Nghệ An, Đà Nẵng: Đề thi Ngữ văn lớp 10 vừa sức, gắn với thực tiễn cuộc sống
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 120 phút làm bài, đúng 10 h sáng 18/7, gần 36.000 thí sinh trong toàn tỉnh Nghệ An đã hoàn thành bài thi đầu tiên môn Ngữ văn của Kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Đề thi năm nay được đánh giá là nhẹ nhàng, không quá khó đối với các thí sinh.
Đề thi năm nay gồm ba câu, trong đó câu hỏi về phần nghị luận xã hội nói về dịch COVID– 19. Đây là một câu hỏi không khó, đúng như dự đoán trước đó của nhiều học sinh. Nhiều học sinh cho rằng, để nói về dịch COVID – 19 khá dễ dàng vì vấn đề này tác động trực tiếp đến đời sống của tất cả mọi người, học sinh chỉ cần vận dụng thêm một số phương pháp về làm một bài văn nghị luận mà thầy cô đã ôn luyện rất kỹ là có thể hoàn thành bài thi của mình. Với các câu hỏi khác nhiều học sinh cũng thấy tương đối nhẹ nhàng, nếu học chăm chỉ, nắm vững kiến thức sẽ không gặp nhiều khó khăn khi làm bài.
Theo đánh giá của một số học sinh khác, đề thi năm nay có yếu tố bất ngờ, nhất là ở câu đọc hiểu và học sinh cho rằng, đây chính là câu hỏi phân loại học sinh. Trong đó, có những câu hỏi thành phần phân loại cao, ví dụ câu chỉ ra chủ đề của đoạn văn và hiểu như thế nào về nội dung đoạn văn. Với đề này, nội dung của phần ngữ liệu hơi trừu tượng và phải có sự tư duy, hiểu biết và có khả năng cảm thụ. Tuy nhiên, để nói rõ ràng, chính xác và mạch lạc đối với học sinh lớp 9 thì vẫn còn khó khăn.
Ở câu nghị luận xã hội lại không quá bất ngờ bởi trong quá trình ôn tập học sinh thường nói nhiều về tình người và sự đoàn kết, chung sức của mọi người để phòng dịch nhưng chưa từng nghĩ đến nội dung thay đổi thói quen trong đại dịch.
Em Vương Thị Thùy Trang, học sinh trường THCS Đặng Thai Mai, thành phố Vinh cho biết: “Em thấy đề năm nay không quá khó, vừa sức với thí sinh. Những câu trong bài thi bọn em đã được ôn tập kỹ. Em nghĩ nhiều bạn sẽ được khung điểm từ 7-8 rất nhiều”.
Với em Trần Hồ Anh Quân, học sinh trường THCS Đặng Thai Mai, thành phố Vinh: Đề Văn năm nay so với năm khác khá dễ thở, câu nghị luận văn học không ngoài dự đoán của học sinh. Theo em câu nghị luận xã hội là câu thú vị nhất. Câu nghị luận là câu hãy thay đổi thói quen trong mùa dịch COVID là câu có liên hệ thực tế rộng và cao. Với đề này các bạn học sinh có khả năng liên hệ thực tế, có hiểu biết xã hội rộng thì làm tốt. Đề này so với cấu trúc đề có tính mở rộng, đề không theo cấu trúc đã định dạng từ trước bắt buộc học sinh phải sử dụng hiểu biết xã hội của mình để áp dụng vào bài thi mới đạt kết quả tốt.
Học sinh Phạm Bá Minh Tâm, trường THCS Lê Mao cho rằng: “Ở câu nghị luận xã hội không quá bất ngờ nhưng trong quá trình ôn tập bọn em thường nói nhiều về tình người và sự đoàn kết, chung sức của mọi người để phòng dịch nhưng chưa từng làm đến việc thay đổi thói quyên trong đại dịch. Tất nhiên bọn em có liên hệ với bản thân và với những người xung quanh mình nhưng em cũng đang còn nhiều băn khoăn”.
Đánh giá về đề thi Ngữ Văn năm nay, nhiều giáo viên cho rằng, đề thi khá hay, bám cấu trúc, sát đối tượng vừa kiểm tra kỹ năng kiến thức của học sinh vừa phát huy được khả năng tư duy sáng tạo và vốn am hiểu thực tiễn của học sinh. Ở phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu học sinh viết về đại dịch COVID-19 cũng không phải là một câu hỏi quá khó, có tính thời sự. Đây cũng sẽ là chủ đề được ôn tập nhiều trong năm học này.
