Nghệ sĩ Pháp Kenjah David: Những nơi mình đến đều là nhà!
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 3 năm “lạc lối” ở Việt Nam với những đêm nhạc mang nhiều phong cách, giọng ca kiêm guitarist tài năng Kenjah David đang dần trở thành một nghệ sĩ quen thuộc ở nhiều sân khấu. Không kể đến những đêm diễn trước đây, chương trình Glamour diễn ra tối 20/3 tại Viện Pháp Hà Nội mà anh là giọng ca chính cũng đã sắp… hết vé.
Trong cuộc trò chuyện với TT&VH, nam ca sĩ người Pháp cho biết anh đang ấp ủ nhiều dự định với thị trường âm nhạc tại Việt Nam trong tương lai gần.
Học cổ điển, theo đuổi worldmusic
* Như nhiều nghệ sĩ mà tôi biết, anh cũng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Nhưng điều gì khiến anh không lựa chọn trở thành một pianist mà lại là một nghệ sĩ bôn ba, lưu trú khắp thế giới?
- Gia đình chính là nơi mang đến nguồn cảm hứng nghệ thuật và nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ trong tôi từ thủa bé, cho tận đến khi tôi vào đại học. Mà không chỉ là bố mẹ, cả bà ngoại tôi cũng “gieo” vào tâm hồn tôi những giai điệu trữ tình Pháp. Ở tuổi 94, bà tôi thuộc hàng trăm ca khúc mà mọi người hay gọi là nhạc bolero. Bà hát cho tôi mỗi lúc có thể, thậm chí là qua cả điện thoại.
Tuy vậy, ngay từ thời niên thiếu tôi đã có tư tưởng “nổi dậy” với sở thích các thể loại âm nhạc như rock, worldmusic. Sau đó là hát và chơi guitar. Với niềm đam mê này, tôi đã đi lưu trú tại nhiều nước Châu Phi, bắt đầu 4 năm tại đảo Mauritius, Maroc, sau đó là Senegal, đi qua sa mạc Sahara. Những cuộc hành trình tiếp theo là Tây Ban Nha, Thái Lan, Ấn Độ, Nepal và hiện tại là Việt Nam.
* Anh đã gặt hái được gì từ những cuộc hành trình này?
- Tất nhiên là rất nhiều! Khi ở châu Phi, tôi đã “mò” tận vào các khu rừng sâu của đất nước này để khám phá bộ gõ và âm nhạc ở nơi đây. Ở Nhật, tôi cũng đã dành hẳn 10 năm học ngôn ngữ như người bản xứ để nghiên cứu từ văn hóa đến âm nhạc. Cũng như vậy, tôi tìm hiểu âm nhạc tại Ấn Độ.
Đến Việt Nam, ấn tượng với tôi chính là âm nhạc ở vùng cao phía Bắc, đặc biệt là các nhạc cụ. Âm sắc của các nhạc cụ dân tộc đem lại cho tôi một cảm nhận đặc biệt. Tôi gọi đó là những âm thanh diệu kì. Và cũng chính sức hấp dẫn từ các nhạc cụ đó đã thúc đẩy tôi hoàn thiện xong một vài dự án nhỏ...
* Vậy khi nào mới là dự án to?
- Tôi cũng không biết như thế nào mới gọi là to (cười). Nhưng điều tôi mong muốn khi sống tại Việt Nam là sử dụng âm nhạc để chuyển tải, chia sẻ giao lưu ngôn ngữ giữa hai nước. Với mong muốn sẽ có những dự án được hợp tác giữa các nghệ sĩ hai nước trong tương lai, tôi dự kiến sẽ chuyển soạn các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sang tiếng Pháp để hát và cũng mong sẽ có dự án về các ca khúc Pháp được hát bằng tiếng Việt.
* Còn với chương trình Glamour?
