Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long: 'Trong câu xẩm, cuộc sống rất khó khăn nhưng cũng đầy lạc quan'
(Thethaovanhoa.vn) - Quan niệm rằng nghệ thuật nào cũng khó sống nếu không phù hợp với nhu cầu mang tính thời đại, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã tạo nên những sản phẩm tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, hài hòa giữa nghe và xem để nối dài sự sống cho âm nhạc truyền thống nói chung, đặc biệt là với xẩm.
Và để minh chứng cho điều đó, cuối tuần qua, Long đã chính thức giới thiệu đến công chúng album xẩm Vol.1 Trách ông Nguyệt Lão. Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với anh.
*Anh từng tốt nghiệp loại giỏi khoa Lý luận Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia VN). Vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với xẩm?
- Sau khi tốt nghiệp thì tôi được tuyển thẳng vào Nhà xuất bản Âm nhạc. Một hôm, đang làm việc ở phòng thu thì nhạc sĩ Thao Giang, một người cũng nặng lòng với xẩm tới chơi. Biết tiếng và ngưỡng mộ tài năng ông từ lâu nhưng khi tiếp xúc, tôi vẫn cảm thấy ấn tượng với nhạc sĩ. Ấn tượng bởi sự hòa đồng, và kèm theo đó là sự cảm phục khi ông chia sẻ mong muốn tập hợp anh em các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ để phục hồi lại hát xẩm.
Trước đó, hát xẩm hầu như không được nhắc tới. Chẳng hạn, mọi người chỉ biết tới cụ Hà Thị Cầu ở Ninh Bình hát xẩm rất tài, thế thôi, chứ mấy ai đã được nghe một lần hoặc trực tiếp bỏ thời gian về tận Ninh Bình để nghe một cụ già hát dân gian?! Và, tôi đã may mắn cùng nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa là hai người trẻ được đứng cùng hàng ngũ với GS-TS Phạm Minh Khang, các nhạc sĩ Thao Giang, Hạnh Nhân, NSND Xuân Hoạch, các NSƯT Đoàn Thanh Bình, Thanh Ngoan… để bắt tay vào phục dựng hát xẩm.
Càng đi sâu vào tôi càng thấy xẩm rất hay và tôi cũng không biết mình đã yêu và đam mê nó từ khi nào. Tôi thấy trong xẩm, tôi được là chính mình. Vì vậy tôi cảm thấy trách nhiệm của mình càng lớn.
* Xẩm, cũng như tuồng, chèo... và một số loại hình âm nhạc truyền thống khác của dân tộc luôn "lép vế" trước đời sống giải trí ngày càng hiện đại và đa sắc màu. Động lực nào đã giúp anh vượt qua và kiên trì theo đuổi xẩm đến ngày hôm nay?
- Đúng là khi ấy chúng tôi gặp phải rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất nằm ở việc các nghệ nhân hát xẩm đều không còn nhiều. Thực ra khi đó chúng tôi cũng tìm được một vài nghệ nhân, tuy nhiên nghệ thuật hát xẩm này đã bị hiểu lầm và lãng quên rất lâu. Thế nên ngoài cụ Hà Thị Cầu là một kho tư liệu sống, gần như không còn ai nữa.
Thực tế, khi chúng tôi tìm đến những nghệ nhân đã từng đi hát, vốn xẩm của họ đã bị mai một rất nhiều. Thậm chí, nhóm phải hát “mồi” thì họ mới nhớ lại được. Đấy là một thiệt thòi và chính thiệt thòi đấy lại là động lực thúc đẩy chúng tôi càng muốn theo đuổi nghệ thuật hát xẩm và muốn gìn giữ bảo vệ nó.
Khó khăn thứ hai chính là nằm ở việc không gian và môi trường biểu diễn không có, ngay cả khán giả cũng không có, vì vậy, nhóm phải tự gây dựng bằng nỗ lực của mình. Và còn vấn đề về tài chính - điều luôn làm cả nhóm đau đầu. Như cá nhân tôi, ngoài sáng tác và biểu diễn xẩm, tôi vẫn phải làm thêm nhiều công việc khác như đi dạy hay viết bài cộng tác cho các báo để có "đồng ra, đồng vào".
* Ai là người truyền cảm hứng và ảnh đến anh nhiều nhất trên con đường theo đuổi xẩm?
