Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 5): Thùy Lan - Nghề lồng tiếng cũng có ngôi sao!
(Thethaovanhoa.vn) - Đi theo nghề lồng tiếng từ năm 1984 nhờ sự phát hiện của đạo diễn Hồng Phúc, đến nay nghệ sĩ Thùy Lan đã tham gia hơn 100 phim lớn hoặc dài tập, nổi bật nhất có: Con thú tật nguyền, Anh hùng Núp, Đồng tiền xương máu, Giông tố cuộc đời… và mới nhất là Tiếng sét trong mưa. Thùy Lan cũng tham gia lồng rất nhiều phim hoạt hình nước ngoài và vô số phim ngắn đang chiếu trên YouTube.
Nghệ sĩ Thùy Lan sinh năm 1951, người Huế, vào Sài Gòn từ trước năm 1975, đi hát theo dạng ca sĩ tự do tại nhiều phòng trà ở miền Nam thời bấy giờ. Sau năm 1975, bà gia nhập Đoàn văn công Bông Hồng, Đoàn kịch nói Cửu Long Giang, rồi các đoàn kịch của Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương... Từng diễn chung vở với nhiều tên tuổi lớn như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Huỳnh Thanh Trà, Thương Tín… Nhưng vì lý do sức khỏe và những khó khăn về đời sống sân khấu miền Nam thập niên 1980, Thùy Lan đã chọn lồng tiếng làm ngã rẽ cuộc đời.
Lương bổng tùy theo danh phận
Với Thùy Lan thì phận người lồng tiếng cũng giống như chính các nghệ sĩ, một số ít sẽ thành ngôi sao, còn đa số luôn đóng vai… quần chúng, vì vậy mà lương bổng sẽ tùy theo danh phận. Từng hành nghề chung với các ngôi sao lồng tiếng như Tú Trinh, Thy Mai, Kim Phụng, Mộng Vân… Thùy Lan nói bà luôn biết thân phận của công việc và của bản thân.
- Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 3): Tú Trinh - từ cải lương thành bậc thầy lồng tiếng
- Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 2): Bích Ngọc - Nữ hoàng lồng tiếng phim bộ
- Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 1): Văn Ngà - miễn được khóc, cười cùng các nhân vật
Bà chia sẻ: “Có phim mình được trả kha khá, có phim cao, có phim bèo bọt, chứ không thể cứ nhất nhất lúc nào cũng như vậy. Điều này phụ thuộc vào độ hợp vai của mình, kinh phí đầu tư của nhà sản xuất, cũng như sở trường sở đoản. Nhiều khi đúng sở trường hoặc tuyệt chiêu chỉ mình có được thì lồng 10 phân đoạn có cát-sê còn cao hơn 30 phân đoạn trong các phim không đúng sở trường”.
Với nghệ sĩ này, tuy lồng tiếng là nghề âm thầm đứng sau ống kính, nhưng niềm vui được hóa thân vào các nhân vật, được truyền tải những cảm xúc thăng hoa, giúp nhân vật được hình thành và nổi bật trên phim là một niềm vui vô bờ bến. Tình hình phim Việt Nam lên xuống thất thường, khó đoán, nên với bà, còn được làm nghề, dù chỉ nhận những đồng cát-sê ít ỏi, vẫn là niềm hạnh phúc.
Bà từng bị “quỵt nợ” gần 10 bộ phim, có phim vài ba trăm ngàn, có phim gần 10 triệu đồng, có phim mới nợ vài tháng, có phim đã hơn 5 năm. Nhưng không phải vì thế mà làm bà chùn bước.
“Tôi vẫn nghĩ đó là những con sâu làm rầu nồi canh, còn nghệ sĩ, nghệ thuật đàng hoàng thì luôn hành xử tử tế với nhau, nợ thì xin khất nợ, phá sản thì nói một tiếng xin xí xóa, cò gì đâu mà phải trốn tới trối lui. Diễn viên, ngôi sao bị xù nợ còn được báo chí quan tâm lên tiếng, chứ người lồng tiếng hoặc nhiều khâu bếp núc, thuộc nhóm thấp cổ bé họng, đa số đều chỉ biết kêu trời khi rơi vào hoàn cảnh bị xù nợ lương” - Thùy Lan tâm sự.
