy, đều đặn ngày nào cũng như ngày nào rong ruổi khắp các con phố Hà Nội để chụp và chụp.
“Tôi chỉ tạm nghỉ khi dịch Covid-19 ập đến” -ông kể - “2 năm bệnh dịch phải ở nhà khiến tôi cảm thấy bức bối, hàng ngày đi ra đi vào nhìn chiếc máy ảnh mà thèm được ra phố vô cùng. Sau đó tôi cũng bị mắc Covid-19, hậu quả để lại là chân phải tôi bị phù lên, rất đau khiến cho việc đi lại rất khó khăn”.
“Bây giờ hết dịch rồi, nhưng chân tôi vẫn chưa khỏi. Nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc, vì không đi bộ được thì tôi gọi taxi, hoặc bắt xe ôm ra bờ hồ Hoàn Kiếm để chụp. Chỉ khác dăm năm trước là giờ đi chậm hơn, bộ não đã “chết” đi vài phần, nhưng góc nhìn và thao thác máy thì vẫn… ngon lành lắm”- ông hóm hỉnh.
Ngay cả tiền giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội trước đây hay tiền thưởng từ danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, tôi đều cho vào việc này (in ảnh, làm demo sách) hết cả. Nhưng chẳng thấm gì!” – NSNA Quang Phùng. |
Những “phản biện” độc đáo
Trong gia tài nhiếp ảnh của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng hiện có nhiều bộ ảnh lớn như: Hà Nội, 36 phố phường với 5.000 ảnh chọn lọc trong 20 năm; Ma túy tuổi học trò với 1.000 ảnh chọn lọc trong 10 năm; Hàng rong Hà Nội với 5.000 ảnh chọn lọc trong 15 năm; Nghị quyết Đảng đi vào đời sống với 500 ảnh chọn lọc trong 7 năm... Trước đó, ông đã biên soạn xong công trình để đời mang tên 101 câu chuyện về Hà Nội bằng ảnh, chỉ chờ có tiền hoặc xin được tài trợ sẽ xuất bản thành sách.
Thời điểm đến thăm nhà nhiếp ảnh Quang Phùng ngay sau khi ông được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, người viết thật vui khi được ông chiêu đãi “bữa tiệc bằng ảnh” gồm 10 tập mang tên Từng ảnh đôi kể chuyện.
Công trình này được ông biên tập từ kho ảnh tư liệu mà ông chụp trong nhiều năm. Mục đích của ông khi làm công trình này là mỗi 1 cặp ảnh sẽ cho thấy một góc nhìn phản biện của ông về cuộc sống xung quanh, diễn ra hàng ngày ở Thủ đô. Đó là hình ảnh một cô gái mặc quần sooc đang đứng cạnh một cây gỗ sưa đỏ vô cùng quý hiếm đã chết khô. Ông thuyết minh cho ảnh này một cách hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần sâu cay: “Bây giờ người ta chỉ quan tâm đến chân dài hơn là quan tâm đến một cây xanh”.
Hay, đó là bức chụp cận cảnh một bé gái hôn một chú chó, ông chua chát hỏi: “Không biết cháu này có hôn bố mẹ, người thân được như thế này không nhỉ?” Rồi ảnh ông chụp những em bé, những vị khách nước ngoài say mê, hào hứng chơi ô ăn quan - một trò chơi dân gian của Việt Nam. Ở đó, ông không quên nhắc nhở người viết: “Đừng đánh mất truyền thống. Đừng để sợi dây văn hóa, sợi dây truyền thống bị đứt. Không còn sợi dây văn hóa, không còn truyền thống thì không thể kết nối với thế giới, bởi người nước ngoài đến với chúng ta cũng chỉ vì cái ấy. Nó là thứ rất đáng quý, cần phải nâng niu, gìn giữ…”.
Thậm chí, có ảnh ông chụp một cành cây cong hình dấu hỏi mà phía hậu cảnh là tòa nhà VNPT Hà Nội. Ônghóm hỉnh bình luận: “Trước đây người ta hay nói, hẹn nhau ở Bưu điện Bờ hồ nhé. Vậy mà có lúc nói hẹn nhau ở VNPT Hà Nội, nghe nó thế nào ấy. Thế thì tôi chụp cái cành cây cong hình dấu hỏi ấy là muốn hỏi vì sao?”.
