Nghệ nhân Năm Tuyền - 'cơ duyên' thú vị với tà áo dài ngũ thân
Sau nhiều chìm nổi của thời cuộc và các làn sóng thời trang, áo dài ngũ thân đang hồi sinh mạnh mẽ trong những năm gần đây. Và trong dòng chảy ấy có sự đóng góp của Năm Tuyền - một trong những nghệ nhân rất nỗ lực cải tiến để đưa tà áo dài tới gần hơn với người trẻ.
1. Cần nhắc lại, áo dài ngũ thân ra đời khá sớm trong lịch sử và được coi là kết tinh của văn hóa, nghệ thuật thủ công và lối sống của người Việt xưa. Để rồi, khi Âu phục gia nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XX, nếu áo dài ngũ thân nữ có những bước phát triển rực rỡ sau cuộc cách tân của họa sĩ Cát Tường thì áo dài nam đã có lúc dường như biến mất hẳn khỏi đời sống thường nhật.
Dù vậy, từ giữa những năm 2010, làn sóng mặc cổ phục, trong đó có áo dài ngũ thân nam. với sự tìm tòi khám phá của người trẻ dần trở nên phổ biến. Niềm tự hào về phục trang truyền thống của người trẻ cộng hưởng với sự lan tỏa của mạng xã hội đã đưa áo dài nam bước vào hành trình phục sinh thầm lặng mà mạnh mẽ.
Là người tích cực kết nối với các hoạt động văn hóa truyền thống, nhiều năm qua nghệ nhân Năm Tuyền luôn trăn trở trước sự mai một của văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa mặc. Cuộc hội ngộ với câu lạc bộ Đình Làng Việt và sau đó là với TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế - người có nhiều đam mê với áo dài ngũ thân trong Đề án Huế - Kinh đô Áo dài đã tiếp thêm động lực để ông dấn thân vào hành trình may áo dài ngũ thân.
"Áo dài ngũ thân không chỉ là tình yêu mà còn là trách nhiệm của tôi với nghề may đã gắn bó suốt hơn 40 năm qua" - nghệ nhân chia sẻ.
Vào TP.HCM lập nghiệp từ cuối những năm 1990 và thành công lớn ở phân khúc áo cưới, nghệ nhân Năm Tuyền từng khá băn khoăn khi bắt tay làm áo dài ngũ thân. Như lời ông, nếu triển khai thêm phân khúc này, việc sản xuất áo cưới sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Dù vậy, ông vẫn chọn con đường đó sau nhiều ngày suy nghĩ.
Theo nghệ nhân chia sẻ, dù đã thành thạo nghề may nhưng trước một sản phẩm mới lạ như áo dài ngũ thân, mọi thứ trong quy trình được xây dựng lại từ đầu. Và để chuẩn hóa quy trình này, Năm Tuyền đã đặt áo ngũ thân từ khắp nhiều vùng trong cả nước, mặc thử suốt một thời gian để "lắng nghe" và nhận những phản hồi.
2. Năm Tuyền nói, yếu tố đầu tiên ông quan tâm là áo dài ngũ thân phải thoải mái, thứ hai là giá thành hợp lý. Muốn đạt được hai yếu tố này, việc chỉ may thủ công sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đồng thời có giá thành rất cao và khó tiếp cận được đông đảo người dùng.
"Tôi bắt đầu khảo sát, phân tích chỉ số cơ thể nhằm quy ra số kích cỡ quy chuẩn như Âu phục. Việc này giúp áo dài ngũ thân có thể sản xuất đại trà, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu đông đảo của khách hàng. Tiếp đến là chuẩn hóa quy trình sản xuất, bắt đầu từ người thợ" - ông kể.
Và, thành quả đầu tiên là 30 bộ áo dài ngũ thân nam được Năm Tuyền dành tặng CLB Đình làng Việt mặc trải nghiệm trong chuyến thăm khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa. Càng ngạc nhiên hơn khi biết 30 bộ áo này được hoàn thiện chỉ trong 2 tuần.
Như chia sẻ, mẫu áo dài của nghệ nhân Năm Tuyền có thể may cùng nhiều chất liệu vải khác nhau. Áo cũng có thể giặt ủi thoải mái, ít hoặc không bị nhăn, tiện lợi cho việc mặc, gấp lại hay vận chuyển. Bởi, theo nghệ nhân, muốn đến gần hơn với đời sống hiện đại, chiếc áo dài cũng cần mang lại cảm giác tiện dụng, thoải mái để sau mỗi lần mặc, người dùng có thể thấy hào hứng và muốn sử dụng thêm nhiều lần.
Nhờ nỗ lực, những chiếc áo dài ngũ thân thương hiệu Năm Tuyền đã xuất hiện tại nhiều lễ hội cũng như trong những dịp lễ đặc biệt. Nhiều bạn trẻ thuê còn thuê áo dài ngũ thân Năm Tuyền để chụp ảnh. Ngay năm đầu, đã có khoảng 2.000 áo tung ra thị trường nhưng Năm Tuyền đã sẵn sàng cho số lượng lớn hơn. 90% áo dài ngũ thân thương hiệu là nam, còn lại là áo nữ.
Trở thành nhà bảo trợ cho hàng loạt hoạt động vận động, quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam, nghệ nhân Năm Tuyền cũng vừa được bầu chọn vào Ban chấp hành của Hiệp hội Áo dài TPHCM. Bên cạnh việc tích cực tham gia các hội thảo trong ngành, ông còn nhận lời làm giám khảo nhiều cuộc thi trang phục của sinh viên. Ông nói, chính người trẻ sẽ giúp chiếc áo được sống và hòa vào thời hiện đại.
"So với thế hệ chúng tôi, có thể các bạn trẻ không biết nhiều về số phận của chiếc áo dài ngũ thân thời trước, cũng không hiểu sao lại biến mất khỏi đời sống. Tuy nhiên, khi nhận ra giá trị thẩm mỹ của chiếc áo, họ lại không ngần ngại để miệt mài nghiên cứu, phục dựng và chọn mặc" - nghệ nhân khẳng định - "Chính tình yêu và niềm tự hào ấy đã làm lan tỏa sức sống mới của tà áo dài...".