- Ở Việt Nam, tôi thấy khán giả có vẻ như vẫn còn “ngủ yên” với thời kì “vàng” của nhạc Pháp vào những năm 1950-1960 trở về trước. Trong khi đó, âm nhạc Pháp cũng đã phát triển nhiều.
Do vậy, chúng tôi muốn đem đến cho khán giả một chương trình phong phú hơn: Những ca khúc kinh điển Pháp, những ca khúc nổi tiếng ở Pháp mà công chúng Việt Nam ít được biết đến cũng như những tác phẩm đang được yêu thích tại Pháp hiện nay. Có thể kể đến như Pour que tu m’aimes encore (Cèline Dion), LaFoule (Edith Piaf), Aline (Christophe), Douce France (Charles Trenet), Tombéduciel (Jacques Higelin), Santiano (Hugues Aufray)…
Việt Nam – nơi đáng sống
* Làm một nghệ sĩ “bôn ba” khắp thế giới, anh thường gặp khó khăn gì và theo anh, ở đâu dễ sống hơn cả?
- Tôi quan điểm: Hòa nhập nội tâm mới là quan trọng. Cứ cởi mở với nơi mình đến, với người mình gặp, không phân biệt quốc tịch, dân tộc nào thì sẽ cảm thấy thoải mái.
Nếu nói khó khăn thì không thể kể hết. Như ở Nhật, tôi không chỉ học ngôn ngữ, văn hóa mà cả nguyên tắc sống rất khắt khe. Ở châu Phi thì gặp phải điều kiện sống thiếu thốn từ điện, nước. Nhưng tôi luôn coi những nơi mình đến đều là nhà!
- Nghệ sĩ Pháp lấy cảm hứng từ đàn bầu
- Chương trình độc tấu piano của nghệ sĩ Pháp Roger Muraro
- Nghệ sĩ Pháp biểu diễn song tấu piano
* Vậy cuộc sống của anh ở Việt Nam diễn ra như thế nào?
- Phải nói rằng Việt Nam đang có một sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, các bạn lại có một nền tảng truyền thống bền vững.
Giữa bối cảnh này, tôi cũng gặp những khó khăn như dị ứng với tình trạng ô nhiễm môi trường, “đối phó” với giao thông gần như không diễn ra theo luật lệ nào… Dù sao, tôi vẫn thấy khá thoải mái. Bản thân tôi cũng may mắn được nhiều người biết đến, được mời diễn ở nhiều nơi nên việc sinh tồn là vừa đủ.
* Vậy anh có cho rằng Việt Nam là thiên đường sống với những món ăn ngon và cả những cô gái đẹp như người ta nói?
- Đúng là kể cả có dịch Covid-19 đi nữa thì Việt Nam vẫn là một trong những nơi đáng sống. Bản thân tôi cũng coi Việt Nam sẽ sớm trở thành “căn cứ”, Hà Nội sẽ trở thành “trái tim” của tôi khi tôi lưu diễn ở các nước quanh khu vực.
Tôi cũng rất yêu thích các món ăn của Việt Nam như bún chả, nem. Ở góc độ con người, tôi thấy người Việt Nam tốt bụng, cởi mở, còn phụ nữ thì …. ở đâu cũng có người nọ người kia! (Cười)
Vài nét về David Kenjah David Kenjah sinh ra tại Paris, mang trong mình dòng máu hội tụ của Tây Ban Nha, Do thái, Pháp và Maroc. Bố anh là nhà nhân loại học và cũng là nghệ sĩ, vận động viên môn kiếm (vô địch nước Pháp), giáo viên dạy Karate, diễn viên. Khi vào trường Đại học Sorbonne, David Kenjah học chuyên ngành văn hóa văn minh, nhưng đồng thời học song bằng tại Trường âm nhạc ATLA ở Montmartre (Trường Âm nhạc Đương đại ). Trước đó, David Kenjah cũng đã có 7 năm học piano cổ điển tại Nhạc Viện Âm nhạc Paris. |
Lam Anh