Dù cuộc sống hiện tại không phải khá giả gì, nhưng với Thùy Lan như vậy đã là quá ổn, là đã được tổ nghề phò trợ rất lớn. Bà nói: “Tuổi cổ lai hy rồi, nhiều người đã là thiên thu, nhiều người phải ngồi một chỗ, phụ thuộc con cháu, mình còn được đến phòng thu làm việc, còn được tin tưởng giao vai, có thu nhập qua ngày, vậy còn mong gì nữa. Với các nghệ sĩ nổi tiếng, hàng trăm tin bài là bình thường, với những người đứng phía sau như tụi tôi, được một bài như báo Thể thao và Văn hóa hôm nay đã là niềm vui lớn. Không phải tụi tôi cần danh tiếng gì, vì đặc thù cái nghề này, khó nổi tiếng lắm, nhưng tin bài như một sự chia sẻ, một ghi nhớ rằng vẫn còn người lồng tiếng ở quanh ta, vậy đã là quá đủ”.
Ngoài công việc lồng tiếng, bà cũng thường “song kiếm hợp bích” cùng chồng là nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn ở phòng thu, giúp các ca sĩ cách thể hiện, cách luyến láy, nhấn nhá câu chữ cho đúng với tinh thần bài hát. Trong giới phòng thu trước đây, họ thường gọi việc này là “kiệu lời bài hát”. Thái Ngọc Sơn được biết đến với rất nhiều ca khúc như Hoa 10 giờ (viết với Đài Phương Trang), Còn gì nói đêm nay, Nét son buồn, Ngõ vào đời…
Đi làm rồi mới học
Nghệ sĩ Thùy Lan kể rằng trong lần gặp sư phụ lồng tiếng thế hệ đầu tiên là nghệ sĩ Hồng Phúc ở rạp Long Vân cuối năm 1984, mới nghe giọng nói từ xa là ông đã chạy tới phán liền: “Sáng mai mày lên phòng thu ở Thi Sách gặp anh nha”. Đó là lần đầu tiên thử vai trong phim nhựa Con thú tật nguyền (1985) - phim chiến tranh của Hồ Quang Minh. Đạo diễn lồng tiếng Hồng Phúc đưa cuốn kịch bản cho đọc, xong nói: “Bé Lan, mày cứ nhìn vào màn hình rồi khớp thoại y như nói chuyện ngoài đời”. Lần đó Thùy Lan được vào vai cô ca-ve 6 phân đoạn, giọng ngọt lịm, khiến Hồng Phúc hớn hở, rồi bảo: “Từ ngày mai mày vào đây làm chính thức luôn nha, vừa làm vừa học, anh chị ở đây chỉ dạy dần dần cho”.
Sau hơn 5 năm vào nghề lồng tiếng, đầu thập niên 1990, Thùy Lan quyết định nghỉ để kiếm việc khác làm, với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn chút đỉnh, do đời sống quá khó khăn. Ở nhà vài năm, nghệ sĩ Hồng Phúc lại tìm đến, giao kịch bản phim Anh hùng Núp cho đọc, mời vào vai bà già người dân tộc, với mức thù lao khá cao. Sau phim Anh hùng Núp của đạo diễn Lê Đức Tiến, Thùy Lan biết rằng mình không thể làm việc gì khác, nên gắn bó và sống được với nghề đến tận hôm nay. Hàng năm, dịp 20/11, Thùy Lan đều đến nhà xin con cháu cho thắp nén nhang nhớ tới ân nhân, người thầy lồng tiếng đầu tiên của mình - thầy Hồng Phúc.
Thùy Lan nhắc lại lời của thầy Hồng Phúc: “Nghề lồng tiếng hợp vai là lên, tuy lương không thể bằng ca sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhưng nếu biết chắt chiu thì vẫn có thể mua nhà sắm xe. Quan trọng nhất là phải luôn cập nhật nghề nghiệp, vì mỗi kịch bản, mỗi đạo diễn có yêu cầu và phong cách riêng, không thể rập khuôn như cũ”.
