Nghệ sĩ Hương Thanh: 'Thử hát lời ca Việt như không có dấu thanh'
(Thethaovanhoa.vn) - Mấy chục năm qua, từ Pháp, nghệ sĩ Hương Thanh đã bắc nhịp cầu cho âm nhạc truyền thống của Việt Nam đi ra quốc tế, thông qua con đường của jazz, của world music. Vào lúc 20h ngày 16/6 tại sân khấu VOH (37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM), Hương Thanh cùng với 3 nghệ sĩ quốc tế thực hiện live concert Vuông tròn, trình diễn nhạc Việt.
Live concert Vuông tròn (Sky & Earth) hội ngộ 4 nghệ sĩ đến từ 4 nền văn hóa là Ballaké Sissoko (Mali), Kengo Saito (Nhật Bản), Patrice Heral (Pháp), Hương Thanh (Việt Nam). Đêm diễn này pha trộn phong cách jazz đương đại với nền nhạc truyền thống Việt Nam. Chương trình lần này chọn nhạc dân ca 3 miền, trong đó có các bài như Hò kéo gỗ, Hát thầm, Lý tơ duyên, Đố ai, Lý cây bông, Lý cắt cỏ… cùng vài điệu hò.
Lần nào về nước cũng run
Hương Thanh tâm sự rằng biểu diễn ở nước nào chị cũng thấy thoải mái, nhưng về nước là run. “Tôi thích hát lại những bài dân gian quen thuộc của Việt Nam, mà trong nước thì quá nhiều người hát hay, nên mình đâu thể cạnh tranh, vì vậy mà run. Tôi chỉ muốn khán giả quê nhà xem tôi như một cô bé đi xa nhà quá lâu, nay muốn gìn giữ chút bản sắc văn hóa còn lại”.
Hương Thanh cho biết một lý do run nữa. “Đó là tôi thử hát lời ca Việt giống như không có dấu thanh, để các đồng nghiệp quốc tế chơi cùng cảm nhận thấy gần gũi hơn. Điều này với họ có thể thú vị, nhưng với khán giả trong nước thì hơi căng, sợ nhiều người chê tôi hát không rõ dấu. Rõ ràng tôi đã rời xa quê nhà quá lâu, những nhạy cảm tại chỗ đã thay đổi, nên phải ứng xử giống như một người sống song hành giữa hai nền văn hóa khác biệt”.
Điều này cũng giống như năm 1997, khi cùng Nguyên Lê ra album Tales From Vietnam, Hương Thanh cũng lựa những bài hát mà bản thân có thể cảm và khóc được mới hát. Vì chị người miền Nam, album lại thiên nhiều về nhạc miền Bắc, nếu cố gắng để hát cho ra chất giọng Bắc thì sẽ khó mà thành. Hương Thanh đành chọn cách hát cảm động, chân thành, chính điều này giúp chị đến gần hơn với khán giả.
Trước đây Hương Thanh đã vài lần hát tại Việt Nam, trong đó có hát cùng chị gái của mình - nghệ sĩ Hương Lan. Nếu Hương Lan ưu thế bởi sự ngọt ngào, tinh tế, thì Hương Thanh lại mạnh về cảm xúc, sự sâu lắng.
“Tôi cũng rất run khi hát chung với chị Hương Lan, vì chị ấy hát hay, hát giỏi lắm, lại có nhiều người hâm mộ nữa”. Hương Thanh luôn vậy, khiêm tốn, nhẹ nhàng, dù trên bình diện quốc tế, tên tuổi của chị không hề khiêm tốn. Năm 2007, album Vẻ đẹp mong manh của Hương Thanh và Nguyên Lê đoạt giải Âm nhạc thế giới về dòng nhạc dân tộc của Đài France Musique, Pháp.
Nối nhịp cầu vui
Album Chuồn chuồn của Hương Thanh do nhạc sĩ Nguyên Lê sản xuất và thu âm đã được trao giải Choc của Le Monde de la Musique. Năm 2004, album Mangustao một lần nữa nhận giải thưởng này, đồng thời xếp hạng 2 trong bảng xếp hạng word music của Charts Europe.
Hỏi Hương Thanh vì sao hát nhạc Việt mà hay kết hợp với các nghệ sĩ quốc tế? Hương Thanh chia sẻ: “Nếu mình hát thuần dân tộc với nhạc cụ dân tộc thì với khán giả quốc tế sẽ rất khó, nên phải mượn nhạc cụ trung gian để truyền tải. Một khán giả Nhật thấy trong ban nhạc của tôi có nhạc cụ Nhật, nghệ sĩ Nhật thì họ dễ chú ý hơn”.
Năm 2008, Hương Thanh lập nhóm Camkytiwa (Cầm kỳ thi họa) gồm E'Jeoung Ju (Hàn Quốc), Fumie Hihara (Nhật Bản), Li Yan (Trung Quốc) và Hương Thanh (Việt Nam), sau đó mang dân ca Việt Nam đến với nhiều nước. Họ đã xuất hiện tại nhiều sự kiện uy tín như Festival des Nuits Atypiques, Festival des Chants Polyphoniques (Pháp), Music Meeting Festival ở Nijmegen (Hà Lan), Murcia (Tây Ban Nha), Pahoda Festival ở Bratislavia (Slovakia), Festival Colours of Ostrava (Séc)... Nhóm cũng lưu diễn tại nhiều thành phố ở Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Việt Nam.
Song hành với cách “mượn tây giúp ta” như vậy, Hương Thanh cũng ra được nhiều sản phẩm “thuần Việt” như album L'Arbre aux Rêves, phát hành năm 2011. Nó được tập san danh giá Music Magazine (Nhật Bản) xếp hạng là 1 trong 10 album hay nhất của năm về âm nhạc dân tộc. Năm 2014, Hương Thanh làm chương trình “thuần Việt” Tiếng trúc tiếng tơ tại Pháp để giới thiệu kho tàng nhạc cổ truyền của Việt Nam.
Những album tiêu biểu Hương Thanh đã cộng tác sản xuất và phát hành các album tiêu biểu như Moon and Wind, Dragonfly, Mangustao, Fragile Beauty, Moon and Wind, Dragonfly, Mangustao, Fragile Beauty, Musique du Theấtre Cai Luong, Camkytiwa... Tất cả đều lấy gốc là nhạc cổ truyền Việt Nam, sau đó pha trộn với thế giới. |
Văn Bảy