Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 3): Tú Trinh - từ cải lương thành bậc thầy lồng tiếng
(Thethaovanhoa.vn) - Hiếm có khán giả nào thường xuyên xem truyền hình mà lại chưa nghe giọng của Tú Trinh, dù số người “khớp” gương mặt với tiếng nói để thành nghệ sĩ này có thể chưa nhiều. Giọng nói đa dạng, Tú Trinh phủ sóng từ phim, kịch nói, quảng cáo… cho tới nhiều chương trình cần lồng tiếng khác.
Bước vào nghề lồng tiếng từ năm 14 -15 tuổi, chị đã có hơn 50 năm kinh nghiệm, khoảng 15 năm trở lại đây càng đắt sô hơn, vì đã giảm thiểu công việc bên sân khấu. Ngoài đóng phim, Tú Trinh còn là diễn viên kịch và cải lương kỳ cựu, ghi dấu với nhiều vai diễn.
Con nhà nòi
Nghệ danh Tú Trinh do NSND Năm Châu đặt khi chị đến với sân khấu cải lương từ trước 1975. Chị có tên đầy đủ là Hà Thị Thu Ba, sinh 1952, trong gia đình nghèo, có 9 người con, gốc Quảng Ngãi. Cha của chị - được xưng tụng trong nhóm “ngũ bá danh cầm” của sân khấu cải lương tại Sài Gòn - là nhạc sĩ cổ nhạc Chín Trích. Huyền thoại cải lương - NSND Phùng Há từng chia sẻ: “Thời tôi đi hát ở đoàn cô Năm Phỉ, nếu không có tiếng đờn cò của anh Chín Trích thì tôi ca không được”.
Tú Trinh khởi nghiệp từ cải lương Hồ Quảng khi còn rất trẻ, chuyên được giao phó những vai tỳ nữ trong các vở tuồng cổ của Đoàn đồng ấu Minh Tơ, trong khi những đào kép chính thời đó là Bo Bo Hoàng, Bạch Liên, Thanh Thế, Bạch Lê... Thời gian này, chị học tiểu học ở trường Cầu Kho, đường Trần Hưng Đạo.
Sau đó, chị theo học cải lương tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, nay là Nhạc viện TP.HCM. Lúc đó, được gia đình động viên, dù chưa đủ tuổi, nhưng chị vẫn xin vào học dự thính. Mãi đến 3 năm sau, chị được thi lên lớp, sau khi đậu hạng nhất với nét diễn xuất rất linh hoạt. Chị theo học tại đây đến hết cao đẳng, nhưng vì gia đình quá nghèo, nên chị không thể tiếp tục học. Tuy ở trong một gia đình nghèo túng, đầy những chật vật, nhưng Tú Trinh không hề mang mặc cảm tự ti. Trái lại, chị còn lấy đây làm động lực để phấn đấu bền bỉ, vươn lên trong nghề nghiệp…
Về cải lương, Tú Trinh ghi dấu ấn đậm nét qua các vai Thúy Liễu trong Lan và Điệp, vai Dung trong Tô Ánh Nguyệt, vai Hoa trong Pha lê và cát bụi, vai con dâu trong Tình mẫu tử… Với kịch nói, có thể kể các vở như Tania, Cô gái lái xe và chiếc bình cổ, Tình nghệ sĩ, Những thước phim đời, Chuyến tàu hoàng hôn, Romeo - Juliet không trẻ mãi, Bay trên cô đơn, Những con thú thủy tinh, Đèn không hắt bóng, Trở về mái nhà xưa, Nhân danh công lý, Cưới chồng, Trái tim trong trắng, Người mua hạnh phúc, Cái tráp vàng, Tôi chờ ông đạo diễn, Thuyền tình, Phận làm gái, Bí mật vườn Lệ Chi… Chị sớm được mời cộng tác của hầu hết những ban kịch nổi tiếng thời bấy giờ như ban Vũ Đức Duy, Sống, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương…
Chị cũng đã tham gia đóng rất nhiều phim điện ảnh và truyền hình, ví dụ như Anh yêu em, Giỡn mặt tử thần, Gọi tình yêu quay về, Lá sầu riêng, Sắc hoa màu nhớ, Đời vũ nữ, Người đẹp Tây Đô, Vũ khúc con cò, Áo lụa Hà Đông, Trưởng giả kén rể, Lật mặt 4… Mới đây, chị tham gia phim truyền hình Về quê (30 tập) do Đài Phát thanh và Truyền hình Long An cùng Tập đoàn An Nông sản xuất.
Sớm đắt sô lồng tiếng
Tú Trinh đắt sô lồng tiếng từ năm 14 -15 tuổi, lồng từ trước 1975 cho phim Ấn Độ, vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… Hiếm có phim nào lớn thời đó mà thiếu giọng lồng của Tú Trinh.
“Ban đầu tôi cũng ghi nhớ những phim mà mình đã lồng, nhưng do làm quá nhiều, với lại do thay đổi quan niệm, rằng mình chỉ là “cái bóng xinh xinh” của nhân vật gốc, nên không muốn “kể công” làm gì” - Tú Trinh chia sẻ - “Thế nhưng tôi vẫn thường bị “phát hiện” ra, thỉnh thoảng gặp một khán giả nói chị lồng vai này vai kia hợp quá, tôi cũng thấy vui”.