Để trở thành một nghệ sĩ lồng tiếng đích thực theo Thùy Lan không có gì ghê gớm, bởi công việc này không cần ở ngoại hình, không cần đầu tư trang phục, quần áo hoặc bối cảnh... Nhưng điều quan trọng nhất là phải có chất giọng, nhạy bén. Giọng trầm khàn vào vai lão, độc, ác. Nếu chất giọng thanh dễ vào vai mùi, còn giọng chua chát hoặc đỏng đảnh sẽ vào các vai phản diện, nham hiểm. Mình phải luyện giọng và giữ giọng để làm việc. Bà nói: “Ngày nay, khi nhận vai để lồng tiếng, không cần và cũng không có thời gian dài để nghiên cứu kịch bản như ta lầm tưởng đâu. Hầu hết khi vào phòng thu, chỉ cần xem trước phân đoạn mình cần phải diễn, lần dò với đường dây kịch bản xem đúng chưa là bắt đầu... chơi tới luôn. Bởi vậy mới cần sự nhạy bén và nhạy cảm với từng vai”.
"Sống được là nhờ các phim ngắn phát trên YouTube"
Theo nghệ sĩ Thùy Lan, thị trường lồng tiếng hiện giờ có vài nhóm nổi bật như Phước Trang, Đạt Phi, Mộng Vân, Bảo Châu, Huy Maika... mọi người đều đang có việc làm, sống tạm được. Nếu vào vai của khoảng 10 nhân vật chính và thứ chính của các phim dài tập, người làm lồng tiếng có thể sống tốt, các vai nhỏ hơn thì phải chịu đi lồng nhiều phim.
“Hiện tôi sống được là nhờ các phim ngắn phát trên YouTube, các bạn trẻ làm việc văn minh, chịu chi, nên cũng đỡ cực một chút. Khán giả nào thân quen, cứ mỗi lần thấy mặt diễn viên Ánh Hoa, Uyên Trinh, Thanh Hiền, má Phi Điểu... là y như rằng họ biết đó là tôi lồng. Mà cũng có cái hay, má Phi Điểu là một nghệ sĩ lồng tiếng kỳ cựu, chất giọng rất hay, nếu phim mà thu tiếng trực tiếp, tôi đâu còn đất để lồng nữa. Vậy là má Phi Điểu đi lồng cho các nghệ sĩ khác, còn tôi thì lại lồng cho các vai của má Phi Điểu, thú vị quá đi chứ” - Thùy Lan nói.
Điều hạnh phúc nhất với Thùy Lan hiện nay là trong nhà đã có hai đứa cháu nối nghiệp lồng tiếng là Ngô Lợi và bé Ngọc Khánh - mới 11 tuổi mà đã có 8 năm trong nghề. Cô bé này có chất giọng rất siêu, tự tin, cảm thấy câu thoại nào chưa ổn là mạnh dạn xin đạo diễn cho sửa lại.
(Hỏi đáp về quá khứ - hiện tại - tương lai) Một cách góp mặt với nghề diễn xuất * Bà có hài lòng về cuộc sống hiện tại không? - Như đã nói, tôi khá hài lòng vì còn được sống với nghề lồng tiếng của mình. Tuy nó là một công việc nhỏ nhoi, nhưng cũng là một cách góp mặt với nghề diễn xuất mà bản thân từng làm khi còn trẻ. * Nếu quay trở về thời kỳ đầu, bà có theo nghề lồng tiếng? - Tôi tin rằng mỗi kiếp sống là duy nhất, nên dù có quay lại, chúng ta cũng sẽ sống y như mọi sự đã được an bài. Tôi đã từng muốn bỏ nghề lồng tiếng, nhưng rồi có bỏ được đâu, chỉ khi trở lại với nghề thì mới tìm được lẽ sống và niềm vui dài lâu. * Vậy bà mong muốn điều gì cho nghề lồng tiếng? - Rất mong phim ảnh phát triển mạnh hơn, doanh thu tốt hơn, để người lồng tiếng sống thoải mái hơn một chút. Cầu mong ít ai bị rơi vào tình cảnh như chủ phim thua lỗ, thất bại, khiến diễn viên lồng tiếng bị xù lương là rất buồn. * Cảm ơn bà! |
(Còn nữa)
Lữ Đắc Long