Nghệ sĩ Kpop sang Mỹ biểu diễn: Nổi tiếng trên mạng là chưa đủ
Dù Kpop đang ngày càng nổi tiếng ở Mỹ, một phần nhờ Internet, dòng nhạc chủ đạo của Hàn Quốc này gặp phải một thách thức không lấy gì làm lạ: rất ít khán giả người Mỹ đi xem các buổi biểu diễn Kpop tại Mỹ.
Làn sóng Hàn và sức mạnh của tập thể
Những nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất Hàn Quốc như Girls' Generation và 2NE1 đã có những đêm diễn ra mắt ở vài thành phố lớn của Mỹ, gần đây nhóm nhạc nữ mới Crayon Pop còn lưu diễn cùng Lady Gaga. Hầu hết những hoạt động đó chưa có giá trị thu lời nhiều lắm ngoài việc tạo ra một dấu ấn văn hóa nho nhỏ về lòng hâm mộ của fan Kpop.
Trong năm nay, sẽ có thêm 4 nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ đang lên của Hàn Quốc, gồm Bangtan Boys, IU, Jung Joon Young và SPICA sẽ có những buổi biểu diễn ra mắt công chúng Mỹ tại liên hoan âm nhạc KCON.
KCON, được tổ chức hàng năm từ 2012, không chỉ là nơi tụ tập của người yêu Kpop, mà còn được coi như bước khởi đầu cho mọi nghệ sĩ Kpop muốn gia nhập thị trường Mỹ.
“Nhiều nghệ sĩ Kpop đã gặp các trung tâm tổ chức biểu diễn ở Mỹ, nhưng họ không đủ tiền tổ chức một buổi biểu diễn riêng, vì thế một liên hoan âm nhạc chung như KCON là nơi thích hợp để họ vừa gặp được khán giả vừa biểu diễn mà không cần bỏ ra nhiều chi phí như khi tổ chức liveshow riêng” – Angela Killoren, đồng quản lý dự án của KCON nói với Los Angeles Times.
Năm ngoái, sự kiện KCON đã chuyển địa điểm tổ chức từ thành phố nhỏ Irvine (cũng thuộc bang California) đến Los Angeles và mở rộng quy mô. Trong 2 ngày liên hoan âm nhạc, khoảng 20.000 khán giả đã đến để xem biểu diễn, dự các buổi thảo luận và triển lãm văn hóa Hàn Quốc. Liên hoan đã trở thành một kiểu đại nhạc hội Coachella phiên bản Hàn.
“Nghệ sĩ sau khi dự KCON trở về Hàn, danh tiếng tăng lên nhiều” – ban nhạc SPICA cho biết. “Nhiều nghệ sĩ và công ty coi đây là một cửa khẩu quan trọng khi tiến vào thị trường Mỹ, nhờ đó, liên hoan này lớn mạnh qua từng năm”.
Năm ngoái, KCON có các nghệ sĩ như G-Dragon và nhóm nhạc Teen Top, kết hợp với nữ ca sĩ Mỹ Missy Elliott, nhờ đó thu hút được kha khá công chúng người Mỹ. “Công chúng hiểu biết về Kpop còn hơn cả chúng tôi, nhưng chúng tôi luôn cố mang đến cho họ những nghệ sĩ mới” – Killoren nói - “Năm ngoái, các nhóm Dynamic Duo và 2AM cũng không nổi tiếng lắm, vậy mà vẫn được chào đón cuồng nhiệt”.
Nhóm nhạc Girls' Generation sẽ là nghệ sĩ đinh của KCON tại Mỹ 2014.Chán tương tác ảo, đòi hỏi tương tác thật
Từ năm ngoái, Kpop bắt đầu trỗi dậy tại Mỹ. Đĩa đơn Crush của nhóm nhạc 2NE1 đã bán được 5.000 bản và lên đến vị trí thứ 61 BXH Billboard. Nam ca sĩ G-Dragon cộng tác với những nhà sản xuất uy tín của Mỹ như Diplo, Baauer và Skriller cho album Coup d'Etat của anh. MV I Got A Boy của Girls' Generation có hơn 100 triệu lượt xem trên YouTube cũng thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ.
Nếu theo dõi qua mạng, Kpop thực sự đang trỗi dậy tại Mỹ. Nhưng trên thực tế, ngoài 2 thành phố lớn New York và Los Angeles, công chúng Mỹ chưa được tiếp xúc trực tiếp với các nghệ sĩ Kpop. Trong thị trường âm nhạc Mỹ, công chúng đi xem biểu diễn ca nhạc như một thói quen và việc trực tiếp nghe hát sẽ tác động rất lớn tới sự yêu thích của họ. Nói rõ hơn, tương tác ảo qua mạng là không đủ.
“Nhiều hoạt động tương tác giữa nghệ sĩ và người hâm mộ trong Kpop là ảo. Người hâm mộ phát cuồng vì điều đó nhưng không bao giờ có cơ hội chạm vào” – Killoren nói. Nếu không có tương tác thật, công chúng Mỹ sẽ mất hứng.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của KCON phần nào giúp thay đổi tình hình. Công chúng Mỹ bắt đầu di chuyển đến các thành phố lớn để xem các nghệ sĩ Kpop biểu diễn. Killoren cho biết khoảng 40% vé KCON năm nay bán được cho người mua sống bên ngoài bang California. Không chỉ từ Texas hay New York mà còn có cả Mexico hay Thụy Điển.
Ngoài Psy và Gangnam Style, chưa từng có một đĩa đơn Kpop nào lọt vào Top 40 BXH Billboard, nhưng KCON chưa thể tạo nên cú nhảy vọt nào như thế. Nhưng riêng sự xuất hiện ổn định hơn của các nghệ sĩ Kpop hàng năm sẽ tạo niềm tin trong công chúng Mỹ.
KCON năm nay diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/8 tại Los Angeles, Mỹ.
Hạ Huyền (theo Los Angeles Times)
Thể thao & Văn hóa