- Người truyền cảm hứng cũng như tạo ra sự ảnh hưởng lớn nhất về xẩm đối với tôi đó là cụ Hà Thị Cầu. Cụ làm tôi hiểu được tinh thần về hát xẩm. Tôi thấy trong câu hát xẩm, cuộc sống rất khó khăn nhưng cũng đầy lạc quan. Và bản thân người hát thì cũng lạc quan, chẳng hạn nghe cụ Cầu nói chuyện thì tôi thấy cụ cũng chả quan tâm đến thời cuộc, đến những vất vả hiện có.
Về mặt âm nhạc, xẩm gần như nói, tuy nhiên lại có điểm nhấn. Tôi đã từng theo học về âm nhạc phương Tây rồi nên tôi nhận thấy chính những điểm đó lại rất tinh tế. Ít ai nghĩ điều ấy lại có ở nghệ thuật hát xẩm - một loại nghệ thuật mà mình tưởng là bình dân.
* Anh đã làm những gì để gìn giữ xẩm và đưa xẩm đến với công chúng?
- Từ 2005 đến nay có lẽ 50% hoạt động âm nhạc của tôi dành cho xẩm. Giống như có một ai đó cứ luôn thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó cho xẩm, tôi cảm nhận như thế.
Tôi tham gia rất nhiều hoạt động, ở nhiều góc độ khác nhau: từ đi điền dã đến nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thông tin báo chí, biên tập, tổ chức biểu diễn… với mong muốn và mục tiêu lớn nhất là xẩm có vị trí xứng đáng như đáng lẽ ra nó đã có được trong đời sống tinh thần của người dân cả nước. Bây giờ, có lẽ ít nhất xẩm cũng đã được nhận diện trong gia đình âm nhạc cổ truyền dân tộc, tương đương như quan họ, chèo, hát xoan, hát ghẹo...
* Được biết trong suốt những năm qua anh có khá nhiều sáng tác mới cho xẩm. Vậy chủ đề mà anh hướng tới cho những sáng tác của mình là gì?
- Chủ đề của hát xẩm tương đối rộng. Tuy nhiên có 3 chủ đề chính đó là xã hội, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu. Trong đó, những sáng tác của tôi tập trung nhiều nhất đó là về xã hội.
Xẩm cũng giống như một tòa soạn báo, nó có chức năng truyền thông, phê phán hoặc khen ngợi một cái gì đấy nhưng rất nghệ thuật, nhẹ nhàng và tế nhị kiểu như xẩm Tiễu trừ cướp biển, xẩm Trà đá… mà chúng tôi đã thực hiện, được công chúng đón nhận rất tốt.
Chủ đề thứ hai mà tôi thường sáng tác là về tình yêu quê hương đất nước như xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội ca ngợi nét đẹp truyền thống đan xen với hiện đại của Hà Nội. Rồi xẩm Tứ vị Hà thành là nói lên 4 món ăn vừa đặc trưng mà sang trọng của Hà Nội là phở, bún đậu mắm tôm, bún chả, bánh tôm Hồ Tây. Rồi những sáng tác về tình yêu trong album Trách ông Nguyệt Lão được thể hiện rất nhiều. Như bài xẩm Ơ này em gì đấy ơi, xẩm Duyên phận tơ vòng... Ngoài ra còn có những bài nói về tình yêu của mẹ cha đối với con cái như xẩm Dặn con.
* Anh có thể chia sẻ với độc giả một số dự định sắp tới của anh và của nhóm Xẩm Hà Thành?
- Năm 2020 là một năm có rất nhiều dự định của tôi và cũng là của cả nhóm Xẩm Hà Thành. Ngay sau khi ra mắt album Trách ông Nguyệt Lão thì chúng tôi sẽ sang Bắc Ninh để bắt tay vào quay MV cùng tên và sẽ phát hành vào những ngày đầu năm mới 2020 chào 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đến sẽ tổ chức đêm Xẩm và Đời 2. Và đến tháng 5 chúng tôi sẽ kết hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình để tổ chức Hội thảo quốc tế về hát xẩm.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Xẩm cần gì để tăng sức sống? "Theo tôi, để xẩm sống được trong đời sống đương đại thì trước hết, tất cả các nghệ sỹ xẩm luôn nỗ lực tạo ra một phong cách riêng để góp vào bức tranh chung của nghệ thuật truyền thống ở Hà Nội. Ngoài ra, cần góp sức tạo nên thật nhiều vốn bài, đồng thời phải nỗ lực để xẩm có nhiều hoạt động trực tiếp đến với công chúng. Và cuối cùng, phải tập trung vào vấn đề học thuật" – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long. |
Mai Chi (thực hiện)