Còn nhiều cặp ảnh kể chuyện như thế trong tổng số 10 tập, mỗi tập 100 ảnh của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. Chúng đủ cho thấy Hà Nội có quá nhiều chuyện để kể, để biết, để mỗi người cùng lưu tâm, cùng nhau đóng góp tiếng nói, gợi ý cho thành phố thay đổi.
“Tôi còn nhiều ảnh phản biện lắm!” -ông khoe - “Tôi vẫn đang tự mình chọn và biên tập để in thành sách. Chỉ có điều là sức khỏe không tốt lắm nên làm hơi lâu. Định chọn một người nào đó có tâm và hiểu mình phụ giúp nhưng thấy không an tâm nên đành lọ mọ một mình vậy!
- Nghệ sĩ Quang Phùng: Người kể chuyện Hà Nội qua ảnh
- Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng: Mong sao 'chiếc lá cuối cùng' đừng vội rơi
- Gặp lại 'Giải thưởng Lớn' Quang Phùng: Hoàn thành lời hứa với Hà Nội
Vì sao lại cần một người có tâm? Ông giải thích, nếu không có tâm thì không làm được, vì việc này không có thù lao. Thứ nữa, nếu không có tâm, thậm chí có tầm, sẽ rất khó nhìn ra giá trị, những thông điệp ông muốn nói trong những bức ảnh. Và nếu không có tâm, ông không chắc có bảo vệ toàn vẹn những báu vật của mình không?!
Ngoài ra, điều mà ông trăn trở nhất chính là việc cho đến nay, ông đã biên tập được hàng chục tập ảnh, nhưng chưa tập nào được in thành sách vì không có kinh phí. Thành ra, tiếng nói bằng nhiếp ảnh của ông với mong muốn thiết tha và duy nhất là được lan tỏa, được đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, chưa biết bao giờ mới đến tay được đông đảo công chúng.
“Để in ảnh, mua album lồng ảnh làm demo hàng chục cuốn sách như thế này tôi thường phải lấy nó nuôi nó. Nghĩa là thi thoảng gửi đăng báo rồi lấy tiền nhuận bút chi trả cho công việc in ảnh, mua album, nhưng chẳng thấm vào đâu. Ngay cả tiền giải thưởng Bùi Xuân Pháitrước đây hay tiền danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú đều vào việc này hết cả. Nhưng chẳng thấm gì!”.
Vài nét về nhà nhiếp ảnh Quang Phùng Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng sinh năm 1932, tại Hà Đông, bố là tri phủ Hoài Đức, mẹ là thục nữ nức tiếng Hà thành, bán giấy mực ở phố Hàng Gai. Ông là một trong số ít các nhà nhiếp ảnh từng chụp các phóng sự ảnh về nữ tài tử Jane Fonda, ngôi sao điện ảnh Mỹ, khi bà thăm Hà Nội vào tháng 7/1972. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng có nhiều thành tích trong toàn bộ sự nghiệp ngoại giao, báo chí, nghệ thuật. Ông là người duy nhất được 4 huy chương sự nghiệp của 4 ngành: Huy chương vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc - Bộ Công an, Huy chương vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam - Bộ Ngoại giao, Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam - Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương VHNTVN, Huy chương vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam - Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Ngoài nhiếp ảnh ông còn là dịch giả văn học và từng có tác phẩm dịch Con đường sấm sét năm 1960. |
“Tôi năm nay đã 90 rồi. Nhiều lúc muốn dừng lại, muốn nghỉ ngơi. Nhưng sau giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái, giờ lại được tôn vinh là Công dân Thủ đô ưu tú thì nghỉ làm sao được. Lửa nghề lại được thắp lên, lại cháy hừng hực thế này mà nghỉ thì tôi thấy phụ lòng mọi người quá” - nhà nhiếp ảnh Quang Phùng nói vui. |
Phạm Huy