Cô giáo Trần Thị Hồng Hạnh – giáo viên dạy môn Ngữ văn – Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương cho rằng: “Với đề thi này để lấy điểm đại trà không quá khó. Nhưng để đạt được điểm cao, học sinh cần có tư duy lập luận, logic chặt chẽ, khả năng tích hợp liên hệ và có sự đánh giá cảm nhận, sâu sắc tích cực. Riêng câu về nghị luận văn học lâu nay không phải là một câu gây khó cho học sinh vì những kiến thức trong sách giáo khoa đã được thầy cô ôn luyện kỹ càng nhiều lần”.
*Sáng 18/7, thành phố Đà Nẵng bắt đầu tổ chức thi kỳ thi vào lớp 10, môn văn là môn thi đầu tiên với thời gian thi là 120 phút. Trong buổi thi đầu tiên ghi nhận 61 thí sinh vắng thi không có lý do.
Đề văn thi vào lớp 10 năm 2020-2021 gồm 3 câu, trong đó câu 1 yêu cầu học sinh đọc hiểu đoạn văn về sức mạnh lời nói và trả lời 4 câu hỏi; câu 2 yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ ý nghĩa lời khen trong cuộc sống; câu 3 với 5 điểm yêu cầu học sinh phân tích tình cảm bà cháu trong đoạn trích bài thơ Bếp Lửa.
Tại điểm thi trường THPT trường Ngô Quyền, mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng nhiều phụ huynh vẫn đứng đợi con ngoài cổng trường. Nhận xét về đề thi và khả năng làm bài của mình, nhiều học sinh cho biết đề thi vừa sức và đã được ôn tập.
Em Tuyết Diệu, trường THCS Sào Nam cho rằng: “Đề thi vừa khả năng của mình, em làm được hết bài. Các dạng này đều được các thầy cô ở trường thường xuyên ôn tập. Môn văn không phải là thế mạnh của em nhưng em đã làm bài khá tốt, những môn thi sau em sẽ thoải mái hơn”.
Em Nguyễn Ngọc Kim Khánh, trường THCS Kim Đồng chia sẻ: “Em làm trọn vẹn bài thi, đề thi này vừa trong khả năng của em. Câu khó nhất trong đề thi là câu 3 phân tích bài thơ bếp lửa”.
Em Thục Linh, trường THCS Lê Thánh Tôn cho biết, câu khó nhất trong đề thi văn sáng là câu 1b. Em thấy hay nhất là câu nghị luận xã hội nói về giá trị ý nghĩa của lời khen. Em đã làm theo dàn ý, nêu định nghĩa, ý nghĩa và kết luận, bám sát cấu trúc đề. Với em Ngô Thanh Bình (trường THCS Trần Hưng Đạo) chỉ làm được 50% bài làm, theo Bình thì đề bài hơi dài so với thời gian.
Tại điểm thi trường THPT Phan Châu Trinh, nhiều thí sinh cho rằng đề Ngữ văn năm nay dễ hơn mọi năm. Đề bám sát chương trình sách giáo khoa, vừa sức với học sinh. Em Minh Châu (Trường THCS Kim Đồng) chia sẻ: “Em làm được khoảng 80%. Em không quá bất ngờ với đề thi. Đề năm nay trung bình, không khó cũng không quá dễ. Trong các câu hỏi, em thích nhất là là câu 1”.
Em Việt Hà trường THCS Trưng Vương cũng nhận xét: “Đề thi trung bình, không quá khó. Em làm cũng được khoảng 80%. Em không học tủ mà học dàn ý, học hết các nội dung ôn tập nên em làm câu nào cũng được.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng thông tin, buổi thi sáng 18/7 có 13.203 dự thi (trong tổng số 13.264 học sinh đăng ký), trong đó có 61 thí sinh vắng thi không có lý do. Ngoài ra, buổi thi không ghi nhận trường hợp sự cố hay việc thí sinh và giám thị vi phạm quy chế. Riêng về học sinh dân tộc Cơ tu dự thi vào lớp 10 có 20 học sinh, trong đó có 1 học sinh khuyết tật được tuyển thẳng; 5 học sinh đăng ký học nghề; 14 học sinh tham gia dự thi vào lớp 10 THPT được bố trí dự thị các Điểm thi THPT Phạm Phú Thứ và THPT Ông Ích Khiêm, sắp xếp vào các phòng thi theo tên (vần abc) như mọi học sinh khác.
Để kỳ thi diễn ra thuận lợi, an toàn Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cũng đã bố trí 30 điểm thi với 562 phòng thi; huy động 1.256 cán bộ coi thi và 246 cán bộ giám sát.
Bích Huệ-Võ Văn Dũng/TTXVN