Có lẽ chính nhạc sĩ Chín Trích là nguồn cơn đưa chị đến với nghề chuyển âm - cách gọi phổ biến của lồng tiếng trước 1975. Cha chị đã biến căn nhà nhỏ bé của mình thành một nơi tập dượt cho ban cải lương Bích Thuận, rất thích Tú Trinh theo nghề cải lương. Dù đã tham gia nhiều vở, có dấu ấn trong nhiều vai, nhưng từ sớm, Tú Trinh đã tự nhận thấy mình không có hơi ca để đi đường trường, thích ca cải lương trên đài phát thanh hơn là sân khấu, vì dễ “sửa sai”, rồi đã chủ động rẽ lối sang những chương trình ngâm thơ, kịch nói và chuyển âm. Chính những người bạn làm nghề chuyển âm của cha chị sớm thấy Tú Trinh có giọng oanh vàng mà kêu đi làm nghề.
Nhờ vào công việc xuyên suốt cả nửa thế kỷ này mà chị có được cuộc sống ổn định, có điều kiện rèn luyện giọng nói và khả năng diễn xuất của mình. Tú Trinh khẳng định: “Đừng nghĩ người lồng tiếng chỉ có tiếng mà không… có hình. Cái hình của người lồng tiếng dù không lộ ra trên màn ảnh, nhưng nó quyết định sự thăng hoa cảm xúc của nhân vật, của người xem. Nếu không hiểu tính cách nhân vật, không cùng diễn xuất, không nhập vai, thì cái tiếng lồng vào sẽ làm hư cả vai diễn đó”.
Trong một cuộc trò chuyện với báo giới, Tú Trinh nói về giọng của mình như sau: “Tôi không có bí quyết hoặc kiêng cữ gì hết. Với những người cần giọng, họ kỵ cà phê, thuốc lá… Tôi thì không kiêng được. Vậy mà giờ giọng tôi vẫn giữ được như xưa. Tôi nghĩ tất cả đều do trời cho, tổ nghề đãi”.
Năm 1979, chị lập gia đình với nhạc sĩ Cao Phi Long, lúc họ cùng cộng tác ở Đoàn kịch nói Kim Cương. Họ có với nhau một con gái tên Khánh Hà, sinh năm 1983. Tú Trinh tâm sự: “Vì xuất thân trong gia đình quá nghèo khó, tôi càng mạnh dạn đi đến với nghệ thuật, càng biết ơn tổ nghiệp, vì nghề đã cho tôi tất cả. Tôi càng hạnh phúc khi nhận được hơi ấm, sự động viên từ gia đình mình, để càng vững tâm dấn bước”.
Vì tuổi tác và vì muốn tập trung với công việc lồng tiếng, Tú Trinh đã thôi đi diễn thường xuyên ở các sân khấu kịch từ khoảng 15 năm nay. Thỉnh thoảng nhớ nghề, chị nhận lời sang Mỹ diễn kịch cùng NSƯT Bảo Quốc trong các chương trình thoại kịch của Túy Hồng và Đỗ Thanh. Ngoài đóng phim, bây giờ chị gần không muốn xuất hiện trên sân khấu, dù vẫn còn nhiều lời mời.
“Ngoài lồng tiếng, tôi muốn dành thời gian đọc thuyết minh phim, đọc lời bình, đọc các bài viết về Phật pháp cho các chùa. Công việc này nhẹ nhàng hơn phải lên sân khấu diễn trực tiếp, lại cho tôi thu nhập đủ sống, có thời gian để chăm sóc cháu ngoại. Tuổi về chiều, tôi ưu tiên cho gia đình, việc bôn ba có phần giảm bớt lại” - Tú Trinh chia sẻ.
(Hỏi đáp về quá khứ - hiện tại - tương lai) Lồng tiếng giúp rèn giũa nghề diễn viên * Chị có hài lòng về cuộc sống hiện tại không? - Tôi rất hài lòng về nỗ lực của mình. Cuộc sống hiện tại là những gì đạt được từ quá trình phấn đấu của tôi. Gia cảnh nghèo khó ngày trước của gia đình đã cho tôi có được ý thức tiết kiệm, rèn luyện để thoát khỏi những túng thiếu bằng chính năng lực của mình. * Nếu quay trở về thời kỳ đầu, chị theo nghề lồng tiếng? - Chắc chắn. Vì đó là môi trường giúp tôi rèn giũa nghề diễn viên. Lồng tiếng cho đủ tính cách, đủ nhân vật, cũng là một cách để mình học hỏi và phát triển nghề nghiệp. Trong một ngày, tôi có thể học được nhiều bài học kinh nghiệm từ diễn xuất của đủ chủ đề phim, từ trong nước cho đến các quốc gia khác. Từ đó dễ dàng thâm nhập tính cách các nhân vật để thể hiện tốt vai diễn trên sân khấu kịch, cải lương và phim ảnh. * Chị mong muốn điều gì cho nghề lồng tiếng hiện nay? - Bây giờ, một số em làm nghề còn vội, non, dẫn đến việc làm ẩu. Tôi thường góp ý, phê bình thẳng. Bởi, nếu cứ làm theo kiểu đó, nghề chuyển âm sẽ bị mai một. Hơn nữa nó không còn là tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn, khi người xem yêu thích phim thì cũng yêu mến người lồng tiếng, chuyển âm. Vừa qua, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM có mời tôi tham gia giám khảo cuộc thi tuyển chọn giọng nói vàng, cuộc thi có rất đông thí sinh tham dự. Chúng tôi đã phát hiện nhiều tài năng và hứa hẹn bổ sung vào lực lượng thuyết minh, lồng tiếng, phát thanh viên chuyên nghiệp có giọng đẹp cho thành phố. Tôi hạnh phúc vì điều này. |
Thanh Hiệp